Vì sao Khổng Tử than?

Vì sao Khổng Tử than?
TP - Dạo ấy Đức Khổng Tử bỗng cảm thấy cồn cào, nôn nao, tâm trạng bất an, bèn rủ mấy học trò cưng tái thế.

Ngài xuôi về phía Nam, thấy nơi nơi râm ran tiếng ê a con trẻ, trường học mọc lên như nấm, ngài thầm mừng quay sang trò cưng là Nhan Uyên mà rằng: Khi đương cõi trần, ta lao tâm khổ tứ để truyền đạo trị quốc lấy Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín làm trọng. Nay thấy thiên hạ người người học chữ Thánh hiền, nhà nhà đầu tư cho sự học, ta thấy thực là thỏa nguyện ngậm cười nơi chín suối.

Nhan Uyên, liếc nhìn sư phụ xong, nén tiếng thở dài.

Thầy trò Khổng Tử tiếp tục hành phương Nam. Trong bạt ngàn đô thị phồn hoa, sầm uất hướng ra mặt lộ, thấp thoáng xa kia là những bản làng cheo leo bên triền sông dữ. Ở đó những bước chân trần con trẻ đang mải miết đến trường trên cầu treo lắt lẻo, đu dây mạo hiểm. Khổng Tử cảm khái: Mừng thay! Phục thay! Vùng đất hiếu học này mai đây ắt sẽ làm nên chuyện! Đúng là nơi ngọa hổ tàng long.

Nhìn sang đám học trò hết Nhan Uyên, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiêm, Tử Cống, đến Tử Hạ, Tử Du, Tử lộ, Mạnh Kính Tử…Các trò khép nép không bình bàn gì. Thấy lạ, Khổng Tử hỏi: Những điều mà ta vừa rút ra có điều chi không thuận tai các con ư?

Đám đệ tử phủ phục quỳ lạy và đồng thanh: Vạn kính lạy sư phụ! Lời vàng ý ngọc của sư phụ chúng con đâu dám không nghe. Nhưng ngặt nỗi, thực tế đa số người dân xứ này đang nghèo cũng tại vì sự học. Nhà nhà đều muốn có thám hoa, bảng nhãn. Thế là một cuộc đua vô tiền khoáng hậu. Bao lúa ngô, khoai sắn, trâu bò lợn gà bán sạch đầu tư cho thế hệ tương lai. Và để rồi mấy năm dùi mài kinh sử họ lại trở về chăn bò nhổ cỏ. Nguồn lực đầu tư ấy theo ngu ý của chúng con thực là thậm lãng phí!

Nghe đoạn, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than: Thiên táng dư! Thiên táng dư! Trời hại ta! Trời hại ta!

Theo Theo Khổng Tử lục truyện
MỚI - NÓNG