Vì sao tranh Đào Hải Phong được yêu?

Tranh Đào Hải Phong (Nhân vật cung cấp)
Tranh Đào Hải Phong (Nhân vật cung cấp)
TP - Đào Hải Phong là một trong những họa sỹ  đương đại Việt gây tốn nhiều giấy mực nhất. Người yêu thích Đào Hải Phong nhiều nhưng người không ưa hoặc “tị” không ít. Chẳng thế mà, sau lưng Đào Hải Phong vẫn có lời gièm pha: Dạng tranh “decor”,  làm vui cửa nhà ấy mà. Đào Hải Phong biết hết nhưng chỉ cười: “Tranh không treo trong nhà thì… treo đâu?”. 

Một người bạn họa sỹ nổi tiếng đặt cho Đào Hải Phong  biệt danh “Mr Blue”,  vì sắc xanh chói riêng biệt trong tranh anh. Nhưng đừng nghĩ, Đào Hải Phong chỉ chơi với màu xanh, nếu đếm sắc màu thì tranh Đào Hải Phong đầy đủ cả, đúng như câu hát của Trần Tiến: “Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng…”. Khen tranh Đào Hải Phong rực rỡ thì anh đáp luôn: “Cô chỉ xem tôi mười năm trở lại đây. Trước tôi cũng trầm”. Màu sắc có thể thay đổi theo tâm trạng và thời gian, còn anh thủy chung với tranh phong cảnh.

Có nhà báo chuyên mảng hội họa từng viết, đại ý: Nổi bật trong tranh Đào Hải Phong là những cái cây. Chị còn bảo, Đào Hải Phong nên đăng ký bản quyền tạo hình những vòm cây của mình. Còn những đụn rơm, nếp nhà, ánh đèn,  những quả đồi, con đường… thì sao? Có cần đăng ký nốt? Phong cảnh trong tranh Đào Hải Phong không sao chép hiện thực: “Phong cảnh với tôi không thuộc địa danh cụ thể, nó là một phong cách. Nông thôn hay thành phố vẫn phải được nhìn qua lăng kính của nghệ sỹ, phong cảnh chỉ là nguyên cớ”. Cho nên, đừng mất công tìm hiện thực trong tranh anh. Có những thiên đường chỉ sống trong trí tưởng tượng bay bổng của nghệ sỹ. Vì thế chúng mê hoặc người thưởng thức.

Vì sao tranh Đào Hải Phong được yêu? ảnh 1 Chân dung Đào Hải Phong

Nhiều người nói Đào Hải Phong chỉ chuyên vẽ những bức tranh xinh đẹp, phải chăng đó là chủ ý? Cũng như người ta ít thấy sự bi quan, chán nản, giằng xé trong tranh anh. Ngay cả những bức tranh anh tung ra giữa mùa dịch cũng gợi cảm giác yên ả, thanh bình và lấp lánh hi vọng. Đào Hải Phong nói rằng: Là một nghệ sỹ, anh phụng sự cái Đẹp. Phong nhận mình gần nhất với Phật giáo. Anh thích câu: “Biến rác thành hoa” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Phong mê thơ, làm thơ không bằng ngôn ngữ thông thường mà bằng hội họa. Phong cảnh trong tranh anh không có sự hiện diện của con người cũng vì một lí lẽ khá thơ: Con người không cần lộ diện lại hay hơn rất nhiều “như người phụ nữ im lặng tìm đấng trung quân”.

Khác với một số nghệ sỹ, khi đã thành công thì nhấn mạnh thời khốn khó. Còn Đào Hải Phong nhận luôn cuộc sống của anh “bon bon”, ít thác ghềnh.  Đào Hải Phong là con trai của cố họa sỹ, NSND Đào Đức (1928-2007). Ông là người đã tham gia tạo hình, thiết kế mỹ thuật cho bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam  “Chung một dòng sông” hay những bộ phim nổi tiếng khác “Chị Dậu”, “Đến hẹn lại lên”, “Mối tình đầu” … Tuổi thơ trôi đi êm đềm. Lớn lên theo định hướng của cha, anh vào trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh,  từng là họa sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam, tham gia thiết kế một số phim truyện nhưạ như “Chuyện tình bên dòng sông” (Đạo diễn Đức Hoàn); “Người rừng” (Đạo diễn Nguyễn Văn Thông); “Cát bụi hè đường” (Đạo diễn-NSND Trần Khánh Dư). Anh từng làm phó họa sỹ cho cha anh, trong phim “Đêm hội Long Trì”. “Gia tài” phim ảnh của Đào Hải Phong  vỏn vẹn thế thôi!

Bức tranh đầu tiên có giá 100 USD

Anh vẫn cười khi nhớ đến bức tranh đầu tiên bán được cho một họa sỹ dựng cảnh người Pháp sang Việt Nam làm phim “Đông Dương”, khoảng năm 1988-1989. Đào Hải Phong cũng tham gia phim này ở vai trò như anh nói “sơn xe bò”, tức là nhận làm mấy việc vặt ở phim trường. Họa sỹ người Pháp  thích một bức tranh của Đào Hải Phong vẽ trên một tờ giấy báo, khổ 50x60 cm. Ban đầu, Đào Hải Phong cũng chưa biết định giá tranh của mình ra sao, cứ nói liều: 100 USD. Chàng họa sỹ người Pháp không cò kè,  móc túi trên, túi dưới mãi mới gom đủ 100 USD đưa cho Đào Hải Phong. Nhìn cảnh móc túi gom tiền, Phong thầm nghĩ: Anh Tây này trông thế mà nghèo. Mãi về sau, Đào Hải Phong mới biết: Người ta không có thói quen dùng tiền mặt. Tối hôm ấy, anh  mời chàng họa sỹ người Pháp cùng phiên dịch đi ăn. Họ chuyện trò rôm rả tới 3 giờ sáng, Đào Hải Phong tiêu hết 75 USD cho buổi tối nhưng cảm giác sung sướng, đam mê hội họa như được chắp cánh.

