Tranh phong cảnh của anh có dựa trên thực tế?
Không nghệ sĩ nào không xuất phát từ bậc thầy của họ là tự nhiên. Chỉ có họ bị tự nhiên hiếp đáp đến mức phần tưởng tượng trong họ không còn nữa, hay nó chỉ là gợi ý để mình được làm cái của mình.
Với tôi, nghệ thuật là cái gì đấy rất đỏng đảnh. Chỉ khi xúc động hoặc cảm thấy mắt mình bị hút vào một cái gì đó, tôi mới đủ cảm hứng để cầm bút. Không bao giờ tôi làm việc kiểu vừa vẽ vừa nghĩ. Có thể tôi thích một cái lá hoặc một mảng màu trời, từ đó gợi ý cho tôi để thành cái những cái khác. Còn nếu đầu tôi rỗng tuếch, không thích một cái gì, thì lại không làm được gì cả. Cho nên đi rất nhiều nơi, chụp rất nhiều ảnh nhưng không phải chụp về một cái mình phải làm ngay. Mình phải ăn được nó, cảm nhận nó, tiêu hóa được nó thì lúc ấy mình mới làm.
Đương nhiên những tranh nào tôi vẽ mà tôi thật thích, tôi sẽ không bán mà để dành cho những việc kiểu như (triển lãm hay ra sách) thế này. Tất nhiên không phải là nhiều. Xem ngần ấy tranh, bạn thấy có sự thay đổi.
Anh có thể tự cắt nghĩa sự bị ám ảnh bởi cây của bản thân?
Hồi bé tôi cực kỳ cảm xúc với cây gạo, khi tôi được mẹ tôi chở dọc con đường lên Chèm, hồi mẹ tôi dạy học trên đấy. Bên bờ sông Hồng với tôi cây gạo như một vị thần. Mẹ tôi hay gọi đấy là “anh cây gạo”, nếu con mà hư là anh ấy biết hết... Cứ mỗi lần mẹ tôi chở tôi qua đấy, tôi cũng gần như sám hối với cây gạo. Mình cũng không nghĩ mình lại có thể ngây thơ đến thế. Lúc đấy chắc mình chỉ 5, 6 tuổi. Cuối cùng cái cây ám ảnh cả sự nghiệp của tôi.
Tôi thấy cây gạo rất hay. Có những buổi chiều mẹ tôi đèo về gặp những cơn giông, cây gạo đứng sừng sững như một trái núi. Cây gạo ngược sáng tối đen tương phản với màu đỏ của hoa khi nắng chói chang. Đến mùa khác nó xanh rì cũng lại rất dễ thương. Khó có loài cây nào nổi bật hơn, nó ám ảnh tôi cả tuổi thơ.
Anh mệnh Hỏa, đâm ra từ khi đưa Mộc vào tranh, sự nghiệp anh cũng bốc hẳn lên?
Từ khi bập vào cái cây này thì tính chủ quan, chủ động của mình cao hơn. Nó như một sự lộ diện. Tôi ít vẽ người, nhiều khi tôi cứ hình dung cái cây trong tranh chính là tôi. Càng về sau, cây càng được trị vì nhiều hơn. Tôi bị ám ảnh đến mức nếu không cho nó vào, mình cảm thấy khó chịu.
Có thời điểm từng xuất tranh cho gallery theo kiểu “bán buôn”. Còn bây giờ tốc độ vẽ của anh thế nào?
Giờ thèm nhất có những cơn muốn vẽ. Ngày xưa đang vẽ món nọ đã rọ sang cái kia, món này chưa xong đã thích món khác rồi. Cho nên ngày xưa bao giờ tôi cũng vẽ khoảng 3 tranh một lúc. Vì tranh của tôi không thể vẽ xong ngay được. Nếu để chờ xong cái này mới vẽ cái kia, sợ bị trượt mất cảm xúc tôi đang có.
Số lượng giảm đi đồng nghĩa với chất lượng giờ lại hơn?
Chất lượng có nhiều người nhận xét. Mình cứ chủ quan trong khách quan thì tranh bây giờ có những chỗ mình giải quyết kỹ lưỡng hơn hoặc đúng nghĩa “già dơ” hơn. Mình không dễ dãi. Trước trẻ, mình nghĩ còn nhiều thời gian, vung bút vẽ thoải mái. Giờ mình không muốn ứng xử như thế nữa. Vẫn có thể vẽ 2 cái song song nhưng vẽ chậm chứ không muốn nhanh.
Ngày xưa có một cái khách quan, vừa là công việc, đam mê của mình mà cũng vừa là thị trường. Đã nhận lời để làm cho người ta một cuộc gì đó, hợp đồng với một gallery nào đó đến ngày giao tranh chẳng hạn, không thể ê a được. Xưa tôi chỉ thèm ngày có thêm 4 tiếng để được uống cà phê lâu hơn, được đi đón con trước giờ một tí. Nhưng đến giờ, đúng nghĩa tôi có thể dành cả buổi sáng chỉ ngồi uống cà phê nhìn đường và phác thảo vào quyển sổ. Chứ ngày xưa có khi phác thảo trong đầu và phác thảo luôn trên toan…
Vài năm gần đây được nhẩn nha hơn. Tôi thích đi bộ hơn đi xe máy, và tôi chuyển sang đi xe đạp. Chứ ngày xưa phóng một cái xe rất to để chạy chỗ nọ chỗ kia. Nhưng đến giờ tự nhiên nhìn sợ. Thì vẽ cũng thế, đi đâu mà vội, mà mình cũng cần gì phải vẽ nhiều nữa.
