Vì sao nhiều ngân hàng đi bán bảo hiểm?

Ngân hàng bắt tay với bảo hiểm tìm kiếm nguồn thu.
Ngân hàng bắt tay với bảo hiểm tìm kiếm nguồn thu.
TP - Liên tục thấy các ngân hàng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng hiện có của mình. Đây được xem là xu hướng chuyển dịch tất yếu và hứa hẹn sẽ là “mảnh đất” khá màu mỡ gia tăng lợi nhuận.

Những “cú bắt tay”

Tháng 9/2017, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm. Cái bắt tay giữa hai đối tác được hình thành sau khi hai công ty đã có 4 năm hợp tác. Việc kết hợp này cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tới tất cả khách hàng của Techcombank, hướng đến mục tiêu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới. Còn tại Techcombank, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance năm 2016 đạt 520 tỷ đồng, đứng đầu thị trường với thị phần 30% và 29.000 hợp đồng. Tăng trưởng trong ba năm vừa qua đạt 80-90%. Tin mới nhất, năm 2017 doanh thu phí bảo hiểm của ngân hàng lên tới hơn 600 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu thị phần này trong số các nhà băng có sản phẩm bán chéo.

Đầu năm 2017, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) chính thức tổ chức lễ khai trương và công bố thương hiệu MB Ageas Life. Công ty được hình thành dựa trên sự hợp tác liên doanh giữa tập đoàn bảo hiểm Ageas đến từ Vương quốc Bỉ, Muang Thai Life Assurance (MTL) của Thái Lan và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Phát biểu tại lễ khai trương và công bố thương hiệu MB Ageas Life, lãnh đạo MB đã nhấn mạnh: “MB đang triển khai và xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới theo định hướng tập đoàn tài chính đa năng, trong đó công ty mẹ là ngân hàng, các công ty con chuyên về chứng khoán, quản lý quỹ, bất động sản và bảo hiểm, quản lý nợ và khai thác tài sản, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng…, cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói cho khách hàng. Từ đó góp phần tăng trưởng doanh thu, thu nhập, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đối tác, khách hàng.

Cuộc “hôn nhân” Ngân hàng- Bảo hiểm còn ghi nhận sự hợp tác giữa Sacombank và Dai-ichi Life VN cuối năm 2017. Trước Sacombank, còn có các ngân hàng đã bắt tay ký kết các hợp đồng bán chéo sản phẩm, như bảo hiểm AIA VN ký với Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng An Bình ký hợp tác triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm với Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD...  Mới đây nhất, tháng 2/2018, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cùng Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền Gói sản phẩm tài chính - bảo hiểm sức khỏe “Đặc quyền phái đẹp”. Còn trên thị trường các ông lớn như Vietcombank, VietinBank thì từ lâu vẫn có những sản phẩm chéo gia tăng với các công ty bảo hiểm.

Xu hướng tất yếu

Trên thực tế, việc hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm (còn gọi là bancassurance) là xu thế tất yếu. Tại nhiều quốc gia, bancassurance trở thành một trong những kênh bảo hiểm phân phối sản phẩm bảo hiểm chính, như Tây Ban Nha tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua ngân hàng chiếm đến 72%, ở Italia con số này là 70%, ở Pháp là 60%. Số liệu từ năm 2015 cho thấy, tại Malaysia phân khúc này chiếm 38% tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm, Hồng Kông là 49%... thậm chí tại Nhật Bản, đây là kênh thu phí dịch vụ chính của các ngân hàng.Tại Việt Nam, kênh phân phối bancassurance được đánh giá sẽ chiếm nhiều lợi thế trong thời gian tới.

Lý giải về sự kết hợp này, theo ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT Sacombank, ngoài việc tạo an tâm cho hai bên khi đầu tư vào mối quan hệ lâu dài, việc hợp tác này còn đem lại hiệu quả kinh doanh cho Sacombank, đặc biệt khi ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc sau sáp nhập. “Ước tính nguồn thu từ phí độc quyền và hoa hồng có thể đem lại cho Sacombank 3.000 tỉ đồng trong 5 năm đầu tiên, chiếm 15-20% nguồn thu phí dịch vụ của ngân hàng. Trong các năm tiếp theo, nguồn thu này sẽ chiếm 25-30% tổng nguồn thu từ dịch vụ” - ông Tuấn ước tính.

Còn ông Lê Thanh Hải, Giám đốc khối Bán lẻ Ngân hàng NCB cũng nhấn mạnh việc hợp tác sẽ tạo thêm được nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và nhiều lợi ích cho các bên tham gia, tối ưu hóa thế mạnh của mỗi bên và cùng nhau phát triển trong tương lai.

“Hợp tác với bảo hiểm giúp cho ngân hàng có thêm sản phẩm mới nhưng lại không bị đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần của ngân hàng. Đồng thời, tạo thêm nguồn thu nhập mới cho tổ chức ngân hàng cũng như giúp cho ngân hàng có thêm nguồn vốn huy động”.

 Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

MỚI - NÓNG