Kết bài thơ, Tố Hữu viết: Đốt nén hương thơm, mát dạ người/ Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!/ Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới/ Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi.
Tháng 3/2021, chúng tôi đã về thăm quê mẹ Tơm ở Hậu Lộc. Nhà tưởng niệm mẹ Tơm như một nhà thờ uy nghi và trang trọng. Chúng tôi dâng hương trước bàn thờ nhưng không có di ảnh. Tiến sĩ Lê Bích Thắng, cùng đi, nói: Giá có ảnh thờ hay tượng thờ thì trọn vẹn!
Theo lời mời của vợ chồng TS Lê Bích Thắng, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Lê Xuân Thảo Công ty Du lịch Hải Tiến, Thanh Hóa, đầu năm 2021, tôi và thầy Vũ Ngọc Chinh, trụ trì đền thờ Đức Thánh Cả Hậu Lộc, cùng đến viếng thăm nhà Lưu niệm mẹ Tơm ở xã Đa Lộc, Hậu Lộc Thanh Hóa.
Thầy Vũ Ngọc Chinh là người địa phương đây và Đền thờ Đức Thánh Cả chỉ cách nhà mẹ Tơm khoảng 1 km. Còn vợ chồng TS Lê Bích Thắng và TS Lê Xuân Thảo là những người nhiều lần đến dâng hương ở nhà mẹ Tơm và ông bà Thảo, Thắng còn là những người đã có nhiều công để tôn tạo và xây dựng đền Đức Thánh Cả. Nhưng tôi thì lần đầu tiên đến Đa Lộc cho nên rất háo hức và ngỡ ngàng.
Mẹ Tơm (Tơm là tên con. Tên thật của mẹ là Nguyễn Thị Quyển. Mẹ sinh năm 1880 và mất ngày 10/5/1953). Mẹ Tơm quê ở làng cũ Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Mẹ Tơm và những người thân trong gia đình đã có công nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ của Đảng như: Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt... trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX. Năm 1961, túp lều tranh của mẹ Tơm bị bão lụt làm sập hoàn toàn. Con cháu của mẹ đã dựng lại ngôi nhà khác, kiên cố hơn chút. Ghi nhận đóng góp của mẹ, Đảng, Nhà nước đã tặng Bằng có công với nước, công nhận thiết chế vật chất của gia đình là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Tri ân những người có công với nước, đầu năm 2011, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng huyện Hậu Lộc đã khởi dựng nhà lưu niệm di tích lịch sử cách mạng của gia đình bà Nguyễn Thị Quyển (tức mẹ Tơm) nhằm phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống lịch sử cho cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhà lưu niệm đã được xây dựng đẹp và trang nghiêm như một nhà thờ. Mái lợp ngói đỏ, cột gỗ lim lên nước thời gian. Bàn thờ mẹ Tơm được đặt giữa ban thờ. Bên phải ban thờ, trên tường là bài thơ mẹ Tơm được viết tràn nửa bức tường. Ai đến có thể chụp ảnh hay đọc lại bài thơ nổi tiếng cách đây hơn nửa thế kỷ. Những tấm ảnh chụp nhà thơ Tố Hữu đến viếng mẹ Tơm năm xưa được treo trên tường trang trọng. Đặc biệt, trong ngôi nhà này còn lưu giữ bộ đồ nghề cắt tóc mà hai người con của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu đã sử dụng để đi cắt tóc dạo lấy tiền mua gạo mua khoai nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Trong bài thơ mẹ Tơm, Tố Hữu viết: Hai đứa trai ngày đi cúp dạo/ Nồi khoai sớm tối lót thay cơm... Thương người cộng sản, căm Tây Nhật/Buồng mẹ - Buồng tim, giấu chúng con.
Tố Hữu về thăm nhà mẹ Tơm. Người xưa đã khuất rồi |
Biển công nhận khu di tích nhà mẹ Tơm |
Chúng tôi thắp hương trên ban thờ. Mọi người cúi đầu làm lễ trong không khí trang nghiêm và tôn kính. Nhưng, trong lòng tôi, một trăn trở dâng trào. Mẹ Tơm, một người Mẹ Việt Nam, người đã từng nuôi giấu những cán bộ của Đảng: Tố Hữu, Lê Tất Đắc... Những câu thơ Tố Hữu xưa tôi đã thuộc lòng: Nhưng một đêm mưa,ướt bãi Cồn/ Lính về lính trói cả hai con/ Máu con đỏ thắm đường thôn lạnh/ Bóng mẹ ngồi trông vọng nước non. (Mẹ Tơm-Tố Hữu).
Tình cảm tôn kính dâng lên trong tôi. Nhà tưởng niệm đã đẹp, Ban thờ đã tôn nghiêm, trang trọng, nhưng ảnh thờ thì không có. Cái khoảng trống này cũng không trách được các cụ. Ngày xưa, hàng thế kỷ trước, nông thôn nghèo, làm gì có ảnh chụp mà làm ảnh thờ. Mặt khác, thời ấy, chụp ảnh là cái sự hiếm. Cả huyện may ra mới có được một hiệu chụp ảnh. Trách cái nghèo nàn xưa thôi. Nhưng bây giờ, khấm khá hơn. Những nhà thờ tươm tất hơn. Người ta chú ý đến những người có công với nước. Những liệt sĩ đã hy sinh vì dân vì nước đã được tôn vinh. Gia đình họ được chu cấp đầy đủ. Nhưng với nơi tôn thờ mẹ Tơm, liên quan đến Tố Hữu và những nhà hoạt động cách mạng khác, tôi vẫn như thấy thiếu khuyết một cái gì đó. Không có ảnh thờ nhưng nếu có tượng thờ (Dù tượng thờ có tính chất tượng trưng) vẫn thể hiện sự tôn kính. Tôi bị ám ảnh trong đầu suốt dọc đường tôi về Hà Nội trăn trở ấy.
Toàn cảnh nhà thờ mẹ Tơm ảnh gia đình cung cấp |
Đầu tháng 7/2022, đại gia đình tôi (gia đình tôi và gia đình các em tôi) đã về viếng thăm Đền thờ Đức Thánh Cả và nhà tưởng niệm mẹ Tơm. Lần này, chúng tôi đã dâng hương cả trên mộ mẹ Tơm. Khu lăng mộ chỉ cách nhà tưởng niệm khoảng 50 mét, được xây khang trang và mới khánh thành một vài tháng đầu năm 2022. Lăng mộ mẹ Tơm rộng đến hàng mẫu đất. Hai ngôi mộ mẹ Tơm và cụ ông được xây trang trọng vuông vắn, cao ráo ở phía Bắc lăng mộ. Tường bao quanh bằng đá tự nhiên có chạm khắc tinh vi.
Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của người xưa có công với nước thế là mãn nguyện. Anh Đặng Quang Trung, chủ tịch Hội cựu chiến binh và Thanh niên xung phong xã Đa Lộc, người dẫn đường cho chúng tôi, nói: Chị Tuyến, người xã Đa Lộc là một doanh nhân thành đạt, làm ăn và sinh sống ở TPHCM, đã cùng con cháu mẹ Tơm cung tiến để xây dựng khu lăng mộ mẹ. Tôi biết chị Tuyến là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018 khi tôi được cùng bác Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội về thăm bà con Thanh Hóa tại TPHCM.
Khu lưu niệm Mẹ Tơm, đã có nhiều việc làm thành kính nhưng tôi nghĩ địa phương nên tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khu lưu niệm. Trước mắt là tượng thờ, rồi đường vào, biển đề, người giới thiệu... để có thể trở thành khu du lịch tâm linh và du lịch truyền thống.
Nên chăng có một tượng bán thân hoặc di ảnh mẹ để thờ. Mẹ Tơm người thật, việc thật gắn với bài thơ nổi tiếng mang tên mẹ Tơm của Tố Hữu làm nên một biểu tượng văn hóa của Văn hóa xứ Thanh ở miền đất Hậu Lộc anh hùng. Nên có tượng mẹ Tơm? Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi nhiều hơn trong lần thứ hai tôi về lại Đa Lộc. Bao giờ và bằng cách nào? Anh Lê Trung Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung Phong Thanh Hóa, quê Hậu Lộc, mỗi lần nói về mẹ Tơm, lại đọc cho tôi nghe những câu thơ gan ruột: Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/ Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết hòa trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời.
Anh Sơn cứ nhắc lại câu thơ người ta viết trên tường: Sống trong cát, chết vùi trong cát, anh đã yêu cầu viết lại: Sống trong cát chết hòa trong cát. Câu thơ ấy đã sửa rồi nhưng tượng mẹ Tơm thì vẫn chưa có. Nếu có tượng thì vẫn tốt hơn.
Hà Nội, 16/8/2022