Đây là lần đầu tiên Thượng Hải trở thành nơi diễn ra đàm phán giữa hai nước. Đây là vòng đàm phán thứ 12 kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu từ hơn 1 năm trước.
Nhóm đàm phán Mỹ do đại diện thương mại Mỹ Rober Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, còn đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn.
Vòng đối thoại tại Thượng Hải này cũng đánh dấu lần đầu tiên Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tham gia đàm phán trực tiếp.
Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán đang diễn ra tại Thượng Hải. Báo chí địa phương hôm nay gần như không đề cập đến sự kiện, và cũng không có bài viết hay tấm ảnh nào về việc phái đoàn Mỹ đến thành phố này, cho dù đây là cuộc gặp trực diện đầu tiên của 2 đoàn kể từ khi đàm phán sụp đổ vào tháng 5.
Lịch làm việc của 2 đoàn cũng không được phổ biến. Theo Bloomberg, phía Trung Quốc sẽ tổ chức bữa tối chiêu đãi tại Khách sạn Hòa bình Fairmont, một tòa nhà mang tính biểu tượng bên sông Hoàng Phố, vào tối nay.
Trên sảnh khách sạn Hyatt nơi đoàn Mỹ nghỉ chân cũng không có thông báo nào về vòng đàm phán, nhưng lực lượng an ninh đang hiện diện dày đặc bên ngoài. Một nhóm phóng viên ảnh và nhà báo đi lại trên hành lang cả ngày để rình chụp ảnh các nhà đàm phán Mỹ.
Không khí thầm lặng có thể là kết quả của nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin liên quan đến đàm phán, như một cách để dư luận không quá kỳ vọng vào kết quả, theo báo SCMP.
Chỉ các báo chính thống Trung Quốc và một số tài khoản mạng xã hội đưa tin hoặc bình luận về vòng đàm phán này.
Một bài bình luận trên hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua hôm nay nói rằng phái đoàn Mỹ nên học từ chuyến thăm Thượng Hải của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 để ký Thông cáo Thượng Hải “với hy vọng chân thành về việc bình thường hóa quan hệ” với Bắc Kinh.
“Hôm nay một lần nữa ở đô thị Thượng Hải, các nhà đàm phán Mỹ cần thể hiện sự chân thành như vậy và, quan trọng hơn là những kỳ vọng hợp lý vào cuộc đàm phán được nối lại...để bình thường hóa quan hệ thương mại song phương”, bài bình luận bằng tiếng Anh của Xinhua viết.
Trong một nỗ lực khác nhằm làm sống lại tinh thần của chuyến thăm của ông Nixon, một phần của vòng đối thoại lần này diễn ra tại Khách sạn Tây Giao thuộc quận Trường Ninh của Thượng Hải, nơi cựu tổng thống Mỹ nghỉ lại khi đang hoàn tất những câu chữ cuối cùng của bản thông cáo chung. Phòng hội nghị chính của khách sạn này vẫn đang được trang trí bằng 2 lá cờ của Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp phạm vi vấn đề bàn bạc với phía Mỹ để tập trung vào các vấn đề thương mại trực tiếp, còn để lại những vấn đề về cấu trúc dài hạn cho những lần thảo luận sau.
Dự kiến vấn đề Trung Quốc nhập khẩu hàng nông sản Mỹ sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, còn Bắc Kinh sẽ thúc phía Mỹ bỏ thuế và lệnh cấm nhập khẩu đối với một số hàng hóa và công ty Trung Quốc.
Ông Arthur Kroeber, trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics, cho rằng các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang mất dần sức hút.
“Việc Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận hay không đang trở thành một câu hỏi ít được quan tâm hơn. Nếu có thỏa thuận, nó chắc chắn sẽ không khôi phục được quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Trung như trước đây. Nếu không có thỏa thuận, khó có khả năng có điều gì khác hơn sẽ xảy ra ngoài chuyện duy trì thuế cao như hiện nay”, ông Kroeber đánh giá.
“Dù theo cách nào thì rủi ro vĩ mô toàn cầu từ xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng đã giảm đi đến mức sắp tan biến”, ông nói.