Một ngày đẹp trời, lại một vị khách ngoại quốc, thuộc hàng khách VIP, chủ một gallery lớn, từng được cựu Thủ tướng Anh Thatcher ghé thăm,  gõ cửa xưởng vẽ của Đào Hải Phong. Họ muốn mua vài bức tranh của cha anh, họa sỹ Đào Đức. Khi đã chọn xong tranh của Đào Đức, vị khách VIP quay sang ngắm tranh của Đào Hải Phong và quyết định mua 3 bức. Cứ tưởng chuyện chỉ dừng ở đó. Ai ngờ, một thời gian sau, vị khách VIP  quay trở lại Việt Nam. Lần này, ông bảo Đào Hải Phong hãy mang tất cả tranh anh có ra cho ông xem. Sau đó, ông mua gần như tất cả tranh của anh bằng cái giá do chính ông đặt ra. Đã thế, ông còn dẫn Đào Hải Phong ra một ngân hàng quốc tế ở Hà Nội, lập cho Phong một tài khoản. Hơn mười ngày sau, Phong có một khoản tiền lớn từ việc bán tranh, đủ để anh lấy vợ. Nhưng quan trọng hơn tiền, chính vị khách VIP đã định hướng cho Phong: Chuyển sang vẽ tranh sơn dầu, để bay cao và bay xa hơn.  Và chính ông đã đặt giá cho tranh Phong trên thị trường. Cũng từ đây, Đào Hải Phong tất bật vẽ và vẽ, rồi tham gia các triển lãm cá nhân, nhóm ở nước ngoài. Triển lãm đầu tiên của Đào Hải Phong ở nước ngoài diễn ra tại Hồng Kông. Tranh anh bán chạy ở thị trường này, đến độ có cả xưởng  nhái tranh Đào Hải Phong tại đây. Anh đã đi con đường ngược: “Chinh chiến” bên ngoài rồi mới trở về “nhà”.

Và “đứa con” vào chốn cao sang

Vì sao tranh Đào Hải Phong được yêu? ảnh 2 Bà Hilary Clinton bên bức tranh của Đào Hải Phong (Nguồn: Internet)

Nhận bao nhiêu lời tung hô, đưa được bao nhiêu “đứa con” xuất ngoại, liệu Đào Hải Phong có sống “trên mây”? Anh cười: Tôi không ảo tưởng mình lại được đặt ngang hàng với những họa sỹ nổi tiếng nước họ. Bức tranh của tôi có khi chỉ đáng giá bằng một món đồ mỹ nghệ mà họ bỏ tiền ra để sở hữu nó. Vậy điều gì khiến tranh Phong gây thích với khách ngoại quốc? Hãy nhìn từ bức tranh của Phong được đặt trong phòng ăn của bà Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Không đánh giá tranh của mình đẹp hay không, Đào Hải Phong nói: “Có khi tranh tôi gợi mùi rơm khiến người ta nhớ về Việt Nam chăng?”. Có người cho rằng tranh Đào Hải Phong có vẻ đơn giản, trông như là… lặp lại. Song có người lại nói, cứ tưởng thế thôi, đằng sau bức tranh ấy ấn chứa nội tâm phức tạp. Còn Đào Hải Phòng đã từng nói thật: “Tranh của tôi không nặng về tinh thần triết học, mỗi một tác phẩm muốn mang đến những cảm giác, rất dễ đi vào cảm nhận của mọi người”. Đây chính là lời giải vì sao tranh Đào Hải Phong được yêu thích. Bức tranh Đào Hải Phong cảm thấy ưng ý nhất chính là khi anh sáng tạo trong tâm trạng buông lơi, thanh thản.

Trở lại với bức tranh ở phòng ăn của gia đình bà Hillary Clinton. Đào Hải Phong không bán trực tiếp bức tranh này cho vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ.  Khi đang nằm ở một gallery bức tranh đã may mắn được chọn làm quà tặng để tặng vợ chồng cựu Tổng thống khi họ thăm Việt Nam. Đào Hải Phong cũng chỉ được thông báo, bức tranh của anh đã vinh dự thành quà tặng chính khách song vẫn không biết số phận về sau của nó ra sao. Sau này, một người bạn đã nhìn thấy bức ảnh chụp bà Hillary Clinton đứng cạnh bức tranh, trong một tạp chí kiến trúc có bài giới thiệu về “chốn bình yên” của bà. Nhờ thế Đào Hải Phong mới hay “đứa con” của mình đã thực sự được sống nơi “đài các”.

Tranh không đắt, không rẻ

Bức cao giá nhất, Đào Hải Phong bán được 18.000 USD ở nước ngoài. . Nhưng anh nói: “Tôi chỉ nhận được một phần ba trong tổng số đó”, vì còn bao chi phí khác. Anh cho rằng, tranh của mình không đắt, cũng không tăng giá so với trước.   Đào Hải Phong đang cho phép mình nghỉ ngơi một khoảng thời gian để “nạp năng lượng” và “làm mới” bản thân. Nhưng anh sẽ không xa “người tình” hội họa quá nửa năm, bởi sợ bị lãng quên, nhạt nhòa.       

MỚI - NÓNG