Theo kế hoạch vận hành thử nghiệm được Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ dầu tư) thông báo, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có kế hoạch đưa vào khai thác vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Kế hoạch này đã không thực hiện được và đại diện chủ đầu tư thông tin, dời việc khai thác thương mại sang tháng 4/2019. Tiếp đó, trong đợt kiểm tra vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo, Tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực dưa dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4.
Để chuẩn bị cho kế hoạch trên, giữa tháng 3 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội cũng tổ chức kỳ họp bất thường với nội dung chính: thông qua một số cơ chế, trong đó có chính sách giá vé để tiếp nhận và tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Tiền Phong trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày 2/5 (sau hai ngày mốc 30/4 đi qua), suốt hơn 13 km đường ray vẫn vắng bóng tàu chạy. 12 nhà ga cửa đóng then cài, nhiều hạng mục cầu thang lên xuống vẫn thi công ngổn ngang.
Mặc dù được quây bạt, tuy nhiên dưới thời tiết nắng, mưa lâu ngày và không được sử dụng nên một số vị trí cầu thang máy, bờ lan can inox tại hầu hết các ga, đặc biệt là các ga trước bến xe Hà Đông cũ, nút giao thông Thanh Xuân, chợ Thượng Đình… đang bị hoen gỉ.
Đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội có nhiện vụ đảm bảo giao thông trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) cho biết, trong 2 ngày qua cũng như những ngày cuối tháng 4, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường không thấy bất kỳ chuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông nào được chạy trên tuyến. Với việc lỡ hẹn khai thác thương mại vào tháng 4 này, đây là lần thứ 8 metro Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn với người dân Thủ đô, riêng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dự án đã ra 2 lần lỡ hẹn (dịp Tết Nguyên đán và 30/4).
Thông tin về tuyến metro không thể đi vào khai thác thương mại theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt vừa cho biết, về cơ bản hiện dự án vẫn thi công chưa xong với khoảng 1% khối lượng công việc phải hoàn thiện. Cùng với đó, một số thủ tục để đưa các đoàn tàu vào hoạt động còn vướng mắc từ nhà thầu.
Dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông khởi công tháng 10/2011 với chiều dài hơn 13km, 12 nhà ga trên cao. Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc). Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ hơn 3 năm với 8 lần vỡ tiến độ và đội giá thêm 250 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD). Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện Chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt); Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Trung Quốc).
8 lần vỡ tiến độ của dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông
Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015
Ngày 15/9/2011 nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đi kiểm tra và đại diện Tổng thầu Trung Quốc hứa sẽ đưa dự án hoàn thành trước tiến độ là ngày 2/9/2014.
Tháng 6/2015 dự án không hoàn thành đúng tiến độ theo phê duyệt và phải điều chính sang tháng 12/2015.
Tháng 12/2015 dự án tiếp tục không hoàn thành và điều chỉnh sang tháng 9/2016
Tháng 9/2016 dự án vẫn lỡ hẹn được điều chỉnh sang tháng 10/2017
Tháng 12/2017 dự án vẫn mịt mù ngày về đích và Tổng thầu đề xuất lùi sang tháng 9/2018
Tết Kỷ hợi 2019: Dự án có mục tiêu đưa ra khai thác thương mại trước Tết nhưng không thành và được dời sang tháng 4.
Dịp 30/4/2019: Trong đợt kiểm tra giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo đưa dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng Tư.