Vì sao con tàu của “triệu trái tim” vẫn phải nằm bờ?

Con tàu của “triệu trái tim” vẫn nằm bờ vì quy chế ràng buộc. Ảnh: Anh Thư
Con tàu của “triệu trái tim” vẫn nằm bờ vì quy chế ràng buộc. Ảnh: Anh Thư
TP - Từ sự đóng góp của nhân dân cả nước, con tàu cá có công suất trên 605 CV, giá trị trên 5 tỷ đồng được Chương trình tấm lưới nghĩa tình (Quỹ Tấm lòng vàng Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam) nghiệm thu và bàn giao cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nhưng từ nhiều tháng nay con tàu “khủng” này vẫn không thể vươn khơi.

Đảo Lý Sơn những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, hàng trăm tàu cá của ngư dân đang hối hả vươn khơi bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa.

Tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải, ngoài một số tàu cá công suất nhỏ đang nằm bờ chờ làm nước sửa chữa, chỉ sót lại duy nhất tàu cá “khủng” 605 CV mới tinh mang biển kiểm soát QNg 96169 TS vẫn neo bờ lặng lẽ nằm im ỉm bên chân sóng vỗ.

Vướng trên bờ

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, cho biết: Tàu đã giao cho ngư dân để bám biển vươn khơi nhưng khoản đóng góp theo quy định chưa được “ngã ngũ” nên ngư dân không chịu nhận tàu. Theo ông Chinh, đây là con tàu có sự đóng góp, ủng hộ của hàng triệu người dân cả nước đối với ngư dân Lý Sơn, thông qua chương trình tấm lưới nghĩa tình.

Để dân chủ công khai, nên trước khi đóng tàu, các tổ chức tài trợ và Nghiệp đoàn nghề cá An Hải đã tổ chức xét duyệt danh sách ngư dân được nhận tàu để vươn khơi gồm các tiêu chí như bị thiệt hại nặng bởi thiên tai và nhân tai.

Theo tiêu chí đưa ra, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Lâm ở thôn Tây (xã An Hải, hiện là đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá An Hải) và hàng chục ngư dân khác là những người được giao nhận tàu để vươn khơi bám biển làm ăn. Bởi hoàn cảnh của anh Lâm vô cùng khó khăn, hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa – Trường Sa, anh đã 3 lần mất tàu, mất tài sản.

“Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ can thiệp để sớm đưa tàu QNg 96169 TS vươn khơi bám biển. Khoản đóng góp cho Nghiệp đoàn được dùng làm Quỹ hoạt động từ thiện như thăm ốm đau, cứu nạn cứu hộ trong đoàn viên nghiệp đoàn, chứ không cá nhân nào được bỏ túi. Do đó, chúng tôi sẽ cân nhắc lại mức thu để ngư dân sớm nhận tàu vươn khơi”.

ông Nguyễn Đồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi

Tuy nhiên, theo ông Chinh, việc giao tàu cho ngư dân phải được thực hiện theo quy chế và quy định. Bởi, đây là con tàu của cả tập thể, mà đã là của tập thể thì phải có quy chế hoạt động rõ ràng.

Trong quy chế có điều khoản ràng buộc: Mỗi năm, người được nhận tàu phải đóng cho nghiệp đoàn khoản tiền 200 triệu đồng, chưa kể khoản tiền cược tương đương.

“Khi làm thủ tục giao tàu vì thấy mức đóng góp quá cao nên thuyền trưởng Lâm không thống nhất. Chúng tôi đã cố gắng giải thích nhưng anh Lâm quyết không nhận tàu, vì cho rằng khoản đóng góp quá lớn đối với ngư dân” - ông Nguyễn Quốc Chinh lý giải.

Tìm gặp ngư dân Nguyễn Thanh Lâm, khi anh và nhiều ngư dân khác đang xoay xở kiếm tàu để vươn khơi. “Mỗi năm một tàu cá vươn khơi Hoàng Sa – Trường Sa được 6-7 phiên biển, nếu phải đóng góp cho nghiệp đoàn khoản tiền 200 triệu đồng/năm, vậy trung bình mỗi phiên biển ngư dân chúng tôi phải bỏ ra trên dưới 30 triệu đồng.

Nếu làm ăn được thì không sao, còn nếu không, chúng tôi lấy đâu ra tiền để nộp cho nghiệp đoàn? Bây giờ trước mắt tôi phải nhận tàu của nậu để kịp vươn khơi kiếm tiền nuôi vợ con, chứ nằm hoài trên bờ thì đói cả nhà”, anh Lâm cho biết.

Chưa hợp lý?

Trong Quy chế hoạt động của tàu cá QNg 96169 TS do Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn và Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải xây dựng, hai đơn vị trên đều cho rằng mức đóng góp 200 triệu đồng/năm mà quy chế đưa ra là hợp tình hợp lý.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ Lý Sơn thì đóng góp 100 triệu đồng/năm là vừa. Bởi, ngoài tiền đóng góp cho Nghiệp đoàn nghề cá, mỗi năm một tàu cá phải “lên nề” làm nước, sửa chữa chí ít cũng vài ba lần, đó là chưa kể các khoản mua sắm ngư cụ… tốn hàng trăm triệu đồng.

“Tàu tôi mỗi năm làm ăn khấm khá cũng thu lãi có vài ba trăm triệu đồng, nếu nhận tàu mà đóng góp khoản tiền lớn như vậy, thì ngư dân đâu còn thu nhập, vợ con sống bằng gì. Các ngành nên xem lại khoản đóng góp cho hợp lý để ngư dân sớm nhận tàu vươn khơi”, ngư dân Bùi Nam - chủ tàu cá QNg 96562 TS, nói.

Ông Mai Văn Sơn - Chủ tịch xã An Hải, cho rằng: Việc nhận tàu và đóng góp cho nghiệp đoàn là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, phải xem xét lại mức đóng góp sao cho hợp tình hợp lý. Nên chăng đưa vào quy chế đóng góp khoảng 50 -70 triệu đồng/năm.

“Nếu năm đầu làm ăn hiệu quả thì năm sau mức đóng góp sẽ tăng lên, điều này giúp ngư dân có thu nhập và phương tiện làm ăn, vừa có khoản đóng góp cho tập thể. Chúng tôi sẽ đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc để tàu sớm vươn khơi”, ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG