NHỨC NHỐI
Trong nhóm các họa sĩ đó, không ít người từng là nạn nhân của tranh giả, tranh nhái như Thành Chương, Phạm An Hải, Đặng Tiến, Đào Hải Phong và nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long, Phan Cẩm Thượng một lần nữa đào xới chuyện đau lòng của giới mỹ thuật. Hoạ sĩ Thành Chương nhắc lại tranh giả không phải bây giờ mới có, xuất hiện từ 30 năm nay sau khi đổi mới. Ông kể lại câu chuyện Những bức tranh trở về từ châu Âu ầm ĩ vì đạo nhái, bắt tận tay day tận trán nhưng cuối cùng cũng buông xuôi vì không làm được gì.
Họa sĩ Đặng Tiến là nhân vật chính trong vụ ồn ào mới đây. Ông phản ứng với một trang web công khai bán tranh nhái trên mạng. Dẫu sao ngay khi khổ chủ lên tiếng, chủ nhân wesite phải gỡ hết tranh xuống và xin lỗi. Họa sĩ Phạm An Hải năm ngoái cũng đau đầu vì bị vi phạm bản quyền, thậm chí tìm được người mua tranh giả, người làm giả nhưng đến giờ chưa nhận được lời xin lỗi chính thức của người làm giả. “Tranh mình vừa đưa lên Facebook lập tức bị nhái ngay tới 70-80%, xong họ ký tên họ và bảo vẽ 5-7 năm trước. Điều này làm cho các nhà sưu tập trong và ngoài nước hoang mang khi đầu tư sưu tầm tranh của Việt Nam, vì họ không biết tác phẩm đó có phải của tác giả ấy hay không, hay là được chép, thuổng của ai đó”, Phạm An Hải chia sẻ.
Việc các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s công khai đấu giá một loạt tranh giả của các tác giả Đông Dương thời gian qua nhưng không có tiếng nói của nhà quản lý trong nước, theo TS Phạm Long “làm ảnh hưởng tới giá trị của chúng ta”. Báo chí nước ngoài nói về thị trường mỹ thuật Việt tràn lan tranh giả, nên tranh của ta đưa ra nước ngoài luôn bị nghi ngờ. Ông cho rằng một số nhà đấu giá trong nước mới nổi lên là tín hiệu tốt, tuy nhiên tranh đưa ra đấu giá cũng có vấn đề.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chỉ ra rằng trong việc tranh giả tràn lan, người nước ngoài mua tranh Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất, bởi họ chiếm tới 90%, còn rất ít người Việt mua được tranh. “Tôi xem rất nhiều bộ sưu tập của nhiều Việt kiều trẻ, họ thể hiện tình yêu nước bằng cách chơi tranh. Họ mua tranh nhiều và cũng mua phải tranh giả rất nhiều. Chúng tôi xem và buồn y như mình đem đồ giả đến nhà họ, bởi mình trông thấy mà không dám nói thật hay giả”, ông nói.
TỰ CỨU
Phạm An Hải mong muốn giới họa sĩ bàn bạc, thành lập một cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho giới họa sĩ, xác lập bản quyền và phân xử quyền lợi khi tranh chấp. Cơ quan này theo ông nên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Với các tổ chức chép tranh cần được cơ quan chức năng như Bộ VHTTDL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các sở văn hoá kiểm soát “hoạt động theo nguyên tắc quốc tế-không được chép nguyên khuôn khổ, không được ký tên tác giả”. Họa sĩ Đào Hải Phong nêu quan điểm không cấm bất cứ ai thưởng thức tranh, nhưng nên dành cho tầng lớp thành đạt sở hữu tranh, không phải số đông. “Muốn bảo vệ thị trường mỹ thuật Việt Nam phải làm sao để công chúng yêu nghệ thuật phải nghĩ tới sự thưởng ngoạn, chứ không phải nhà đầu cơ”, anh nói.
Nhân việc Phạm Hà Hải nói về việc trung tâm thẩm định ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập rồi không hoạt động, TS Phạm Long cho rằng trung tâm này chỉ cần tự thẩm định tranh của bảo tàng, hệ thống cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao quốc gia cũng đủ việc làm trong vài năm. “Chúng ta không nên trông đợi vào nhà nước”, Phan Cẩm Thượng nói. Ông cho rằng tự ngành mỹ thuật chủ động bởi “mỹ thuật hiện nay không có giá trị với kinh tế nước nhà thì tại sao phải bắt nhà nước bảo vệ”. Ông phân tích, các nước khác cũng không có cơ quan nào kiểm duyệt tranh thật giả hay bảo vệ quyền tác giả, đó là chuyện của từng bảo tàng, cá nhân sưu tầm tranh phải mời người thẩm định. Kinh nghiệm thế giới thường không dựa vào các vị có học hàm học vị, nên chọn người có kinh nghiệm, lăn lộn trên thương trường và thậm chí mất rất nhiều tiền để đánh đổi kinh nghiệm thẩm định.
“Việc chống tranh giả hữu hiệu nhất là đánh vào danh dự của những kẻ làm tranh giả, không nên cứ tế nhị mãi, nên nói toẹt ra ông nào làm giả”, Phan Cẩm Thượng nêu. Dù biết không có nước nào có trung tâm bảo vệ quyền mỹ thuật, nhưng Phan Cẩm Thượng cho rằng giới mỹ thuật cũng nên học tập Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập trung tâm bảo vệ quyền lợi nhất định. Ở góc độ chuyên môn, ông cho rằng giới họa sĩ cần tự nâng cao chất lượng: Sở dĩ tranh Bùi Xuân Phái đắt hàng bởi ngôn ngữ phổ thông nhưng lại đạt chất lượng cao, người mua tranh ông Phái không thích có thể bán lại và sinh lời.
Luật sư Đinh Anh Tuấn- được nhóm hoạ sĩ mời đến- nhắc lại một số văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ quyền của giới mỹ thuật. Ông Tuấn nhắc tới Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nghị định 22 năm 2018 quy định việc phát hiện, cách thức xử lý vi phạm bản quyền. Ngoài căn cứ chế định dân sự, các tác giả có thể cậy tới cơ quan quản lý nhà nước như Thanh tra Bộ VHTTDL, UBND các cấp xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, thu lợi bất chính lớn và gây rối loạn thị trường có thể xử lý hình sự.