Dải phân cách cứng phân làn ô tô và xe máy được thí điểm tại năm tuyến phố của Hà Nội là: Phố Huế, Bà Triệu, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn - Giải Phóng. Đây là việc làm thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc giảm ách tắc giao thông, nhưng kết quả chưa như mong muốn, thì đã xuất hiện nhiều vụ tai nạn.
Vậy đâu là những nguyên nhân gây tai nạn và ai là những người thường gặp tai nạn với những cột báo phân làn này.
Tấm chắn nhựa bảo vệ cột phân làn. |
Điều khiển xe máy hay "ăn" biển phân làn
Những người điều khiển xe máy có thói quen đi sang làn của ô tô dễ gặp tai nạn nhất. Những người đi xe máy di chuyển tại làn ô tô sẽ bị khuất hoàn toàn tầm nhìn biển báo và dải phân làn do xe bus, xe tải hoặc các loại ô tô lớn chắn tầm nhìn.
Khi bị khuất hoàn toàn tầm nhìn, dải phân cách sẽ là những cái bẫy cố định.
Xe máy đi sang làn ô tô là hiện tượng phổ biến hiện nay. |
Những người điều khiển xe máy quen đi sang làn ô tô cũng thường chạy quá tốc độ quy định. Cụ thể, trong nội thành Hà Nội, ô tô dưới 30 chỗ được chạy với tốc độ tối đa 50 km/h và xe máy được chạy với tốc độ tối đa 40 km/h. Việc di chuyển quá tốc độ cho phép và hay đảo làn, vượt trái sẽ tăng khả năng gây tai nạn cho xe máy.
Những người lần đầu tiên di chuyển trên đường phân làn cũng rất dễ gặp tai nạn, vì lạ đường, họ không biết đến sự xuất hiện của những dải phân làn.
Di chuyển trong đêm tối là lý do tiếp theo. Cả ô tô và xe máy di chuyển trong đêm tối đều có khả năng va chạm với dải phân làn nếu lơ đãng trong vài giây, vì tầm nhìn trong đêm tối bị giảm đáng kể.
Tầm nhìn hạn chế do đêm tối và thiếu tập trung cũng dễ gây tai nạn. |
Bên cạnh đó là những lý do mà cả người điều khiển ô tô và xe máy đều sẽ gặp phải: Uống rượu khi tham gia giao thông hoặc buồn ngủ, hay mất tập trung khi lái xe.
Những lý do trên đều thuộc về lỗi của người tham gia giao thông là chính, nhưng không thể nói là những người có chức năng đứng ngoài cuộc trong trách nhiệm chung này.
Khó khả thi
Việc đặt dải phân làn là chủ trương của Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông đã xảy ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, phân làn tại những nơi đông dân cư như Hà Nội là rất khó, bởi lượng xe máy quá lớn.
Để giảm tai nạn, trước tiên không chỉ hướng dẫn mà nhắc nhở, để người tham gia giao thông đi đúng làn đường cũng như tuân thủ luật giao thông, không vượt phải, không đi quá tốc độ, không sử dụng rượu bia. Tuy vậy, làm chặt điều này phải đi kèm với việc mở rộng làn đường cho xe máy – phương tiện chủ yếu tại Hà Nội, hoặc phân chia hợp lý thời gian các phương tiện tham gia giao thông.
Tới đây, việc thay đổi giờ làm việc và học tập của học sinh, sinh viên có thể làm giảm lượng người tham gia giao thông vào cùng một thời điểm và có thể sẽ giảm ách tắc giao thông cục bộ.
Nhưng để giảm tai nạn giao thông nói chung và va chạm với dải phân làn nói riêng, cần siết chặt luật, tăng mức phạt và giáo dục ý thức của người tham gia giao thông, hơn là đặt những “cái bẫy” dải phân cách giữa đường như hiện nay.
Những trường hợp ít gặp tai nạn với dải phân làn Những người đi xe đạp thường không gặp nhiều rắc rối với dải phân làn. Xe đạp thường di chuyển với tốc độ chậm và sát lề bên phải nên thường không va chạm với dải phân làn. Đây là lực lượng tham gia giao thông an toàn nhất và… thân thiện nhất với dải phân làn. Những người đi ô tô cũng không gặp nhiều khó khăn để làm quen với dải phân cách cứng giữa đường. Việc có kinh nghiệm sử dụng ô tô là phương tiện di chuyển khiến họ có thói quen đi đúng làn và quan sát biển báo. Hơn nữa, làn đường cho ô tô tại năm tuyến đường có dải phân làn tại Hà Nội khá rộng. Những người đi xe máy đúng làn cũng không gặp nhiều tai nạn với dải phân làn. Họ đi với tốc độ vừa phải (dưới 40 km/h) và không lấn sang làn ô tô nên sẽ không xảy ra va chạm với dải phân làn. |