Vì sao phường Ghềnh Ráng ở Quy Nhơn liên tiếp ngập sâu cả mét?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những đợt mưa lớn vừa qua đã khiến nhiều khu vực ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định) ngập trong biển nước, có nơi ngập sâu gần 2m. Nhiều tài sản của người dân bị nước cuốn trôi, nhấn chìm.

Khu vực đường Hàn Mặc Tử bị ngập nặng, dòng nước lớn đổ về chảy xiết trong sáng 20/11. Clip: Trương Định

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Quy Nhơn, mưa lớn trong ngày 20/11, trên địa bàn TP xảy ra ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường và khu dân cư. Đặc biệt, tại phường Ghềnh Ráng các khu vực 2, 3, 4, 5 nước ngập sâu từ 1-1,5 mét. Địa phương đã tiến hành di dời 36 hộ/85 nhân khẩu ở khu vực 2.

Trước đó, cũng tại phường này, vào tối 11/10, cơn mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt nặng. Nhiều tuyến đường qua phường ngập 1 mét, hàng trăm nhà dân ở khu vực cũng ngập nửa mét.

Người dân tại phường Ghềnh Ráng cho hay, trước đây địa phương không xảy ra tình trạng ngập lụt như hiện nay. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, mưa lớn khoảng chừng 15-20 phút là bắt đầu nước chảy như sông.

Vì sao phường Ghềnh Ráng ở Quy Nhơn liên tiếp ngập sâu cả mét? ảnh 1

Khu vực phường Ghềnh Ráng ngập nặng trong sáng 20/11. Ảnh: Trương Định

Người dân tại đây cho biết, trước đây ở khu vực có một vùng đất trũng, được ví như "hồ điều tiết". Khi mưa lớn, tất cả lượng nước sẽ đổ về "hồ điều tiết" đó rồi từ từ chảy ra biển. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình bê tông đã san phẳng mọi thứ khiến lượng nước mưa từ trên núi đổ dồn về thoát không kịp, gây ngập nhiều khu dân cư.

Theo ông Võ Chí Thiện - Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, địa phương cũng còn nhiều bất cập, trong đó hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu và đã xuống cấp; việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chưa thường xuyên. Ngoài ra, một số hộ dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang mương làm ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình KT- XH quý 3 - năm 2022 tổ chức ngày 14/10, đề cập đến vấn đề ngập úng tại đô thị Quy Nhơn đặc biệt tại phường Ghềnh Ráng, ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, trong đó Sở Xây dựng rà soát lại hệ thống tiêu thoát lũ, đặc biệt hệ thống nước mưa, kiểm tra lại việc đấu nối hệ thống vệ sinh môi trường.

Nghiên cứu biện pháp đấu nối để khắc phục tình trạng ngập úng của đô thị Quy Nhơn nói chung và khu vực phường Ghềnh Ráng nói riêng.

Ông Thiện cũng cho hay, sắp tới sẽ thành lập tổ công tác để kiểm tra, thống kê các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang mương thoát nước. Trước mắt, vận động người dân tự chấp hành, lùi vào đúng chỉ giới, trường hợp không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Trao đổi về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt ở phường Ghềnh Ráng, ông Võ Hữu Thiện - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết: Sở vừa phối hợp với UBND TP Quy Nhơn họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Các giải pháp đưa ra sẽ được trình lên UBND tỉnh quyết định.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì còn 1 nguyên nhân khác là hạ tầng kỹ thuật tại đây chưa đồng bộ. Trong đó, chỗ cống tròn nơi cống hộp, độ rộng khác nhau, chưa được duy tu, nạo vét thường xuyên nên khi mưa lớn không kịp ứng phó.

Sở Xây dựng Bình Định cũng đề xuất mở rộng mương Bông Hồng, các cống thoát nước phải thay đồng bộ bằng cống hộp, xử lý việc lấn chiếm trái phép hành lang mương. Đặc biệt, khi các trận mưa cực đoan ngày càng thường xuyên hơn, cần kích hoạt giải pháp chia lũ nếu lượng mưa vượt quá công suất thiết kế.

Cụ thể, thay vì để nước chảy từ QL1D xuống mương dọc đường Chế Lan Viên nối dài, thì có thể dẫn nước qua đường Võ Liệu rồi đổ về mương dọc đường Tây Sơn...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.