Vì sao ông Trump quyết ‘đánh’ Trung Quốc vào lúc này?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington hôm 30/7. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington hôm 30/7. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo sẽ áp thuế mới lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc, sau khi diễn ra vòng đàm phán thương mại cấp cao song phương mà ông Trump nói là Trung Quốc nhượng bộ quá ít.

Tổng thống Mỹ tuyên bố hải quan Mỹ sẽ thu thêm “một mức nhỏ” 10% lên lượng hàng này, bắt đầu từ ngày 1/9.

“Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ với số lượng lớn, nhưng họ không làm như vậy”, ông Trump nói trên hàng loạt tweet.

“Thêm nữa, bạn tôi Chủ tịch Tập nói rằng ông sẽ dừng bán fentanyl cho Mỹ - điều này không bao giờ xảy ra, và vẫn có thêm nhiều người Mỹ tiếp tục chết!”, ông Trump viết.

Thông báo này đã phá vỡ giai đoạn đình chiến kể từ khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây 1 tháng bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.

Thay đổi này cũng đánh dấu bước leo thang lớn nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài 13 tháng qua, kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ có bước đi đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái.

Các nhóm công nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế lần này đã nhanh chóng lên tiếng. Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội bán lẻ quốc gia, Hiệp hội các lãnh đạo công nghiệp bán lẻ (RILA) và Hiệp hội giầy dép và hàng may mặc Mỹ đều chỉ trích bước đi của Trump.

Hành động lần này của ông Trump cũng đã tác động đến các thị trường tài chính và giá dầu. Chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm sâu sau thông báo của Tổng thống Mỹ. Còn giá dầu giảm gần 8%.

Đợt thuế mới “là cú đánh trực diện vào các sản phẩm tiêu dùng và quỹ chi tiêu của gia đình, đơn giản như vậy”, RILA, một tổ chức mà Apple và Nike cũng là thành viên, viết trong tuyên bố đưa ra ngày 1/8.

Ông Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ và là trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế, nói rằng việc tăng thuế thêm 10% đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa “sẽ chỉ gây ra nỗi đau lớn hơn đối với các doanh nghiệp, nông dân, lao động và người tiêu dùng Mỹ, và làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ”.

Bà Wendy Cutler, một cựu quan chức đàm phán thương mại Mỹ, đưa ra quan điểm tương tự.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra “không dễ dàng chút nào”, bà Cutler, người hiện là phó chủ tịch tại Viện chính sách xã hội châu Á, viết trên Twitter. “Đừng kỳ vọng...Trung Quốc sẽ ngồi yên, mức thuế lên 300 tỷ USD cộng thêm biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ đánh mạnh vào người tiêu dùng, người lao động, doanh nhân và nông dân Mỹ”, bà đánh giá.

Tuy nhiên, phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng sau khi đưa ra thông báo tăng thuế, ông Trump khẳng định Trung Quốc đang chịu tổn thất của chiến tranh thương mại.

Trung Quốc “đang phải trả tiền cho những biện pháp thuế này. Không phải chúng ta”, ông Trump nói. “Cho đến lúc có thỏa thuận, chúng ta sẽ vẫn đánh thuế họ”, ông tuyên bố.

Canh bạc lớn

Vòng tăng thuế mới cho thấy khác biệt lớn vẫn tồn tại giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc không làm đủ nhiều để ngăn chặn xuất khẩu fentanyl, một chất tổng hợp mà Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho là nguyên nhân gây ra cái chết vì quá liều của 18.000 người Mỹ trong năm 2016.

Khi ông Trump gặp ông Tập tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa sẽ hạn chế sản xuất và bán chất này.

Chương trình trên truyền hình nhà nước Trung Quốc trước cuộc gặp tại Thượng Hải giữa hai phái đoàn đàm phán Mỹ - Trung nhấn mạnh việc Trung Quốc mua các nông sản Mỹ là một dấu hiệu tốt.

Việc này là “một trong những nỗ lực không ngừng nhằm thể hiện thiện chí” trước khi hai bên nối lại đối thoại, cũng như để chuyển trọng tâm khỏi các vấn đề gây tranh cãi như chuyển giao công nghệ ép buộc và thực thi, theo truyền thông Trung Quốc.

Sau vòng đàm phán, phía Mỹ nói muốn có thêm những vòng đàm phán khác để dẫn đến “một thỏa thuận thương mại có thể thực thi”. Thông báo của phía Trung Quốc không đề cập đến vấn đề thực thi.

Khi được các phóng viên hỏi rằng liệu việc chọn thời điểm 1/9 mới áp dụng thuế mới có phải để cho phía Trung Quốc cơ hội “tự cứu mình”, ông Trump nói không phải. “Lý do cho việc cần lâu như vậy mới tăng thuế là vì hàng hóa cần nhiều thời gian để cập cảng. Đó là một giai đoạn. Vì thế tôi cho ông ấy giai đoạn 4 tuần trước khi thuế mới có hiệu lực”, Tổng thống Mỹ giải thích.

Hãng đánh giá rủi ro địa chính trị Eurasia Group cho rằng bước đi mới nhất của ông Trump là nhằm “trở lại cách thức được áp dụng trước G20, đó là gây thêm sức ép mới lên Bắc Kinh ngay cả khi đàm phán đang diễn ra”.

“Cách đe dọa này là một canh bạc nghiêm trọng đối với Trump. Nó có thể gửi đi tín hiệu rằng ông ấy muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước khi bước vào cuộc bầu cử năm 2020, và sẵn sàng sử dụng các công cụ để gây sức ép lên Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu đó”, ông Michael Hirson, giám đốc khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á, viết trong một đánh giá.

“Triển vọng lạc quan nhất của bước đi lần này là ông Trump tin Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ trong 2 vấn đề: fentanyl và mua nông sản”, ông Hirson nói.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đáp lại theo cách ông Trump muốn. Sẽ cực kỳ mất mặt với Trung Quốc nếu tăng nhập khẩu từ Mỹ do bị đe dọa”, ông Hirson nhận định.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG