Vì sao dự án đường Vành đai 4 tăng vốn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chi phí làm đường Vành đai 4 ở Hà Nội giảm nhưng tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, chi phí này ở một số phần việc lại tăng, thậm chí tăng gấp đôi do bổ sung tính toán đền bù đất thổ cư và tài sản trên đất...

Dự án đường Vành đai 4 đang được Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện đồng bộ trên tất cả các dự án thành phần, bao gồm: giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Dự án thành phần 01); xây đường đô thị song hành (Dự án thành phần 02); làm đường cao tốc trên cao (Dự án thành phần 03) - riêng dự án này Hà Nội sẽ là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo hình thức PPP.

Theo ghi nhận của phóng viên, với nội dung giải phóng mặt bằng (dự án thành phần 01), Hà Nội đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc và đã triển khai thi công (dự án thành phần 2.1) ở hiện trường; với chi phí 13.370 tỷ đồng cho việc GPMB ở Hà Nội chưa phải điều chỉnh.

Tuy nhiên tại dự án thành phần 1.2 triển khai GPMB ở Hưng Yên (UBND tỉnh làm chủ đầu tư) có tổng kinh phí khoảng 3.740 tỷ đồng, tỉnh mới hoàn thành khoảng 47%. UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất số kinh phí cần tăng cho công tác này là 1.500 tỷ đồng (tăng khoảng 40%).

Tương tự, tại dự án thành phần 1.3 (GPMB ở tỉnh Bắc Ninh) do UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện với tổng kinh phí khoảng 2.480 tỷ đồng, trong báo cáo tiến độ dự án trong đó có chi phí GPMB, tỉnh cũng đề xuất tăng thêm 2.874 tỷ đồng (tăng khoảng 115%).

Như vậy, chỉ tính riêng công tác phục vụ cho GPMB ở tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, kinh phí đề xuất tăng so với tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua là hơn 4.347 tỷ đồng.

Do chi phí tính toán thi công dự án thành phần 3 (đường cao tốc) Hà Nội thực hiện giảm khoảng 1.480 tỷ đồng so với tổng mức Quốc hội đã chấp thuận, nên kinh phí vừa được Bộ GTVT thay mặt chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh cho công tác GPMB chỉ còn khoảng 2.881 tỷ đồng.

Vì sao dự án đường Vành đai 4 tăng vốn? ảnh 1

Xây dựng đường Vành đai 4

Chiều 9/10, thông tin với PV Tiền Phong về khoản kinh phí tăng trên, ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh (cơ quan thường trực triển khai dự án) cho biết, con số 2.480 tỷ đồng được lập trước đây là mới khảo sát đền bù ở phần lớn trên đất nông nghiệp, vừa qua các đơn vị trong tỉnh đã khảo sát kỹ các diện tích đất thổ cư, đất ở và tài sản có trên đất, dẫn đến tăng kinh phí GPMB.

Ông Hoàng Hải Bình, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, Sở GTVT Hưng Yên (chủ đầu tư), cho biết, con số GPMB trên địa bàn tỉnh tăng thêm 1.500 tỷ đồng mới là đề xuất của địa phương.

Theo ông Bình, việc đo đạc, xác định kỹ nguồn gốc đất và tham chiếu các quy định hiện hành về giá đền bù GPMB được áp dụng đặc thù cho dự án Vành đai 4 dẫn đến chi phí tăng so với tính toán ban đầu.

Bộ GTVT cho biết, ngoài Dự án thành phần 2.1 ở Hà Nội đã giải ngân 80,45% nguồn vốn, các dự án thành phần ở Hưng Yên và Bắc Ninh đang triển khai. Dự án thành phần 2.2 ở Hưng Yên mới giải ngân được 4,76%, dự án thành phần 2.3 ở Bắc Ninh chưa giải ngân được đồng nào.

Thi công đồng loạt

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông Hà Nội - chủ đầu tư) cho biết, với trên 80% mặt bằng đã tiếp nhận từ các quận, huyện, chủ đầu tư và các nhà thầu đang thi công dự án đường song hành ở Hà Nội. Công trường thi công đang trải dài tổng thể trên 58 km.

Lãnh đạo Ban Giao thông Hà Nội cho biết, tháng 8, các nhà thầu thi công đã hoàn thiện thủ tục xây dựng, trong đó đã xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, trình nguồn vật liệu đầu vào… phục vụ thi công dự án.

“Đến nay, các nhà thầu đã huy động trên 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật; 35 máy đào; 25 lu rung; 20 máy ủi; 3 dây chuyền khoan cọc nhồi; 1 dây chuyền thi công cọc xi măng đất để tổ chức thi công”, lãnh đạo Ban Giao thông Hà Nội thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên toàn tuyến đường song hành qua các huyện Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín..., chủ đầu tư đã tổ chức 14 mũi thi công, trong đó có 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu vượt sông gồm sông Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Trên công trường dự án đoạn từ Hoài Đức đến Thường Tín, các đơn vị thi công đã bóc đất hữu cơ ở mặt ruộng lên khuôn đường khoảng 15km, đắp xong nền đường khoảng 2,5km.

MỚI - NÓNG