Vì sao Nga không bán TU-22M3 cho Trung Quốc?
> Nga bác tin bán 36 máy bay ném bom siêu thanh cho TQ
> Trung Quốc mua lại Tu-22 M3 của Nga?
Thời gian vừa qua, Nga đã tuyên bố không bán máy bay và dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược tầm trung Tu-22M3 cho Trung Quốc. Vậy nguyên nhân tại sao?
Máy bay ném bom chiến lược tầm trung Tu-22M3 “Backfire”. |
Hơn 10 năm qua đã có mấy lần rộ lên thông tin Nga bán máy bay ném bom chiến lược tầm trung Tu-22M3 “Backfire” cho Trung Quốc, đặc biệt là trong năm 2012 đã 2 lần xuất hiện thông tin này, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra. Tuy vậy thông tin đó cũng chứng thực sự quan tâm của Trung Quốc và biểu đạt thái độ thờ ơ của Nga về vấn đề này.
Richard Fisher - chuyên viên nghiên cứu cao cấp về quân sự châu Á thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế của Mỹ cho rằng, thực sự chuyện Trung Quốc quan tâm đến Tu-22M3 là chính xác, điều này xuất phát từ 2 lí do.
Thứ nhất, họ cần tìm một loại máy bay hiện đại hơn, có tuổi thọ lâu hơn và còn khả năng nâng cấp lên những phiên bản kế tiếp tiên tiến hơn, trong khi đó H-6 của họ là phiên bản nội hóa của Tu-16 đã sản xuất được quá nửa thế kỷ, có cải tiến thế nào cũng không thể nâng cấp lên phiên bản tiên tiến ngang tầm thế giới.
Máy bay ném bom tầm trung H-6 của Trung Quốc. |
Thứ 2 là Trung Quốc nhắm đến một số loại tên lửa tấn công hàng đầu của Tu-22M3 (Kh-555) để nâng tầm các tên lửa hành trình tầm xa của mình. Hiện nay, thế hệ tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới nhất của Trung Quốc là YJ-12 (Ưng Kích-12) có tầm bắn cao nhất là 400km, còn kém xa các loại tên lửa hạng 2 của Nga như Kh-555 (tầm bắn 2000km) chứ chưa nói đến Kh-101 và Kh-102 (X-101 và X-102) có tầm bắn tới 10.000km. Điều này thể hiện rõ trong sự kiện Trung Quốc chỉ chịu mua tàu khu trục lớp “hiện đại” (Sovremenny) khi Nga thêm vào điều khoản xuất khẩu cả tên lửa đối hạm SS-N- 22 “Sunburn”.
Thế nhưng, Trung Quốc muốn mua cũng không phải là dễ, Bắc Kinh chỉ muốn mua một số lượng nhỏ (tối đa 36 chiếc) kèm theo điều khoản chuyển giao dây chuyền công nghệ và vũ khí mà Nga không bao giờ muốn điều đó. Về vấn đề này, chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích và chiến lược Moscow đã lí giải do 2 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, TU-22M3 là phiên bản cải tiến, nâng cấp năm 1983 của TU-22M để kéo dài tuổi thọ nhưng đến nay đã có một số lượng không nhỏ TU-22M3 của Nga đã ngừng hoạt động. Năm 1993 Nga có 268 chiếc, đến năm 2002 cắt giảm còn 150 chiếc, đến năm 2011 chỉ còn 66 chiếc (số liệu của BQP Mỹ). Hiện không quân Nga còn 50 chiếc thuộc dạng cất trữ trong kho, không có nhu cầu sử dụng nên có thể bán cho Trung Quốc để dùng vào mục đích “nghiên cứu và thử nghiệm” nhưng Trung Quốc lại không muốn những giao dịch với số lượng quá lớn như vậy.
Thứ 2: Dây chuyền sản xuất Tu-22M3 đã niêm phong và cất trữ trong kho hơn 20 năm trước. Nếu bán cho Trung Quốc, Nga sẽ phải khởi động và làm nó sống lại rồi mới bàn giao được. Khởi động lại các dây chuyền này là vấn đề không khó về mặt kỹ thuật. Thế nhưng đây là một hạng mục rất lớn đòi hỏi nguồn kinh phí lên tới hàng tỷ USD. Đơn cử ví dụ như khi Mỹ khởi động lại dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược B-1B “Lancer” và máy bay tiêm kích bom F-11 “Aardvark”, mỗi loại họ đã chi tới hơn 1 tỷ USD cho công tác khôi phục và tái hoạt động dây chuyền công nghệ. Đây chính là bài học để Nga tham chiếu, nếu số lượng máy bay bán được quá thấp thì sẽ lợi bất cập hại. Vì vậy, với hợp đồng mua số lượng quá ít Nga sẽ không bán.
Thứ 3: Hiện Nga không mặn mà với những hợp đồng mua bán sản phẩm cũ. Hiện nay, do điều kiện kinh phí ít ỏi nên Nga thường sử dụng phương thức xuất khẩu kết hợp sản xuất phục vụ chính mình. Vì vậy, Nga rất sốt sắng với các hợp đồng xuất khẩu vũ khí hiện đang sử dụng để có thể kết hợp sản xuất thêm vũ khí cho mình mà không coi trọng các hợp đồng mang tính chất “cưa đứt, đục suốt” nên có bán được Tu-22M3 cũng tốt mà không bán được cũng không sao.
Theo Nguyễn Ngọc
ANTĐ