Vêra đất Cảng

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Ngọc Hiền có nhiều vai chính xuất sắc, sáng tạo, những vai diễn nhớ đời làm công chúng và đồng nghiệp mến phục: đó là vai Vêra trong kịch Masa (kịch Nga, tác giả A. Finôghênốp), bà chủ Klêa trong Con cáo và chùm nho (kịch Brazil, tác giả Fighêirêđô), quận chúa Minford trong Âm mưu và tình yêu (tác giả Friederich Schiller)...

Một buổi chiều có cơn mưa đầu hạ về bất chợt. Lối đi vào khu nhà tập thể bốn tầng của thành phô đã trở thành một dấu tích lịch sử của các nghệ sĩ Hải Phòng. Ngọc Hiền ở gác ba. Cầu thang nhà tập thể còn vững và rộng rãi. Tôi gọi chị qua cánh cửa xếp khép hờ, một phụ nữ nhanh nhẹn, tươi cười khoảng sáu mươi tuổi ra mở cửa, chị bảo ngay:

- Chị Hiền ở bệnh viện về được hai tuần rồi, sức khỏe đã khá hơn nhưng vẫn còn mệt, đi lại khó khăn...

Tôi hiểu ý chị, gật đầu:

- Tôi đến thăm chị ít phút thôi, chị yên tâm...

Phòng khách của chị Hiền được ngăn ra trong diện tích của căn hộ khoảng 50m2. Sự giản dị, ấm cúng, thân mật thấy rõ qua những bức tranh, ảnh, lọ hoa và một vài kỷ vật treo trên tường. Bức ảnh Ngọc Hiền thời trẻ khi chị là diễn viên chủ chốt của Đoàn kịch Hải Phòng suốt mấy chục năm. Trông chị thật trẻ trung, xinh đẹp đầy sức sống. Lúc này chị Hiền mặc bộ quần áo hoa xanh ở phòng bên bước ra, vui vẻ:

- Tưởng chết ông ạ, cũng may mà ông trời còn thương, để bạn bè phát hiện đưa đi cấp cứu ở Hà Nội kịp thời.

Chị Hiền ngồi xuống kể cho tôi chuyện đôi chân chị bất ngờ không cử động được, về sau mới biết do một cục máu đông chèn vào tủy sống. Ở một mình, lại vào lúc sáng sớm ít người phát hiện ra. May sao chị cố lết vào phòng lấy được điện thoại gọi cho cô hàng xóm ở tầng dưới và cố nhích từng phân ra mở được chốt cửa phía trong rồi mới ngất đi.

Ngọc Hiền là người đa mang, lận đận trong hạnh phúc bởi niềm đam mê nghệ thuật và tính lãng mạn mạnh mẽ của mình. Có lẽ với tình yêu, chị cũng là con người đặc biệt: đã yêu là hy sinh cho người yêu đến quên mình.

Những chuyện tiếp theo thật li kỳ: từ chuyện chị được bạn bè, chị em thân quen lấy ô tô đưa đi Hà Nội, chuyện cấp cứu ở quân y viện 108, được nghệ sĩ Lê Chức, phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, và anh em nghệ sĩ ở Hà Nội báo cho nhau cùng với nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, con gái chị, liên hệ với bác sĩ giỏi điều trị, sau đó mổ kịp thời.

Chị cười nói với tôi:

- Tình yêu nghệ thuật là nỗi đam mê suốt đời tôi. Chính vì nó mà tôi sống và được bạn bè công chúng quý mến động viên, cho tôi sức mạnh vượt qua cái chết, ông ạ.

Chị ngồi đó, vẻ mặt buồn, tĩnh lặng nhưng đôi mắt vẫn ánh lên cái nhìn trẻ trung say đắm của một thời. Một vẻ đẹp quý phái, dịu dàng, bí ẩn vẫn lẩn khuất trong đôi mắt, nụ cười, khuôn mặt thanh tú ưa nhìn của chị.

