Vì sao học sinh nghèo Gia Lai chưa nhận được 14 nghìn máy tính bảng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chương trình “Sóng và máy tính cho em” dự kiến sẽ có hơn 36,3 tỷ đồng để mua máy tính bảng cho 14.000 học sinh nghèo ở Gia Lai. Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn chưa hiện thực được.
Vì sao học sinh nghèo Gia Lai chưa nhận được 14 nghìn máy tính bảng? ảnh 1

Các em học sinh miền núi ở Gia Lai cần tiếp cận công nghệ để học tập hiệu quả. Ảnh mang tính minh họa

Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tới trường của các em học sinh. Bởi vậy, phương án học trực tuyến được tỉnh miền núi Gia Lai đưa ra để ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Chương trình chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước.

Riêng tại Gia Lai, số tiền tài trợ chương trình này hơn 36,3 tỷ đồng, trong đó, Bộ GD&ĐT chuyển về 35 tỷ đồng; huy động từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh được hơn 1,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tại Kho bạc Nhà nước tỉnh từ tháng 3/2022 để làm các thủ tục, trình UBND tỉnh phê duyệt mua sắm dự kiến 14.353 máy tính, trang bị cho học sinh là con hộ nghèo ở các trường phổ thông.

Tuy nhiên, cho đến nay, kinh phí thực hiện chương trình vẫn chưa giải ngân được. Liên quan đến việc này, một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai giải thích, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng kinh phí của chương trình và triển khai mua sắm, đấu thầu trang bị máy tính cho các em học sinh từ ngày 1/3/2022. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông về cấu hình máy tính bảng là 8 inch và giá 2,5 triệu đồng/máy (cụ thể, máy tính bảng 8 inch, hãng sản xuất TPS, model K8, nhà sản xuất Shenzhen TPS Industry Technology, năm sản xuất 2021, xuất xứ Trung Quốc) đã không được Sở Tài chính Gia Lai thông qua.

Việc Sở Tài chính không thông qua các tờ trình mua sắm máy tỉnh bảng là do chứng thư thẩm định giá không đảm bảo, yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua, bán tương tự và hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa chứng minh máy tính bảng với giá thẩm định 2,5 triệu đồng/máy.

Ngoài ra loại máy tính bảng với cấu hình và mức giá 2,5 triệu đồng/máy hiện chưa phổ biến trên thị trường, cũng chưa có địa phương nào thực hiện mua sản phẩm này.

Cũng theo vị lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, ngay việc xác định kinh phí của chương trình huy động cá nhân, doanh nghiệp tài trợ hay xác lập quyền sở hữu toàn dân cũng gặp vướng mắc; Sở GD&ĐT hay đơn vị khác của tỉnh chịu trách nhiệm mua sắm máy tính cũng chưa rõ. Do đó, thời gian làm các thủ tục theo đúng quy định pháp luật để trình UBND phê duyệt kéo dài.

Bởi thế, vừa qua, Sở GD&ĐT Gia Lai cùng Sở Tài chính đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án tháo gỡ vướng mắc theo hướng cho phép đổi chủng loại máy tính bảng với cấu hình 10 inch và giảm số lượng trang bị khoảng 2.000 máy do cấu hình, kích thước loại này cao hơn loại đã chọn trước đây. Sở này dự kiến sẽ được chuyển sang mua máy tính để bàn, trang bị cho các trường khó khăn để phục vụ môn tin học.

MỚI - NÓNG