Vì sao có tình trạng vô đạo đức như vậy?

Vì sao có tình trạng vô đạo đức như vậy?
TP - Ngày 11/9, sau khi nghe báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: “Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta “ăn” của dân không từ một cái gì. Ngay tại thủ đô Hà Nội, liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu”.

> Bị can tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm cầu cứu Bí thư Hà Nội
> Khởi tố giám đốc, phó giám đốc BV Hoài Đức

Ngay sau khi nghe báo cáo Giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009- 2012 (Báo cáo Giám sát), phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “nóng” về những bất cập của ngành Y tế hiện nay.

 “Cái này không phải là y đức mà là rút ruột bảo hiểm”  

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu ở BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, nhiều người bức xúc về vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) hay một trạm y tế mà làm giả cả giấy tờ, dấu giả, báo cáo khống về BHYT. “Bệnh viện tuyến huyện của Thủ đô mà “nhân bản” hàng loạt kết quả, lấy xét nghiệm của ông già đưa cho con nít, làm như thế đáng lý ra phải bắn chứ không nói đến vấn đề hình sự nữa”, ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Chia sẻ với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu thực trạng giám đốc bệnh viện khám bệnh cho bệnh nhân, rồi kê đơn thuốc bảo ra quầy nhà mình mua. “Tôi càng đi càng thấy buồn. Người ta “ăn” của dân không từ một cái gì, từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo. Ngay tại thủ đô Hà Nội, liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu. Tại sao lại có tình trạng vô lương tâm, vô đạo đức như vậy?”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công đã làm giảm lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước các ý kiến đề cập vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích đó là chuyện lạm dụng xét nghiệm. “Cái này không phải là y đức mà là rút ruột bảo hiểm” - Bộ trưởng Tiến nói.

Có thẻ BHYT bị tiêm đau hơn người có tiền

Phát biểu tiếp về việc thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: “Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói đi khám chữa bệnh bằng BHYT mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nêu một thực tế là bệnh viện tuyến huyện không chuyển bệnh nhân lên tỉnh dù bệnh rất nặng, vì chuyển thì BHYT cũng phải chạy theo. Việc sử dụng BHYT không đúng sẽ ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người dân.

“Cung ứng thuốc, khám chữa bệnh theo BHYT và không BHYT rất khác nhau. Có khi không đưa thẻ BHYT còn tốt hơn là đưa thẻ”, ông Lý băn khoăn.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên báo cáo giám sát về thực hiện chính sách BHYT Ảnh: Công Khanh
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên báo cáo giám sát về thực hiện chính sách BHYT.  Ảnh: Công Khanh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị chỉ ra những mảng tối trong BHYT. Như chuyện những người có thẻ BHYT không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng.

“Hiện nay số kết dư quỹ BHYT 13.000 tỷ đồng. Số này chưa chắc đã tốt, bởi liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ bảo hiểm kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Đa phần người có bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

 “Tôi càng đi càng thấy buồn. Người ta “ăn” của dân không từ một cái gì, từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo. Ngay tại thủ đô Hà Nội, liều vắc-xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu. Tại sao lại có tình trạng vô lương tâm, vô đạo đức như vậy?”.  

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng do nước ta còn nghèo, ngân sách đất nước còn hạn chế, vì vậy nên chia sẻ với Bộ Y tế. “Tiền thấp thì không đáp ứng được yêu cầu”, Thứ trưởng Minh nói.

Cho rằng trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế thuộc về ai chưa được thể hiện rõ, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị xây dựng một nghị quyết sau Báo cáo giám sát, không thể để tình trạng như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “Hạn chế thì chắc chắn rất nhiều, và vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế. BHYT cần quản lý đặc thù nhưng ở Việt Nam lại quản lý chồng chéo”. Bà Tiến cũng cho rằng an sinh xã hội của ta cũng tốt hơn nhiều nước, vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá.

“Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản. Như vậy là chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ”, Bộ trưởng Tiến giải thích.

Chia sẻ với khó khăn của ngành Y tế, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết: “Bức xúc ngành y tích tụ từ trước đến nay, chứ không phải chỉ ở nhiệm kỳ này, cho nên nhiều lúc bộ trưởng cũng bị oan”.

Băn khoăn về BHYT bắt buộc

Chiều cùng ngày, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý tính khả thi của việc quy định BHYT bắt buộc. Hơn nữa, khi chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, liệu có chỉnh sửa gì mức thu và quỹ có an toàn không?

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng không nên áp đặt, chưa nên đưa vào luật mà nên vận động, có cơ chế khuyến khích người dân tham gia.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đều cho rằng việc bắt buộc tham gia BHYT cần rõ ràng. Bắt buộc có thành nghĩa vụ, có phù hợp với các luật, chính sách hiện hành không?

Trong khi đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận định mặc dù sửa đổi Luật mang lại lợi ích cho người dân nhưng những bất cập nổi cộm mà Báo cáo Giám sát chỉ ra lại không thấy Luật sửa.

Cho rằng những câu hỏi trên là khó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. “Tuy nhiên muốn dịch vụ y tế tốt phải tăng giá”, bà Tiến nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.