Vì sao đại gia đồ hiệu Chanel 'sale off' túi xách?

Song song với giảm giá túi ở thị trường châu Á, Chanel tuyên bố sẽ tăng giá bán cùng sản phẩm tại thị trường châu Âu từ ngày 8/4, với mức tăng khoảng 20% - Ảnh: EPA/WSJ.
Song song với giảm giá túi ở thị trường châu Á, Chanel tuyên bố sẽ tăng giá bán cùng sản phẩm tại thị trường châu Âu từ ngày 8/4, với mức tăng khoảng 20% - Ảnh: EPA/WSJ.
Hãng đồ hiệu nổi tiếng Chanel vừa có một động thái giảm giá bán túi xách tại nhiều thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, cách làm này có thể sẽ giúp Chanel tăng giá trị thương hiệu trên toàn cầu trong dài hạn.

Ở Hồng Kông, nơi các cửa hàng bán đồ hiệu mọc san sát, một điều khó tin đã xảy ra trong tuần này. Chanel giảm giá 1.400 USD mỗi chiếc túi xách có nắp. Giá của loại túi này tại thị trường Trung Quốc đại lục cũng được điều chỉnh giảm 1.300 USD. Loại túi này hiện có giá khoảng 4.400 USD tại Hồng Kông và 4.800 USD tại Trung Quốc.

Ba dòng túi nằm trong diện giảm giá bao gồm 2.55, 11.12, và Boy Chanel. Ngoài thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, Chanel còn áp dụng chính sách giảm giá tại các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Nga.

Các tín đồ thời trang - trước nay quen với việc giá đồ hiệu chỉ có tăng chứ không giảm bao giờ - xếp hàng dài ngoài các cửa hiệu Chanel ở Hồng Kông để sắm túi. 

Giảm giá là câu chuyện hầu như rất hiếm khi xảy ra đối với các sản phẩm đồ hiệu cao cấp. Các thương hiệu thuộc phân khúc này luôn thận trọng tăng giá mỗi năm để tạo ra một ấn tượng rằng ít nhất thì sản phẩm của họ cũng giữ được giá trị theo thời gian. Chính sức mạnh về giá đã tạo ra niềm tự hào và hình ảnh đẳng cấp cho các hãng đồ hiệu cũng như người sử dụng. Sếp của một hãng đồ hiệu Pháp khác tại Trung Quốc nói rằng, ông thà chết chứ không làm theo cách của Chanel.

Cửa hiệu tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục luôn đem lại cho các công ty đồ hiệu mức lợi nhuận lớn hơn tại bất kỳ thị trường nào trên thế giới bởi mức giá cao được áp dụng. Tuy vậy, thời gian gần đây, chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Trung Quốc đã khiến giới công chức và doanh nhân nước này cắt giảm chi tiêu mọi thứ, từ các buổi yến tiệc, các cuộc đánh bạc, cho tới những chiếc túi xách đắt tiền.

Song song với giảm giá túi ở thị trường châu Á, Chanel tuyên bố sẽ tăng giá bán cùng sản phẩm tại thị trường châu Âu từ ngày 8/4, với mức tăng khoảng 20%. Trong khi đó, giá túi Chanel ở Mỹ, Nhật, Anh và Canada được giữ nguyên. Chanel tuyên bố, trong tương lai hãng sẽ không cho phép mức chênh lệch giá sản phẩm giữa các thị trường quá 10%.

Điều chỉnh giá bán có thể gây những tổn thất về tài chính. Doanh số lớn hơn tại thị trường Trung Quốc ở thời điểm này có thể sẽ không đủ để bù đắp cho phần lợi nhuận mất mát vì giảm giá. Trong khi đó, giá túi Chanel tăng tại châu Âu có nguy cơ làm doanh số tại thị trường này đi xuống.

“Chanel đã rất dũng cảm khi làm việc này, vì lợi nhuận của họ trong ngắn tới trung hạn sẽ bị ảnh hưởng”, nhà tư vấn trong lĩnh vực đồ hiệu Emmanuel Hemmerle ở Thượng Hải phát biểu. “Tuy vậy, về mặt giá trị thương hiệu, cách làm này sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Thời gian gần đây, trước Chanel, đã có một số thương hiệu xa xỉ khác giảm giá bán sản phẩm. Hồi tháng 2, hãng đồng hồ Patek Philippe giảm giá 7% tại thị trường Hồng Kông. Thương hiệu đồng hồ TAG Heuer của tập đoàn đồ hiệu LVMH cũng giảm giá tại thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và một số thị trường khác.

