Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có cần quy đổi giờ cho giáo viên đỡ thiệt thòi khi dạy học trực tuyến không? Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc này cũng đã được tính toán, nhưng toàn ngành thống nhất chưa điều chỉnh.
Nói rõ thêm về vấn đề chưa tăng thù lao cho giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, trong khi lực lượng y tế, quân đội làm thêm giờ không hưởng thù lao thì việc giáo viên được đề xuất thêm thù lao là không được.
“Nhưng sau này, trong điều kiện ổn định, sẽ rà soát và đề xuất cho vấn đề này, để vận hành phương pháp học trực tuyến trong thời gian tới tốt hơn”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Ông Sơn cho hay ngành giáo dục đang hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhân tố then chốt là xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực, phẩm chất, đội ngũ chuyên gia đầu ngành giỏi, tầm quốc tế cho giáo dục đại học.
“Trước mắt là rà soát lại cơ chế chính sách, thể chế. Phát triển giáo dục và đào tạo trong tầm nhìn tương lai xa đã có định hướng rõ ràng”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Nghịch lý thừa thiếu giáo viên, giải quyết thế nào?
Hiện nay, ngành GD-ĐT đang đứng trước nghịch lý hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên trong khi một số môn học, cấp học lại thừa giáo viên cục bộ do tuyển dụng không sát nhu cầu.
Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết để giải quyết thừa, thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đã rà soát rất kỹ lưỡng báo cáo của 63 tỉnh, thành.
Kết quả, chúng ta đang thiếu hơn 94.000 giáo viên; giáo viên thừa là hơn 10.000; giáo viên đã giao nhưng chưa tuyển dụng là hơn 42.000. Căn cứ định mức giáo viên học sinh trên lớp, hiện ngành giáo dục còn thiếu 65.980 giáo viên.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thừa giáo viên, theo Bộ GD-ĐT, việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường, lớp, học sinh; việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa phù hợp, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học; tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn...
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu, độ tuổi của giáo viên dư thừa ở từng trường, từng cấp học, môn học.
Chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng giáo viên theo nhiều phương án như: điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu (ưu tiên theo thứ tự cùng cấp học, môn học; cùng xã, cùng huyện, trong tỉnh).
Những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì tổ chức đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo văn bằng hai; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp. Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp tiểu học để dạy 2 buổi/ngày (đủ 9 buổi/tuần) theo quy định.
Liên quan việc giải quyết biên chế giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần phải thực hiện ba giải pháp.
Thứ nhất, cơ quan quản lý cần tập trung cao, quyết liệt, quán triệt tinh thần Nghị quyết 19, với mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp, giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách. Từ năm 2021-2025, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu này nên các địa phương cần rà soát mạng lưới trường lớp, giảm những trường cần giảm.
Thứ hai, tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là mầm non, phổ thông. Có những vấn đề còn phát sinh, hai bộ GD&ĐT và Nội vụ sẽ rà soát các văn bản quy định pháp luật, xem cần bổ sung vấn đề gì để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT rà soát định mức số học sinh, giáo viên trên một lớp, phù hợp từng vùng miền để cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, tham mưu cho Chính phủ về tự chủ đại học.