Vì sao “Vụ án vườn điều” sa lầy?

Vì sao “Vụ án vườn điều” sa lầy?
Sau ba ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Vườn điều” 7 giờ tối ngày 11/3,  Chủ toạ Phạm Hùng Việt đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm.

Rồi đây, vụ án không biết bao giờ mới kết thúc. Vì sao lại đến nông nỗi ấy?

Những người tham gia khám nghiệm hiện trường và tử thi ngày 21/5/1993 đã làm việc tắc trách. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những khó khăn cho công tác điều tra và xét xử sau này. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản hơn là việc định hướng điều tra của CSĐT, ngay từ năm 1993.

Khi đó lẽ ra phải đặt nghi vấn với một số người quen của gia đình bà Mỹ đang làm ăn phát đạt tại địa phương bỗng biến mất sau khi vụ án xảy ra và một số người có liên quan tới chuyện tình ái của nạn nhân. Ngay cả chồng bà Mỹ là ông Bửu cũng cần được “đưa vào tầm ngắm”, vì vợ chồng họ mâu thuẫn đến mức đánh chửi nhau, bà Mỹ bị giết trong đêm trước ngày ra Toà để ly hôn, xác nằm ngay gần nhà họ.

Nhưng CSĐT chỉ hướng công tác điều tra vào vợ chồng ông Sáng. Việc các bị can bị mớm cung đã quá rõ ràng. Tuy chưa có bằng chứng về sự bức cung bị can, nhưng hàng trăm người theo dõi PTPT lần 2 đã chứng kiến thái độ ngạo mạn, muốn áp chế cả các LS của nguyên ĐTV Cao Văn Hùng, ngay trước mặt HĐXX.

Để có thể kết tội các bị can, ĐTV đã bỏ ngoài hồ sơ những bút lục có lợi cho họ. Sự vi phạm quy định về tố tụng không dừng ở đó. Tại PTPT lần 2, ông Phạm Hùng Việt đã trưng ra những bức ảnh của “con dao”.

Người chụp ảnh vật này khi nó được đào lên chỉ xác nhận bức ảnh màu là do ông chụp, còn những bức ảnh đen trắng của một vật trông giống con dao hơn vật trong bức ảnh màu không phải do ông chụp. Riêng chuyện này đã nói lên nhiều điều…

Khi phải điều tra lại, CSĐT vẫn chỉ đi theo hướng củng cố việc đã làm, nên tiến trình giải quyết vụ án càng sa lầy. Sự xuất hiện của nhân chứng Kim Yến là một ví dụ. Đằng sau sự sai lầm về phương pháp, có lẽ còn có sự hiếu thắng, thậm chí “cố đấm ăn xôi” để tránh nguy cơ chịu trách nhiệm bồi thường oan sai?

Một nguyên nhân khác khiến vụ án “rối tung lên” là sự thay đổi lời khai của các bị can bị cáo. LS Trần Vũ Hải cho rằng, trong khi ĐTV lấy cung  không có mặt LS, nên các bị can có cớ để nói bị bức cung, mớm cung.

Tại PTPT lần 1 tháng 6/2001, người bào chữa miễn phí cho các bị cáo là LS Phạm Kim Anh đã đề nghị giao việc điều tra cho cơ quan điều tra cấp cao hơn, khi lấy cung các bị cáo cần có LS tham dự. Tiếc rằng đề nghị này nhằm “tránh oan sai cho bị can và tránh oan sai cho ĐTV” không được chấp nhận ngay từ khi đó.         

Đã 12 năm kể từ ngày bà Mỹ bị giết, quá trình tố tụng “vụ án vườn điều” vẫn phải trở lại giai đoạn đầu tiên. Người bị hại chưa được yên nghỉ, gia đình các bị cáo ly tán, các cơ quan tố tụng đau đầu, nhân chứng mệt mỏi. Tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ? Xin gửi hy vọng, tin tưởng đến những cán bộ điều tra công tâm, khách quan của Bộ CA.

Những mốc thời gian trong “Vụ án vườn điều”

- Ngày 21/5/1993: 6 giờ 30 sáng, xác bà Dương Thị Mỹ được phát hiện tại vườn điều của ông Hai Hoàng ở thôn 2 xã Tân Minh (Hàm Tân). CSĐT xác định bà Mỹ bị giết đêm 18 rạng ngày 19/5/1993, ra quyết định khởi tố vụ án.

- Từ ngày 27/5/1993 đến ngày 26/7/1993: vợ chồng Trần Văn Sáng - Nguyễn Thị Nhung bị tạm giữ tại CA Hàm Tân nhưng không có quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam.

- Ngày 22/9/1993: CSĐT đình chỉ điều tra vụ án. 

- Đêm 23/4/1998: bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 bị giết và cướp của.

- Ngày 17/5/1998: Huỳnh Văn Nén bị bắt vì bị coi là thủ phạm vụ giết bà Bông.

- Ngày 20/10/1998: bắt đầu có lời khai của Nén về việc gia đình vợ mình là thủ phạm “vụ án vườn điều”.

- Ngày 2/12/1998: CSĐT phục hồi điều tra “vụ án vườn điều”. Tổng cộng 10 người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm trở thành bị can, trong đó chỉ có 2 người được tại ngoại.

- Ngày 7/3/2001: Xét xử sơ thẩm (XXST) lần 1 “vụ án vườn điều”. Bị cáo Nhung đã chết ngày 24/2/2001 do bệnh ung thư.

- Ngày 14/6/2001: PTPT lần 1 phải tạm hoãn sau 1 ngày làm việc do bị cáo Nén phản cung, kêu oan.

- Ngày 5/4/2002: Tiếp tục PTPT lần 1, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

- Từ ngày 27/7/2004 đến ngày 6/8/2004: XXST lần 2. 

- Từ ngày 9/3/2005 đến ngày 11/3/2005: PTPT lần 2. Bản án sơ thẩm (lần 2) bị tuyên huỷ để điều tra lại.

MỚI - NÓNG