Tôi đột nhiên nhớ lại vai Vêra trong vở kịch nổi tiếng Masa của Đoàn kịch Hải Phòng. Trong vai người mẹ cô đơn bỏ con gái đi theo tiếng gọi của hạnh phúc, sau thời gian lầm lỗi trở về tìm lại đứa con, chị phải đấu tranh với bố chồng, một ông giáo sư bảo thủ, gia trưởng, để giành lại đứa con và điều quan trọng hơn làm sao cho đứa con gái đã trưởng thành kia (Masa) hiểu, tha thứ cho mẹ... Tôi nhớ ở màn cuối, Vêra của Ngọc Hiền đã ngồi nhìn xuống khán giả độc thoại đến gần hai mươi phút, một thử thách ghê gớm với bất cứ diễn viên tài năng nào. Vì chỉ cần một ánh mắt vô hồn, một lời thoại hời hợt, một cử chỉ vô tình Vêra sẽ thất bại, không thuyết phục được khán giả.

Nhưng ngày ấy, ở nhà hát Tháng Tám, tôi nhớ rất rõ khán giả đã vỗ tay sau màn độc thoại của chị. Nhiều phụ nữ đã khóc. Còn tôi ngày ấy đã xúc động đến ứa nước mắt vì thương cảm người mẹ trẻ Vêra.

Tài năng của Ngọc Hiền đã chinh phục được khán giả. Chị vào nhiều vai diễn phức tạp, giằng xé nội tâm, những người đàn bà đa đoan, đau khổ phải hy sinh tình yêu của mình trong cuộc sống. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Ngọc Hiền có nhiều vai chính xuất sắc, sáng tạo, những vai diễn nhớ đời làm các nhà phê bình sân khấu như Từ Lương, Chu Hưng, các đạo diễn như Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Đức Đọc phải mến phục: đó là các vai Vêra trong kịch Masa (kịch Nga, tác giả A. Finôghênốp), bà chủ Klêa trong Con cáo và chùm nho (kịch Brazil, tác giả Fighêirêđô), quận chúa Minford trong Âm mưu và tình yêu (tác giả Friederich Schiller), bà Ánh Chiều trong kịch Lên tiên...

Vêra đất Cảng ảnh 1
Vêra đất Cảng ảnh 2
Vêra đất Cảng ảnh 3
Vêra đất Cảng ảnh 4

NSƯT Ngọc Hiền trong những vai diễn để đời.

Nhà phê bình sân khấu Chu Hưng (bút danh của Lưu Quang Vũ) từng viết: “Tôi đã yêu mến và khâm phục nghệ thuật diễn xuất của Ngọc Hiền. Đó là một diễn viên có sức mạnh nội tâm sâu sắc, thông minh, duyên dáng, uyển chuyển mà đức độ, phóng túng mà nghiêm trang. Những nhân vật mà Ngọc Hiền thể hiện là những phụ nữ có tính cách khác thường, trong những hoàn cảnh đặc biệt (như Vêra, quận chúa Minford, bà chủ Klêa), họ là những người cương nghị, quyết đoán, khi kiêu kỳ lạnh lẽo, lúc nồng cháy mãnh liệt…”.

Nhà phê bình Từ Lương viết: “Có thể nào không chăm chú, say đắm theo dõi chị thể hiện nhân vật quận chúa Minford: con mắt chị không khô, ướt mà sáng long lanh, đôi môi đỏ mọng, thân hình chắc, khỏe đầy đặn, tiếng nói vang đầm ấm và trái tim nồng nhiệt dường như biết nói. Phải chăng trời cho chị những ưu thế ấy để làm nghệ sĩ biểu diễn…”.

Trong vở kịch Con cáo và chùm nho (đạo diễn Nguyễn Đình Nghi), Ngọc Hiền đã thể hiện nội tâm sâu sắc vai Klêa vợ của chủ nô Xantuýt: người đàn bà đẹp, kiêu sa, ngạo mạn, lạnh lẽo mà nồng thắm dịu dàng. Klêa yêu Êdốp, bị từ chối, Klêa sai đánh đập Êdốp để trả thù mà trong lòng đau đớn thương xót.

