Vì sao Trung Quốc chế tạo động cơ 'không tưởng' của NASA?

Nguyên mẫu động cơ EmDrive. Ảnh: Roger Shawyer.
Nguyên mẫu động cơ EmDrive. Ảnh: Roger Shawyer.
Một phiên bản của động cơ không cần nhiên liệu được xem là "bất khả thi" trong vật lý được các nhà khoa học Trung Quốc thử nghiệm thành công. Thiết bị này đang được thử nghiệm trên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc cho biết phiên bản động cơ mang tên EmDrive đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trạm vũ trụ Thiên Cung 2 trên quỹ đạo Trái Đất, Popular Science hôm 19/12 đưa tin.

Ý tưởng chế tạo động cơ EmDrive không sử dụng nhiên liệu hay bất kỳ đầu phóng tên lửa truyền thống nào bên trong có thể đưa con người lên sao Hỏa trong vòng 10 tuần, được nhiều học giả cho là "không tưởng" hoặc "bất khả thi".

Trên thực tế, nếu không sử dụng nhiên liệu, một động cơ không thể hoạt động được do trái với Định luật 3 Newton. Định luật do nhà vật lý Isaac Newton đưa ra khẳng định lực không xuất hiện riêng lẻ mà xuất hiện theo từng cặp động lực - phản lực. Nói cách khác, lực chỉ xuất hiện khi có sự tương tác qua lại giữa hai hay nhiều vật với nhau và cặp lực này có cùng độ lớn nhưng ngược chiều nhau.

Tuy nhiên, trong buổi hội thảo tại Bắc Kinh, các chuyên gia của Cast, công ty con thuộc Tổng Công ty Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), tuyên bố được chính phủ Trung Quốc trợ cấp tiền nghiên cứu công nghệ từ năm 2010 và thiết bị do họ phát triển đang được thử nghiệm trên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

"Trong những năm gần đây, các viện nghiên cứu đã tiến hành nhiều thử nghiệm dài hạn trên EmDrive. Kết quả thử nghiệm được NASA công bố hồi tháng 11 xác nhận sự tồn tại của công nghệ này. Chúng tôi đã phát triển thành công vài mô hình động cơ", tiến sĩ Chen Yue, trưởng bộ phận truyền thông vệ tinh tại Cast, cho biết.

"Chúng tôi thực hiện nhiều thí nghiệm để hoàn thành động cơ đẩy ở quy mô siêu nhỏ, cũng như trải qua quá trình kéo dài vài năm để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng. Chúng tôi xác nhận động cơ dạng này vẫn có thể hoạt động trong vũ trụ".

Tuy nhiên theo như Li Feng, giám đốc thiết kế của Cast, phiên bản động cơ của họ mới tạo ra lực đẩy khoảng vài milinewton. Để hoạt động được trên vệ tinh, lực đẩy phải đạt khoảng 0,1-1 Newton. "Công nghệ này đang bước vào giai đoạn tiếp theo, với mục đích áp dụng trên các vệ tinh hiện nay càng nhanh càng tốt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin chắc có thể làm được", Li Feng chia sẻ.

Động cơ EmDrive sử dụng hoàn toàn năng lượng Mặt Trời tạo ra lực đẩy bằng cách để vi sóng va đập liên tục với thành buồng chứa. Nó có khả năng tăng vận tốc lên tới 9,4% vận tốc ánh sáng, nghĩa là có thể bay tới sao Hỏa trong vòng 70 ngày, tới hệ sao Alpha Centauri cách Trái Đất 4,37 năm ánh sáng sau 92 năm, theo NASA.

Ý tưởng về động cơ này do nhà nghiên cứu người Anh Roger Shawyer lần đầu đưa ra năm 1993. 4 phòng thí nghiệm độc lập đã nghiên cứu thêm ý tưởng này, trong đó có Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).  Nhóm nghiên cứu Eagleworks của NASA từng tuyên bố sẽ ra mắt thiết kế động cơ EmDrive trong tháng 12/2016.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.