Vì dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa vượt qua khó khăn. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong nước vừa công bố cũng không ngoại lệ, dù một tỷ lệ đáng kể đã dần thoát khỏi lợi nhuận âm, số ít có bắt đầu có lợi nhuận lớn.

Dẫu thế khó khăn vẫn còn bủa vây khá nhiều ngành với nhiều vấn đề vướng mắc. Câu chuyện phổ biến vẫn là tiếp cận dòng vốn, giải quyết vướng mắc pháp lý tồn tại, đơn hàng thiếu hoặc bị cắt, chưa kể nhiều rào cản vô hình lẫn hữu hình khác… Tình trạng thất nghiệp tỷ lệ thuận với doanh nghiệp phá sản hoặc giảm tần suất hoạt động. Chắc chắn hệ lụy xã hội từ “mất việc làm” sẽ không nhỏ và cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ sát sao hơn.

Nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, chọn cách “nằm im” chờ thời. Cách dễ làm nhất để giảm chi phí là cắt giảm lao động hoặc chỉ trả mức lương tối thiểu. Bên cạnh nhiều sự hỗ trợ thông qua chính sách từ trung ương, đâu đó ở địa phương, cơ quan chức năng dường như chưa nhuần nhụy trong công việc. Ngay tại Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vừa qua, một ban ngành chức năng trước hướng dẫn (người dân) một đằng, sau lại nói một nẻo, khiến người dân giống như bị tung hỏa mù. Trước những việc tương tự này, bất đắc dĩ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh này phải công khai số điện thoại riêng làm đường dây nóng để người dân phản ánh sự nhũng nhiễu. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải từng nói: “Dân không biết phải hướng dẫn cho dân, doanh nghiệp thiếu thủ tục gì phải hướng dẫn cho doanh nghiệp”. Để xem đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có hoạt động thực sự hiệu quả, hay chỉ là câu chuyện truyền thông cá nhân?

Vừa qua, bên cạnh những chính sách giãn, giảm thuế, lập sàn giao dịch trái phiếu…, Chính phủ ban hành hẳn một nghị quyết (105) nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Điểm đặc biệt trong nghị quyết, nêu rõ các bộ ngành trung ương phải là đầu mối xử lý vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, ai cũng biết, bộ ngành trực tiếp xử lý ra sao, phải có những con người bản lĩnh, không sợ sai để đảm bảo nhiệm vụ thông suốt.

Một kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp đang được kỳ vọng là thị trường chứng khoán đã được đưa vào khuôn khổ và hoạt động minh bạch. Những doanh nghiệp nào xem sàn giao dịch chứng khoán như sòng bạc để thực hiện thủ thuật thao túng đã bị cảnh báo, xử lý (và sẽ bị giám sát qua các công cụ). Đến một lúc nào đó, thị trường chứng khoán phải thực sự là hàn thử biểu của nền kinh tế, chứ không phải nơi để đánh giá một đại gia nào đó giàu xổi. Sàn chứng khoán, sàn trái phiếu phải thúc đẩy dẫn vốn hiệu quả, tin cậy hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Lúc đó, sẽ hạn chế được việc nở rộ phong trào doanh nghiệp thâu tóm, sở hữu ngân hàng làm kênh dẫn vốn riêng, rồi mặc sức mánh mung.

Trong những lúc kinh tế đang “nỗ lực” vượt khó như thế này, mọi cố gắng phải được tiếp tục. Có như thế sự hồi sinh mới nhanh và kinh tế mới tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.