Vì sao một số lãnh đạo sở Hà Nội nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp?

TPO - Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội vừa lấy phiếu tín nhiệm 36 chức danh, trong đó 4 lãnh đạo Sở NN&PTNT, GD&ĐT, Xây dựng, TN&MT nhận nhiều số phiếu tín nhiệm thấp nhất. Kết quả này dường như phản ánh đúng với nhiều vấn đề đang tồn tại trên địa bàn thành phố.

Dựa trên mức độ hoàn thành công việc

Trước Kỳ họp, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Nhiều lượt văn bản, tài liệu đã được phát hành, gửi tới các đại biểu, các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

HĐND cũng yêu cầu các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo về kết quả công tác gửi tới các đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu trước. HĐND thành phố đánh giá đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Cơ sở đánh giá, theo ông Nam, trên tinh thần tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Từ đó, các đại biểu sẽ đánh giá.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngày 6/12 cho thấy có 8 người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất, từ 10 phiếu trở lên. Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ với 18 phiếu. Ông Mỹ chỉ có 49 phiếu tín nhiệm cao. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông có 16 phiếu tín nhiệm thấp, 41 phiếu tín nhiệm cao. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục có 14 phiếu tín nhiệm thấp, 43 phiếu tín nhiệm cao. Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng là 13 phiếu tín nhiệm thấp và và 40 phiếu tín nhiệm cao.

Vì sao một số lãnh đạo sở Hà Nội nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp? ảnh 1 Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Còn nhiều vấn đề tồn tại

Từ kết quả trên, không khó để nhận thấy, các lãnh đạo sở nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp trong lĩnh vực sở phụ trách còn nhiều vấn đề tồn tại. Trước kỳ họp, cử tri thành phố có nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực sở NN&PTNT phụ trách. Đơn cử như cần có cơ chế phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới...

Cũng không thể không nhắc tới hai trận lụt nghiêm trọng liên tiếp trong 2 năm qua trên địa bàn một số huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức... gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân dân. Rồi vấn đề an toàn đê điều, việc nạo vét, xử lý ô nhiễm môi trường các con sông phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường nông thôn, vấn đề lò mổ thủ công, an toàn vệ sinh sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi...

Trong khi TPHCM và nhiều tỉnh thành khác việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được thực hiện khá bài bản thì tại Thủ đô gia cầm vẫn được giết mổ tràn lan tại các chợ cóc, lợn "cởi chuồng" vẫn được chở xe máy trong phố, các dự án giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm triển khai rất chậm và không cạnh tranh nổi các lò mổ lậu.  

Công tác quản lý đất đai thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT cũng tồn tại một số hạn chế. Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố, nhiều đại biểu băn khoăn về việc hàng trăm dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn. Một số sai phạm xây dựng trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp ở Ba Vì, Sóc Sơn được kết luận nhiều năm trước chưa được xử lý. 

 
Vì sao một số lãnh đạo sở Hà Nội nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp? ảnh 2

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục

Với việc phát triển nóng như hiện nay, việc giải quyết vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua của Sở Xây dựng được đánh giá là có chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn những vụ việc xử lý chưa dứt điểm. Thậm chí theo số liệu công bố mới đây, nhiều thanh tra xây dựng còn bị xử lý vì bảo kê cho các chủ đầu tư vi phạm.

Vấn đề quản lý các chung cư cao tầng ở Hà Nội bộc lộ nhiều yếu kém, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo đòi quyền lợi... xảy ra hầu khắp các địa bàn thành phố. Nhiều sai phạm chủ đầu tư cũng chậm được xử lý, trong đó đáng chú ý là trách nhiệm liên quan đến công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân. Vấn đề cung cấp nước sạch, dù có một số tiến bộ đáng kể, nhưng có những nơi giữa nội đô vẫn khát nước sạch, nhiều khu chung cư phải sử dụng nước sạch không đảm bảo....

Vì sao một số lãnh đạo sở Hà Nội nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp? ảnh 3

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng

Đối với lĩnh vực giáo dục, mấy ngày nay, dư luận xã hội băn khoăn trước vụ việc một học sinh bị bạn tát ở trường tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa). Dù còn nhiều thông tin trái chiều, nhưng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đây là hiện tượng không chấp nhận được, đáng lẽ không được xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, việc quá tải các trường học, tình trạng lạm thu đầu năm...chưa kể đến vấn đề an toàn thực phẩm trong nhà trường, đảm bảo an toàn cho học sinh, vấn đề đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường...cũng làm nản lòng các cử tri và khiến nhiều đại biểu HĐND "tin nhiệm thấp" với lãnh đạo Sở GD&ĐT..

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, đối với cán bộ được đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cho mỗi người hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực mình phụ trách. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chính là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những việc làm tốt, có lợi cho sự nghiệp chung; đồng thời cũng là đánh giá, nhắc nhở đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc còn hạn chế về năng lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.