Vì sao một số dự án “rùa bò”?

Ảnh: PLO
Ảnh: PLO
TP - Một số đơn vị đang triển khai công trình xây dựng ở Hà Nội cho rằng, các sở, ngành giải quyết thủ tục rườm rà, “om” hồ sơ, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong giải phóng mặt bằng…

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ đầu năm 2020, nhưng đến nay đã hết quý I việc triển khai thủ tục đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vẫn chưa xong. Việc này đã làm chậm các quy trình như tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công... Hơn 2.500 tỷ đồng đầu tư cho dự án được bố trí bằng ngân sách vẫn nằm yên. Trong khi đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 đang mỗi ngày thêm quá tải phương tiện, thường xuyên ùn tắc, xảy ra tai nạn.

Tương tự, dự án làm đường phục vụ dân sinh như đường 70 đến cầu Mỗ Lao (Hà Đông), dự án cầu đường gom và cầu Vân Từ (Phú Xuyên) đã được thành phố phê duyệt triển khai nhưng 2 năm nay chính quyền các quận, huyện liên quan chưa giải phóng được mét vuông mặt bằng nào.

Đại diện các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2020, họ được ấn định giao chỉ tiêu giải ngân 1.000-2.000 tỷ đồng, nhưng do vướng mắc nhiều thủ tục trong đầu tư, nên sau khi rà soát, có ban quản lý dự án đã xin trả bớt tiền cho thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản đốc thúc các sở, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo ông, lũy kế giải ngân vốn trung hạn 2016-2020 cấp thành phố đến hết ngày 31/1/2020 mới đạt 67.490 tỷ đồng, chiếm 62,9%.

“Như vậy, khối lượng công việc còn lại của năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là rất lớn, đòi hỏi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư cần phải tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp”, văn bản nêu. Để hoàn thành kế hoạch, năm nay, UBND thành phố Hà Nội phải giải ngân hết 38,1% vốn trung hạn, tương đương hơn 33.500 tỷ đồng còn lại (cao gấp đôi 4 năm trước). 

MỚI - NÓNG