Vì sao dân thích gửi tiền vào ngân hàng lớn?

4 triệu tỷ đồng của dân cư đang gửi trong hệ thống ngân hàng.
4 triệu tỷ đồng của dân cư đang gửi trong hệ thống ngân hàng.
TP - Tính đến tháng 8/2017, tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng lên tới gần 4 triệu tỷ đồng (hơn  3,98 triệu tỷ). Điểm lạ là dù lãi suất các ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn khối cổ phần từ 1-2%/năm cho các kỳ hạn đặc biệt từ 6 tháng trở lên nhưng tiền gửi vẫn chảy vào khối NHTM Nhà nước rất nhiều. Vì sao?

4 triệu tỷ đồng người dân gửi NH

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8/2017, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng lên tới hơn 7,7 triệu tỷ đồng trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 2,6 triệu tỷ; tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng lên tới gần 4 triệu tỷ đồng (hơn 3,98 triệu tỷ).

 Thống kê từ số liệu BCTC hợp nhất quý II/2017 của 17 ngân hàng (trên một trang tin điện tử )  hầu hết các ngân hàng đều đang có tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, các ngân hàng như: BIDV, ACB và Vietcombank, SCB, HDBank đều là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng trên 10%.

Thống kê cũng chỉ ra hiện  BIDV là nhà băng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với hơn 810 nghìn tỷ đồng. Theo sau là VietinBank với gần 700 nghìn tỷ đồng;  Vietcombank gần 650 nghìn tỷ;  Khối cổ phần theo tính toán tổng huy động quãng bằng 1/3 đến 1/4 so với 3 ngân hàng quốc doanh trên (Techcombank với 166 nghìn tỷ đồng tiền gửi từ dân cư là mức cao trong khối này).

Câu hỏi đặt ra là tại sao lãi suất của các ngân hàng quốc doanh luôn thấp hơn các ngân hàng cổ phần tư nhân đáng kể ( hiện chênh tới 2%/năm lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên) mà tiền gửi huy động của các ngân hàng Nhà nước vẫn cao? Phân tích của một lãnh đạo ngân hàng Nhà nước cho thấy: Hiện tại, nhiều người dân gửi tiền vào ngân hàng không quan trọng tiêu chí lãi suất cao nhất mà quan tâm xem gửi tiền vào ngân hàng nào an toàn nhất. “Cùng với đó, cũng không thể phủ nhận, hiện các NHTMNN vẫn đang “phủ sóng” phòng giao dịch và chi nhánh khắp miền trên cả nước hơn, đó cũng là một lợi thế để hút tiền gửi trong dân cư”, vị này nói.

Nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần cũng thừa nhận hiện có tâm lý tại các thành phố lớn, người dân có thông tin hiểu biết không e ngại thì có xu hướng quan tâm đến lãi suất tiền gửi và số dư tiền gửi tại hội sở ngân hàng đó thường rất tốt. Tuy nhiên, tại những chi nhánh xa hoặc vùng miền nếu ngân hàng không làm hình ảnh và có quan hệ tốt với địa phương, rất khó hấp dẫn về tiền gửi.

BHTG “đánh đồng” 75 triệu là quá thiệt!

Mới đây, tại nghị trường, Quốc hội đã xới lên vấn đề về ngân hàng phá sản khi bàn về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Trong đó, rất nhiều ý kiến đều đề nghị rõ luật cần phải làm rõ có chi trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền hay không khi xử lý ngân hàng yếu kém. Cụ thể, như đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị  nếu không chi trả vượt mức chi của bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng/người thì sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thư (Hà Tĩnh) cho rằng mức quy định chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng không có ý nghĩa thực tiễn khi người gửi đến hàng tỉ đồng, vì thế cần phải xem xét kỹ quy định này.

Hiện, nguồn tài chính tiềm năng từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) hiện là hơn 36.000 tỷ đồng. Theo Luật bảo hiểm tiền gửi, tiền nhàn rỗi của hệ thống DIV chỉ được mua tín phiếu và gửi lại Ngân hàng Nhà nước; không cho phép cho vay hỗ trợ thanh khoản, dù trước đây luật không cấm.

Số tiền bảo hiểm này quy định được thanh toán cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nói cách khác, dù số tiền người dân gửi vào tổ chức tín dụng là 100 triệu đồng, 500 triệu đồng hay tiền tỷ thì số tiền bảo hiểm tiền gửi chi trả cho người dân sẽ chỉ không quá 75 triệu đồng/người (khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi chính thức có hiệu lực từ ngày 5/8/2017).

Tuy nhiên, theo một khảo sát do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) thực hiện mới đây, trên toàn thế giới, hạn mức trả tiền bảo hiểm có sự phân hóa rõ rệt từ mức dưới 1.000 USD cho tới bảo hiểm toàn bộ. Còn phí bảo hiểm tiền gửi tùy thuộc vào tính rủi ro của ngân hàng. Những ngân hàng có tình hình tài chính tốt và ít rủi ro thì trả phí bảo hiểm ít hơn và ngược lại.

“Dự luật các TCTD sửa đổi đã cho phép Chính phủ áp dụng các giải pháp đặc biệt, do đó có thể quy định chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trong trường hợp đặc biệt. Việc quy định trả vượt hạn mức cho người gửi tiền trường hợp ngân hàng rơi vào kiểm soát đặc biệt, Quốc hội có thể xem xét thêm và quyết định”.

 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây cho biết và khẳng định Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn ủng hộ quan điểm này

MỚI - NÓNG