Vị đắng làm thủy điện 'chạy theo nhà đầu tư'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch xây dựng 81 thủy điện, chiếm 1.158 ha đất rừng. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc quy hoạch này có biểu hiện “chạy theo nhà đầu tư”. Và thực tế, từ tháng 4/2021 đến nay, riêng khu vực huyện Kon Plông ghi nhận gần 200 trận động đất, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này suốt từ năm 1903 đến 2020.
Vị đắng làm thủy điện 'chạy theo nhà đầu tư' ảnh 1
Người dân tái định cư nhường đất xây thủy điện Thượng Kon Tum liên tục gánh chịu các trận động đất

Kỳ 1: Chập chờn vùng tâm chấn

Ðến vùng tâm chấn động đất Kon Tum, gặp các hộ dân tái định cư nhường đất cho xây thủy điện, chúng tôi không khỏi cám cảnh nỗi cơ cực, vất vả của họ bởi nhiều hộ chưa được đền bù. Từ khi thủy điện bắt đầu tích nước gây ra các trận động đất khiến họ càng hoang mang, mệt mỏi.

Vẫn là nỗi sợ động đất

Kon Tum được xem là “thủ phủ” của thủy điện với 81 công trình. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) đã phải gánh khoảng 21 thủy điện. Trong đó, có dự án đã hoàn thành, có nơi đang triển khai thi công, hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư…

Dọc đường đi vào thủy điện Thượng Kon Tum (địa phận huyện Kon Plông giáp huyện Kon Rẫy) dễ thấy “lá phổi xanh” đã bị “chọc thủng” thành các vết thương bởi thủy điện.

Qua ghi nhận của PV, hoạt động tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum đã khiến ít nhất 25 ha rừng bị ngập úng. Quanh hồ chứa là một màu xám ảm đạm bởi các cây rừng chết đứng tạo ra. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã khởi tố vụ án hình sự về tội “hủy hoại rừng” xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum này.

Gia đình chị Y.N. (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) đã nhiều đêm giữa thời tiết buốt lạnh phải chạy ra khỏi nhà vì động đất. Chị N. cho hay, ngày trước ngủ còn tắt điện chứ bây giờ không dám vì nếu giữa đêm có động đất còn thấy đường để chạy. Để dễ nhận biết động đất, chị N. nghĩ ra cách “lạ” là để cái ống bơ ở cửa số, hễ rơi xuống phát ra tiếng là cả nhà ôm nhau chạy ra ngoài.

Gần thủy điện Thượng Kon Tum là người dân tái định cư thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Buổi trưa, chị H. tay trái dắt con 5 tuổi, tay phải bế con gái 2 tuổi đứng thẫn thờ bên cửa. Cũng như bao gia đình khác, chị H. rất sợ những trận động đất. Chị nói, ngày xưa nhà gỗ không lo động đất, giờ nhà xi măng theo kiểu nhà sàn khiến cả gia đình ai cũng hoang mang khi mỗi lần động đất vết nứt bên tường lại rộng ra. Chị nói: “Đất ngày xưa trồng lúa màu mỡ bị nước thuỷ điện làm ngập rồi. Bố mẹ và chồng em đều đi làm thuê cả”.

Bỏ làng tái định cư

Cách thủy điện Thượng Kon Tum không xa là hồ chứa nước khổng lồ của thủy điện Đăk Đrinh, bao trùm địa bàn 2 xã Đăk Ring và Đăk Nên của huyện Kon Plông. Thủy điện này nằm dưới hai dãy núi trùng điệp, trải dài hơn chục cây số. Lo sợ nhất có lẽ là người dân làm nhà men theo sườn núi, những ngọn núi ở đây hầu hết đã mất rừng. Bởi vậy, người dân không thể chủ quan, nhất là khi thời tiết mưa dầm cộng thêm “bom” nước của thủy điện gây động đất.

Trận động đất kinh hoàng có tâm chấn ở huyện Kon Plông gần một tháng trước làm rung chuyển tỉnh Kon Tum, dư chấn sang cả Gia Lai. Sau trận động đất này cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, đưa ra giải pháp trước mắt. Theo lực lượng chức năng, lượng nước lớn mà thủy điện Thượng Kon Tum tích ở hồ chứa đã được xả vơi, đỡ gây áp lực cho lòng đất. Dù vậy, các trận động đất ở Kon Plông vẫn liên tục xảy ra khiến người dân địa phương quanh đây hoang mang, lo lắng.

Thủy điện Đăk Đrinh hoàn thành năm 2013 và để lại hệ quả vô cùng lớn cho người dân. Ngoài hứng chịu các trận động đất, người dân 2 xã Đăk Ring và Đăk Nên cũng xảy ra mâu thuẫn khi người thì được ở căn nhà tái định cư với nguồn nước đầy đủ, hộ khác lại lủi thủi lên trên cao không có nước. Hàng chục căn nhà tái định cư được bố trí trên đỉnh các ngọn núi. Cũng bởi vậy mà trong tổng số 192 căn nhà tái định cư của dự án thuỷ điện Đắk Đrinh có đến trên 50 căn bị bỏ hoang.

“Thời gian đầu có nước nhưng về sau không có vì căn nhà ở mãi đỉnh núi, chưa kể nắng nóng và gió khô khốc. Tiếp đến động đất xảy ra nên họ chạy đi cả rồi. Chỉ còn những người bên dưới thôi”, chị V. (xã Đăk Nên) kể.

Cách khu tái định cư tầm chục cây số, gần 30 hộ dân làng Xô Luông (xã Đăk Nên) đã quay về định cư gần ngôi làng cũ. Từ bỏ những căn nhà kiên cố, họ chấp nhận quần cư trong những căn nhà lụp xụp được dựng tạm, vì nơi đó điều kiện sống tối thiểu của họ vẫn được đảm bảo.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, gần 10 năm về trước, để thực hiện dự án thủy điện Đắk Đrinh, hàng trăm hộ dân của xã Đăk Nên đã nhường toàn bộ nhà cửa, đất đai của mình. Đến nay, người dân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi chi phí bồi thường được giải quyết dứt điểm. Bởi thế, nhiều hộ đòi lại đất đã nhường cho dự án tái định canh khiến mâu thuẫn nơi đây xảy ra thường xuyên. Đất sản xuất vốn đã thiếu giờ lại rơi vào tranh chấp nên phần lớn để hoang hoá.

Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho hay, ông cùng cán bộ xã đang rất “đau đầu” vì thường xuyên phải giải quyết những bức xúc của người dân.

Sau hơn 10 năm triển khai và 8 năm đi vào vận hành, thủy điện Đắk Đrinh vẫn còn nợ những người đã nhường toàn bộ nhà cửa, đất đai của mình cho dự án này gần 28 tỷ đồng tiền bồi thường. Về việc này, theo ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, tỉnh đã giao sở, ngành kiểm tra, báo cáo tổng thể lại dự án tái định cư Đăk Đrinh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để xảy ra việc nợ tiền đền bù của người dân, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Đrinh.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG