‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày này, các ngả đường về Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngập tràn sắc cờ, biểu ngữ mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về trong niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ kính yêu.
‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’ ảnh 1

Dòng người về quê Bác trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 132 của Người

Bà Nguyễn Thị Hương (58 tuổi, quê ở Hưng Yên) không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu bà về thăm quê Bác. Lần đầu tiên khi còn học sinh, bà đi theo đoàn của nhà trường. Từ đó đến nay, gần như năm nào bà cũng về quê Bác với lòng thành kính vô hạn. Cảnh vật gần như không thay đổi, vẫn mái nhà tranh đơn sơ khiêm nhường dưới bóng cây, vẫn ao sen ngát hương, vẫn những kỷ vật bình dị, thân thương… nhưng mỗi lần về thăm, bà không kìm được nỗi bồi hồi, xúc động.

“Về đây, tôi thực sự thấy rất đỗi gần gũi và thân quen. Dù đã nhiều lần về thăm quê Bác nhưng mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bâng khuâng, xúc động. Có cảm giác như Bác của chúng ta vẫn còn ở quanh đây, đang dõi theo bước chân hành hương của con cháu khắp mọi miền”, bà Hương tâm sự.

‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’ ảnh 2

Thuyết minh viên kể chuyện về Bác Hồ

Lần thứ hai về thăm quê Bác, ông Hà Văn Quế (76 tuổi), cựu chiến binh đến từ tỉnh Bắc Ninh, thấy trong lòng mình lâng lâng khó tả. Ông bày tỏ lòng thành kính về tâm hồn cao cả, nhân cách, cả một đời hy sinh cho độc lập dân tộc, cho nhân dân; bày tỏ sự ngưỡng mộ lối sống giản dị, gần gũi của Người.

“Tôi thường xuyên kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ và hôm nay tôi trực tiếp đưa các cháu về đây. Từ đó, để con cháu hiểu được nỗi gian truân vất vả và công lao to lớn của Bác Hồ đối với Tổ quốc, dân tộc...”, ông Quế chia sẻ.

‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’ ảnh 3

Dưới mái nhà tranh quê ngoại Hoàng Trù, chị Phùng Thị Hương Giang kể về nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời.

Một đoàn khách hành hương đến từ Hà Nội ghé thăm quê ngoại Hoàng Trù. Được nghe nữ cán bộ thuyết minh giới thiệu về nơi Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi, mọi người chăm chú lắng nghe như ghi khắc từng lời.

“Thưa các anh chị, dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”, giọng kể lúc trầm lúc bổng, đong đầy cảm xúc của chị Phùng Thị Hương Giang, thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên khiến không gian như lắng đọng.

Một người phụ nữ khoảng 50 tuổi chưa kịp lau khô dòng nước mắt, xúc động: “Tự hào lắm. Không thể ngờ từ nơi đây, Bác đã đi đến khắp mọi miền đất nước, bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước, cứu dân... Đến đây, tôi được chạm lên cánh võng tuổi thơ của Người, thực sự rất xúc động”.

‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’ ảnh 4

Các em nhỏ Trường Mầm non Trung Kiên (Hà Tĩnh) nghe kể chuyện về Bác Hồ

Trong số hàng nghìn khách về dâng hương, thăm quê Bác, có đoàn học sinh Trường Mầm non Trung Kiên (Hà Tĩnh). Cô Hà Thị Tuyết - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hằng năm nhà trường đều tổ chức cho các học sinh đến tham quan quê Bác. Đó là phần thưởng sau một năm nỗ lực học tập, nhưng hơn hết là để giáo dục truyền thống, lịch sử cho các em.

Từ những chuyến đi thực tế như vậy, các em học được nhiều điều, từ các câu chuyện, hình ảnh,… Dần dần, hình thành trong các em nhận thức biết trân trọng quá khứ, biết giá trị của hòa bình hôm nay.

‘Về thăm quê Bác lần nào cũng bồi hồi, xúc động’ ảnh 5

Các em nhỏ thích thú chụp ảnh lưu niệm bên mái nhà tranh đơn sơ ở quê Bác

Về Kim Liên, nhiều du khách phương xa đã dành thời gian ghé thăm di tích núi Chung, ngọn núi gắn với những năm tháng tuổi thơ của Bác. Đến từ tỉnh Thái Nguyên, ông Phan Văn Sơn bồi hồi: “Lâu rồi mới có dịp trở lại núi Chung, cảnh vật vẫn giữ được nét nguyên sơ, ngôi đền đã vẽ thêm một nét linh thiêng trên quê Bác. Được về đây vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tôi rất vui và xúc động”.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, cho hay: “Kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, tại khu di tích có chương trình ý nghĩa, đặc sắc như chương trình nghệ thuật: Người mẹ làng Sen; Tiếng hát làng Sen; Triển lãm ảnh về Đời Sen,... Dịp này, có nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước đã về dâng hoa, dâng hương và tham quan quê Bác. Hệ thống các hiện vật và các hoạt động tại khu di tích sẽ giúp bà con nhân dân khắp mọi miền hiểu thêm về công lao, tình cảm của Người”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.