Hồi vẽ 3 tranh một lúc, anh đã có gia đình?
Tôi lấy vợ năm 31 tuổi. Tầm sáng tác khỏe nhất của tôi là 35-45. Gần như tôi làm xong hết mọi việc của một người đàn ông trụ cột trong gia đình trong giai đoạn đó. Thậm chí lúc ấy mình đã có một khoản tiền để cho con đi học nước ngoài, và nghĩ là không sờ đến nó nữa. Mà lúc đấy bọn trẻ con mới chuẩn bị hết cấp một.
Còn giờ là khoản tiền để mua nhà ở Mỹ chẳng hạn?
Tôi không có ý định. Có lẽ tinh thần phương Đông đã ngấm vào tôi. Từ tầm 2003 tôi đã nhận được một cái phong bì có gắn dấu si bên ngoài ghi “nếu như bạn muốn nhập quốc tịch Canada…” tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Lúc đó tôi đã thấy buồn cười. Tôi đang ở đây, tôi đang thích.
Người ta tưởng thế thôi chứ họa sĩ Việt Nam cũng chỉ gọi là phong lưu hơn những ngành làm về văn hóa nghệ thuật trong nước, vì bán được chút tranh cho người nước ngoài. Chứ còn “phi thương bất phú”. Cho nên tôi cứ nghĩ tốt nhất khi nào mình chết, mình vừa hết tiền là thanh thản nhất. Tôi nhớ ai đó đã nói nếu mình sống mà không được sử dụng những thứ mình có thì những thứ đấy cũng không nên để thành di sản. Di sản là cái họa cho sau này.
Tranh anh đương nhiên là di sản chứ?
Tranh đương nhiên sẽ thành di sản. Tôi bán tranh tôi không thấy mất, nhưng anh bán nhà thì có thể sẽ mất vì họ sẽ san bằng cái nhà của anh để làm một cái nhà khác. Còn tôi có thể đến nhà khách mua xem lại tranh của tôi.
Cơn tham của con người ta vô đáy, nhưng đôi khi phải tự răn là nghề của tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người bạn tôi có rất nhiều tiền, là nó không cộng nghiệp. Tôi không thể gí dao vào cổ anh bắt mua tranh của tôi được… Với tôi đấy là điều may mắn, hạnh phúc nhất, để lúc nào cũng cảm thấy không bị băn khoăn gì.
Có những nghề có lý do để không vi phạm cái nọ thì cái kia. Tôi có người bạn doanh nhân rất trong sáng, cố gắng làm hết mức ngay ngắn, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Anh ta có nói với tôi một câu: “Chơi với ông thích nhất ở điểm không bao giờ ông cần phải nói dối cả. Còn với ông thì tôi nói thật nhưng với người cùng làm ăn, tôi không được phép nói thật. Vì nói thật thì tôi cũng ra đường luôn”. Trên thế giới tại sao kể cả chính khách, doanh nhân có nhu cầu chơi với nghệ sĩ chính là điểm đó. Nó an toàn về mặt con người. Chưa kể nhãn quan của nghệ sĩ biết đâu là tín hiệu gợi ý cho họ một ý tưởng…
Anh nghĩ sao khi các con anh không theo nghề của bố?
Con đầu tôi học 4 năm ở trường đứng thứ ba Mỹ về thiết kế, tốt nghiệp cũng hàng top ở khóa, được nhiều giải thưởng. Trong giai đoạn này được làm ở Mỹ là cả một nỗ lực.
Cả tôi với Lê Thiết Cương cùng thở phào. Cả hai thằng đều sinh con giai cùng một năm. Đây là tin tôi mới nhắn cho Cương: “Lúc chúng 3-4 tuổi tôi sợ nhất nó giống mình”. Cương nhắn lại: “Rất may thằng Bin và thằng Tễu không giống tôi với ông. Mừng Tễu học thiết kế nên thoát được bố và ông nội, cũng như Bin học nhiếp ảnh nên không bị bóng của bố che” …
Đã xong những việc lớn của người đàn ông trong gia đình, anh có thời gian dành cho thú vui gì của riêng mình?
Tôi cũng không đủ giàu để làm gì lớn. Nhưng tôi nghĩ ngoài vẽ tranh, hy vọng tranh mình sẽ giúp ích một chút gì đấy cho xã hội, cái mình luôn răn trong đầu mỗi khi bước ra khỏi cửa buổi sáng là sống làm sao cố gắng tử tế, đừng để mình phải áy náy hay làm cho ai phật lòng.