“Siết” hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng

TP - Mới đây, NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc sửa đổi thông tư trên nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư TPDN của các TCTD.

Cụ thể, dự thảo trên bổ sung quy định TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với ba mục đích: thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo dự thảo Thông tư mới thì các TCTD sẽ không được phép mua TPDN được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ.

Với việc ban hành dự thảo thông tư mới, có thể hiểu NHNN đang muốn siết lại hoạt động đầu tư TPDN của các TCTD tại các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là định hướng cần thiết nhằm bảo vệ sự an toàn cho hệ thống ngân hàng nói chung. Tuy nhiên, theo BVSC quy định này cần được cân nhắc thấu đáo hơn.

Trên thực tế, đúng là rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu nhằm mục đích cơ cấu nợ tại các TCTD. Tuy vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ đều xuất phát từ động cơ “nuôi nợ”. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ nhằm giảm chi phí tài chính trong điều kiện mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Nhu cầu này của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng.

Do vậy, theo BVSC, NHNN có lẽ chỉ nên hạn chế việc TCTD đầu tư TPDN để cơ cấu cho chính khoản nợ tại TCTD đó, hoặc có thể yêu cầu minh bạch thông tin trong hoạt động phát hành và đầu tư TPDN cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư.

Theo Ngân hàng Nhà nước, lý do để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trên là lo ngại rủi ro tiềm ẩn trong trường hợp doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ sau đó gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, phải phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Đây cũng là cách kiểm soát việc “lách” cho vay các dự án hay công ty sân sau mà một số “ông chủ” nhà băng toan tính.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.