Thực ra, Chanel, Patek Philippe và TAG Heuer đang đưa ra câu trả lời cho những người tiêu dùng khôn ngoan đang so sánh giá cả giữa các thị trường thông qua điện thoại thông minh và các mạng xã hội. Các thương hiệu này nhận ra rằng họ cần phải sử dụng tới những biện pháp phi truyền thống để ngăn chặn hoạt động bán hàng trực tuyến của các nhà phân phối không được cấp phép.

Thị trường đồ hiệu trực tuyến thường mập mờ và không ít người đã “vớ” phải hàng giả, hàng “nhái” khi mua hàng hiệu trên mạng. Để ngăn chặn sự nở rộ của thị trường này, các hãng đồ hiệu đã hạn chế số túi mà một khách có thể mua trong các cửa hiệu bán lẻ chính thức, lắp đặt camera và sử dụng nhân viên an ninh giám sát chặt chẽ nhằm ngăn những người buôn túi nhờ dân địa phương vào mua túi hộ. Tuy vậy, thị trường hàng hiệu trôi nổi vẫn phát triển mạnh.

“Không còn cách nào khác để chống lại tình trạng này bằng cách điều chỉnh lại giá cho cân bằng giữa các thị trường”, Giám đốc thời trang của Chanel Bruno Pavlovsky phát biểu trên tờ nhật báo Women’s Wear. Sau khi điều chỉnh, túi Chanel Le Boy ở Trung Quốc chỉ đắt hơn 5% so với ở Pháp, đủ để ngăn giới buôn túi hiệu xách tay giữa hai nước.

Theo hãng tư vấn McKinsey, hơn một nửa số tiền mà người Trung Quốc chi cho đồ hiệu được tiêu ở nước ngoài. Điều này khiến các hãng đồ hiệu phải “đau đầu” bởi họ đã đầu tư nhiều để mở các cửa hiệu mới ở thị trường Trung Quốc. Chỉ mua hàng hiệu khi sang châu Âu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Trung Quốc tới các cửa hàng đồ hiệu trong nước ít hơn. Các thương hiệu xa xỉ cũng đứng trước rủi ro bị đánh giá là “chặt chém” tại Trung Quốc, gây lo ngại cho những người tiêu dùng chú trọng vấn đề giá cả.

Giá đồ hiệu ở Trung Quốc thường cao hơn 30-40% ở châu Âu, thậm chí có những sản phẩm chênh giá 50-80%. Thị trường đồ hiệu châu Âu nhờ đó phát triển mạnh, bất chấp kinh tế suy thoái.

Từ năm 2011 đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá 46% so với Euro, nhưng các hãng đồ hiệu vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc điều chỉnh giá. Các hãng này đã quen với việc áp giá cao ở Trung Quốc, nơi nhu cầu được đẩy cao bởi văn hóa tặng quà của các doanh nghiệp. Tuy vậy, theo hãng tư vấn Bain Consulting, năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên chi tiêu vào đồ hiệu ở Trung Quốc giảm. Tháng 1 năm nay, doanh số nữ trang, đồng hồ và quà tặng đắt tiền tại Hồng Kông giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với các hãng đồ hiệu không giảm giá ở Trung Quốc, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng. Một chiếc túi đeo vai Jackie của hãng Gucci có giá đắt hơn 82% ở Bắc Kinh so với ở Paris. Một chiếc túi Speedy 30 của Louis Vuitton ở Trung Quốc đắt hơn 65% so với ở Pháp.

“Một ngày nào đó, nhiều thương hiệu sẽ phải điều chỉnh giá bán trên khắp thế giới để giảm sự khác biệt giữa giá bán tại các quốc gia khác nhau và theo các đồng tiền khác nhau”, ông Jean-Claude Biver, Giám đốc phụ trách sản xuất đồng hồ của LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, nhận định. Ông Biver nhấn mạnh, thương hiệu đồng hồ cấp cao Hublot của hãng này đã duy trì chênh lệch giá bán giữa các thị trường ở mức chỉ 10%.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.