Vì sao dự án 100 tuyến phố kiểu mẫu ở Thủ đô phá sản?

Vì sao dự án 100 tuyến phố kiểu mẫu ở Thủ đô phá sản?
TPO - Hà Nội từng có chủ trương triển khai 100 tuyến phố kiểu mẫu theo hướng: Xanh, sạch, đẹp và phong cách do một doanh nghiệp đề xuất. Đến thời điểm này, chủ trương này đã hoàn toàn “phá sản”, ngay cả tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên Lê Trọng Tấn cũng đã không còn được như mong muốn ban đầu.

Cách đây hơn 2 năm, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương đề án triển khai 100 tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách với phạm vi thực hiện tại các quận nội thành. Đề án này do Công ty Cổ phần Truyền thông Minh đề xuất.

Đề án sẽ trang trí lại các tuyến phố theo những phong cách kiến trúc được thành phố duyệt và không ảnh hưởng hoặc thay đổi nét văn hóa, hoặc kiến trúc vốn có truyền thống của mỗi tuyến phố cũng như không thể hiện quá rõ những hình ảnh mang tính thương mại của nhà tài trợ. Việc thực hiện 100 tuyến phố sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa nhằm giảm áp lực cho ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đề án này vẫn không được triển khai. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi được Thành phố giao làm đầu mối, Cty CP Truyền thông Minh có gửi cho sở một số hình ảnh, mục tiêu của tuyến phố. Hình ảnh chủ yếu các ý tưởng lắp ghép từ các nước phương tây. Nhưng sau lần này thì không thấy Cty này liên hệ gì nữa. Từ đó đến nay dự án vẫn chưa thực hiện được.

“Tự bơi” trong thiết kế tuyến phố kiểu mẫu

Cũng cách đây 2 năm, tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã thu hút sự chú ý của dư luận với “đồng phục” theo đúng mẫu và chỉ có 2 màu xanh và đỏ. Vào thời điểm đó, kinh phí làm biển quảng cáo do thành phố Hà Nội tài trợ với mục đích đưa đường Lê Trọng Tấn thành tuyến đường kiểu mẫu của Thủ đô. Tuy nhiên đến nay hầu như toàn bộ hệ thống biển quảng cáo của tuyến đường này đã bị thay đổi, chỉ còn rất ít biển giữ được nguyên mẫu.

Vì sao dự án 100 tuyến phố kiểu mẫu ở Thủ đô phá sản? ảnh 1 Cảnh thiếu đồng bộ trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang, thời gian qua, quận đã “nới lỏng” một số quy định về biển hiệu, tuy nhiên vẫn phải tuân thủ một số quy tắc phù hợp với tuyến phố văn minh như: cho phép doanh nghiệp sử dụng màu sắc bảng hiệu, biển quảng cáo theo mẫu logo đã đăng ký và vật liệu không có độ phản quang lớn hơn 70%. Và mới đây, Hà Nội đã có thêm một tuyến phố kiểu mẫu thứ hai tại đường Đình Thôn, quận Nam Từ Liêm. Tại đường Đình Thôn, 200 cột sắt sơn đỏ kích thước bằng nhau, cao 4,5m được cắm dọc tuyến đường, cứ 4m một cột. Đỉnh cột có gờ gắn biển hiệu quảng cáo cùng nhánh để treo cờ, đèn lồng. Đáng nói, những cột sắt này được cắm thẳng vào phần vỉa hè, lấn chiếm không gian đi bộ. Trong khi diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi hàng quán, rác thải nên người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường với lưu lượng xe qua lại thường xuyên đông đúc. Việc thí điểm này tuy mới chỉ làm ở giai đoạn 1 nhưng đã dấy lên nhiều băn khoăn, thậm chí là bức xúc.
Vì sao dự án 100 tuyến phố kiểu mẫu ở Thủ đô phá sản? ảnh 2 Phố Đình Thôn bị phản ứng gay gắt vì cắm cọc xuống đường chắn lối đi dành cho người đi bộ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm thừa nhận, việc làm tuyến phố kiểu mẫu tại đường Đình Thôn là nóng vội. Ý tưởng tuyến phố là do UBND phường nghĩ ra và kêu gọi xã hội hóa, chứ không theo ý tưởng nào xuất phát từ Đề án 100 tuyến phố kiểu mẫu trước đây. UBND quận đã ra văn bản yêu cầu chỉnh trang lại tuyến phố này theo hướng dỡ dần các cột sắt, thay vào đó là đưa con sơn ra để đỡ biển hiệu. Theo tiêu chí, các biển này phải cùng kích thước, cùng cốt cao độ tạo sự đồng đều. Vật liệu làm biển bảng cũng được khuyến khích làm bằng chất liệu đẹp, không quá phản cảm.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, chính quyền khi tham gia thiết kế tuyến phố phải có sự đồng thuận của người dân, không thể tùy tiện sáng tạo. “Đồng phục tuyến phố vô tình tạo nên sự phản cảm, làm mất bản sắc của phố phường”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay. 

MỚI - NÓNG