Cách diễn của Ngọc Hiền giống như lối kiến trúc Hy Lạp cổ đơn giản, có mức độ mà đẹp đẽ, không có một chi tiết thừa, hoàn toàn chinh phục được những khán giả khó tính.

Còn biết bao vai diễn của Ngọc Hiền làm khán giả nhớ mãi đến chị: như bà Công trong vở kịch Trận đấu trong làng, mẹ Hạnh trong Hình và bóng, bà mẹ trong Mùa hoa gạo, bà chủ quán Ánh Chiều trong Lên tiên, vở diễn đến 500 buổi…

Có thể nói ít có diễn viên trong đời nghệ thuật của mình để lại được ấn tượng sâu đậm và nhận được tình cảm đặc biệt của khán giả suốt mấy chục năm như Ngọc Hiền. Chị xứng đáng với những lời khen ngợi, lòng tri ân, mến mộ sâu sắc của người Hải Phòng và cả nước. Người Hải Phòng coi chị là người của mình, người đã chia sẻ những năm tháng đắng cay, ngọt bùi với họ. Năm 1993 chị được nhà nước tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Báo chí, bạn bè, người thân trìu mến gọi chị là “Vêra của đất Cảng”.

Ngọc Hiền sinh năm 1944, con gái một ông giáo đất Bắc Ninh. Mẹ chị là bà Nguyễn Thị Bảo, nghệ nhân hát chèo (chị cả Bảo được các nghệ sĩ chèo Dịu Hương, Hoa Tâm mến phục vì tiếng hát). Năm hai mươi tuổi cô gái Hà Nội Ngọc Hiền trốn gia đình đi thi, đỗ vào khóa I trường Nghệ thuật sân khấu cùng với các bạn học: đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, các NSND Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thế Anh. Doãn Châu... đạo diễn và nhà lý luận Minh Ngọc… Chị ra trường năm 1964 và về Đoàn kịch Hải Phòng cùng người yêu đầu tiên: nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên, gắn bó với đoàn kịch cho đến lúc nghỉ hưu. Chị coi Hải Phòng là quê hương của mình và đã sống trọn đời với tình yêu thành phố hoa phượng đỏ.

Chị là người đa mang, lận đận trong hạnh phúc bởi niềm đam mê nghệ thuật và tính lãng mạn mạnh mẽ của mình. Có lẽ với tình yêu, chị cũng là con người đặc biệt: đã yêu là hy sinh cho người yêu đến quên mình. Chị nói với tôi: “Đau khổ mới nhân ái phải không bạn?” và tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc lớn mà chị cảm nhận được trong cuộc đời nhiều bất trắc của mình.

Từ ngày nghỉ hưu, Ngọc Hiền vẫn không rời sân khấu. Chị tiếp tục tham gia đoàn kịch Sóng Biển, nhận trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật và diễn những vai diễn khó nhất. Chị đi dựng kịch cho các đoàn văn nghệ cơ sở: xí nghiệp, trường học, ở các xã, huyện ngoại thành… Nhiều nơi mời chị làm đạo diễn, cố vấn nghệ thuật, giám khảo các kỳ hội diễn, chị đều có mặt. Chị còn làm chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố, chủ tịch Câu lạc bộ nữ văn nghệ sĩ… Mọi người vẫn nhận thấy nghệ sĩ tài hoa với sức sống mãnh liệt ở chị hôm nay: dịu dàng, tế nhị, nhân ái, bao dung. Chị đã viết về những kỷ niệm trong đời nghệ thuật của mình, viết về những người bạn, những mảnh đất, con người chị đã gặp với sự trân trọng, trìu mến. Hai tập sách Sân khấu và những miền ký ức của chị được xuất bản không làm người đọc ngạc nhiên mà xúc động và thêm yêu mến chị.

Ở tuổi bảy mươi, Ngọc Hiền muốn nghỉ, không tham gia ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật và cả việc làm chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng, nhưng anh em nghệ sĩ lại bảo: “Thôi chị cố làm khóa nữa cho anh em khỏe, để chị cũng vui mà khỏe hơn lên”.

MỚI - NÓNG