Theo Epoch Times, ngoài việc sáng chế ra bóng đèn, máy quay đĩa, và nhiều thiết bị khác, Thomas Edison cũng được cho là người phát minh ra cỗ máy cho phép người chết giao tiếp với người sống.
"Tôi đã làm việc trong một khoảng thời gian dài để xây dựng bộ dụng cụ thí nghiệm khoa học, nhằm xem xét khả năng người chết giao tiếp với chúng ta," tạp chí The American dẫn lời Edison năm 1920.
Mặc dù không có nguyên mẫu hoặc sơ đồ nào từng được phát hiện, tuy nhiên một số người nói rằng Edison truyền đạt thiết kế của mình cho một nhóm các nhà nghiên cứu sau khi ông qua đời.
Trong suốt những năm 1990, cái gọi là "Thí nghiệm Scole" đưa ra nhiều kết quả đáng chú ý về phương tiện vật lý và sự liên lạc với thế giới bên kia, bao gồm thông điệp của Edison (đã qua đời từ lâu) về bản phác thảo chiếc máy giao tiếp với linh hồn.
Bên phải là chữ ký của Thomas Edison khi ông còn sống. Bên trái là chữ ký trên phim được cho là do linh hồn của Thomas Edison viết trong thí nghiệm Scole. Ảnh: This Life, Next Life/YouTube.
David Fontana, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Cardiff, Anh, đồng thời là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu tâm linh (SPR) luôn có mặt trong các buổi làm thí nghiệm tại Scole, một ngôi làng nhỏ ở Norfolk, Anh.
Fontana cho biết, ông là một trong số những nhà nghiên cứu (bao gồm nhiều kỹ sư, nhà toán học, một nhà thiên văn của NASA) đã chứng kiến sự hiện diện bí ẩn của linh hồn thông qua nhiều thí nghiệm. Họ nghe thấy tiếng nói, cảm thấy bàn tay vô hình chạm vào họ, nhìn thấy ánh sáng, và hiện tượng khác.
"Nó giống như một bó que. Bạn có thẻ bẻ gãy một que nhưng khi đặt chúng lại với nhau thành bó, chúng sẽ khó bẻ gãy hơn. Vì vậy, nhiều linh hồn biểu lộ sự xuất hiện cùng lúc, lặp lại nhiều lần theo thời gian, và các căn phòng làm thí nghiệm đều được khám xét, tránh dấu hiệu gian lận," Fontana nói trong bộ phim tài liệu "Kiếp này, kiếp sau."
Fontana cho biết SPR đã thách thức các nhà ảo thuật, thầy phù thủy, và bất kỳ ai khác có thể lặp lại dấu hiệu xuất hiện của linh hồn trong những thí nghiệm Scole. Tuy nhiên, không ai làm được điều này.
Nhóm nghiên cứu lưu giữ cuộn phim chưa phơi sáng trong một hộp kín suốt quá trình làm thí nghiệm. Sau khi mở hộp, họ phát hiện thấy hình ảnh in trên phim được cho là do linh hồn tạo ra. Đây bị cho là cách Edison cung cấp bản thiết kế của mình, bao gồm bản phác thảo chiếc máy có kèm theo hướng dẫn.
Thiết kế chính của cỗ máy giúp nhận lời nhắn từ người đã khuất. Ảnh: Epoch Times.
Khi SPR chế tạo cỗ máy lần đầu, nó không hoạt động. Tuy nhiên sau lần thất bại đầu tiên, một cuộc giao tiếp khác bằng cuộn phim đã thêm hai cuộn dây vào bản thiết kế. Lần này trên cuộn phim còn xuất hiện chữ ký với ba chữ cái là TAE.
Chữ ký trên phim được gửi tới tổ chức Edison Foundation nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào về nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, tổ chức này đã xác nhận nó trùng khớp với chữ ký thật của Edison (TAE là viết tắt 3 chữ cái đầu của Thomas Alva Edison).
Với thiết kế mới, SPR chế tạo thành công cỗ máy giúp họ nhận được một tin nhắn khi họ cắm nó vào bộ khuếch đại, vào tháng Giêng năm 1997. Nhiều người cũng tự chế tạo chiếc máy theo thiết kế này và thử nghiệm nó tại nhà, họ chia sẻ những tập tin thu được về âm thanh, hình ảnh, tinh chỉnh thiết kế trên diễn đàn ITCBridge.com (diễn đàn dành cho các nhà nghiên cứu và người quan tâm đến hiện tượng Instrumental Transcommunication (ITC) - Giao tiếp với linh hồn thông qua máy móc).
Tổ chức quốc tế Physical Mediumship International cung cấp bản thiết kế chính của thiết bị bao gồm: hai cuộn dây, con chip Germanium, bộ khuếch đại (amplifier) và ốc vít điều chỉnh áp lực (Pressure-adjusting screw).
Một người đàn ông chia sẻ trên diễn đàn "Tôi nhận được cụm từ 'Này Mark' từ người phụ nữ nói giọng Mỹ." Một người khác nói anh nghe thấy âm thanh "Welcome-Xin chào" và "Devil Play - Trò đùa ma quỷ."