"Nó hiện đã ở trong một quỹ đạo ổn định. Họ đã kiểm soát được bất ổn", Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói hôm nay.
Tuy nhiên, nó được cho là không truyền được tín hiệu, một nguồn tin khác nói thêm.
Các chuyên gia tên lửa nhận định Triều Tiên dường như không đạt được bước đột phá nào mới mà chỉ lặp lại thành công trước đó khi đưa được vệ tinh vào không gian. Vệ tinh mới nhất có thiết kế gần giống vệ tinh được phóng lên vào năm 2012 và Bình Nhưỡng có thể còn mất nhiều năm nữa mới chế tạo được tên lửa hạt nhân tầm xa.
Triều Tiên hôm 7/2 tuyên bố phóng thành công một vệ tinh quan sát Trái đất. Các nước láng giềng và Mỹ phản ứng gay gắt trước động thái này, lên án đây là một vụ thử tên lửa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với các lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản tối qua và cam kết về sự ủng hộ của Washington đối với hai nước đồng minh, đồng thời kêu gọi quốc tế phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trước vụ phóng tên lửa.
Ông Obama sẽ trao đổi về "những hành động khiêu khích" của Triều Tiên khi ông tiếp đón các lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở California đầu tuần tới.
Mỹ và Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng, cũng đang trao đổi về dự thảo trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên và hy vọng thông qua trong tháng này.
Tuy nhiên, phó đô đốc James Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, cho rằng không thể đánh đồng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên với việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo ông, Triều Tiên chưa bao giờ cố gắng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 mà nước này đang phát triển.
Ông Syring cho hay hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có khả năng chống lại tên lửa mới của Triều Tiên nhờ những cải tiến và số lượng tên lửa đánh chặn trên mặt đất tăng từ 33 lên 44.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng tên lửa 3 tầng, có tên Kwangmyongsong, có tầm phóng 12.000 km, tương tự tên lửa được phóng lên năm 2012 và có khả năng đạt đến lãnh thổ Mỹ.