Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Nguyễn Văn Phong do Ban Bí thư đã có quyết định thi hành kỷ luật ông Phong bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/3.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nội vụ, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận và ông Nguyễn Văn Phong chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Ông Nguyễn Văn Phong lúc bị Bộ Công an bắt tạm giam. |
Trước đó, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 9, HĐND Tỉnh Bình Thuận khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (ngày 31/3/2021) đã bầu bổ sung ông Nguyễn Văn Phong - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Nguyễn Văn Phong sinh năm 1967, quê quán phường Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ông Phong có Trình độ chuyên môn là cử nhân Tài chính kế toán, cử nhân Luật, trình độ lý luận chính trị: cử nhân.
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức ngày 16/7/2021, ông Nguyễn Văn Phong tái đắc cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đến ngày 12/12/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 7 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị khởi tố điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trước khi làm phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Phong từng giữ chức giám đốc Sở Tài chính.
Liên quan đến vụ án, hồi đầu tháng 2/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can với cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", gồm Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính).
Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (tên thương mại là Queen Pearl) đã khiến hơn chục cựu cán bộ cấp cao và đương chức của Bình Thuận bị bắt. |
Các bị can này đều liên quan đến việc giao hơn 92.000 m2 của 3 lô đất ở khu vực trên vào năm 2017 nhưng lại áp giá đất năm 2013 chỉ với 1,2 triệu đồng/m2. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ đã có kết luận giá trị quyền sử dụng 3 lô đất 18, 19, 20 của dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, tính đến thời điểm ngày 7/3/2017 là 156,4 tỷ đồng và tài sản Nhà nước bị thiệt hại khi giao đất cho Công ty CP Tân Việt Phát là 45,4 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, thời điểm ông Ngô Hiếu Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính ký công văn thống nhất với phương án giao đất không qua đấu giá theo giá đất 2013, ông Nguyễn Văn Phong đang là Giám đốc Sở Tài chính nên phải chịu trách nhiệm chính.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 17/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Thuận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Phong trong thời gian giữ chức vụ Tỉnh ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020, Giám đốc Sở Tài chính (tháng 6/2016 đến tháng 4/2019).
Ông Nguyễn Văn Phong chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Tài chính. Cụ thể, ông Phong đã buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra để cấp phó của mình là ông Ngô Hiếu Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam.