Hơn 40 năm hoạt động, Đinh Chương Dương đã đi khắp nước Việt, sang Campuchia, Trung Quốc, thành lập và tham gia trong nhiều tổ chức yêu nước ở Thanh Hóa, Nam Định, vận động phú hào lục tỉnh Nam bộ góp vốn phát triển nông nghiệp, chấn hưng công nghiệp, vận động thanh niên du học mở mang dân trí...
Từ biệt làng Y Bích nơi cửa Lạch Trường (nay thuộc Hải Lộc, có thời điểm thuộc xã Đa Lộc của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dấn thân vào việc quốc sự từ hồi rất trẻ; người trai làng Đinh Chương Dương đã sống một đời sôi động mà nhiều việc, sự kiện như nhuốm huyền thoại. Rất giỏi võ. Từng khinh công múa võ trên chiếc chiếu trải ở mặt sông. Lần lượt nếm trải mùi tù ngục trong nhiều đề lao của Pháp. Từng bị đòn tra ác nghiệt. Chính quyền thuộc địa ngán ông. Có lần ông bị nhọt ở chân, giám thị nhà tù đã nhờ bác sĩ Pháp cắt luôn gân chân ông. Một lần khác, ông đau bụng, bác sĩ cắt béng một khúc ruột dài.
Ra tù trong tình trạng ốm yếu, ông nhờ các đồng chí cáng ông đi hoạt động.
Đinh Chương Dương đã trải qua ba hệ ý thức tư tưởng: Thời kỳ đầu là tư tưởng của các sĩ phu yêu nước, thời kỳ thứ hai là theo tư tưởng quốc gia của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Từng là một yếu nhân của phong trào Quốc dân đảng. Mãi đến năm 1943, gặp được Nguyễn Ái Quốc ở Liễu Châu cụ Đinh Chương Dương mới gặp được tư tưởng cộng sản.
Buổi sơ kiến giữa Hồ Chí Minh và Đinh Chương Dương chưa thấy tài liệu nào đề cập. Nhưng chính sử còn lưu lại một sự kiện.
Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết bài thơ.
Tặng cụ Đinh Chương Dương
“Quan san muôn dặm gặp nhau đây,
Mục đích chung là đuổi Nhật, Tây.
Dân bị hai tròng vào một cổ,
Ta liều trăm đắng với ngàn cay.
Già dù yếu sức mang mang nhẹ,
Trẻ cố ra công gánh gánh đầy.
Non nước của ta ta lấy lại,
Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây”.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.468)
Nguyên ủy bài thơ tặng của Hồ Chí Minh từ việc cụ Đinh Chương Dương do cảm phục Nguyễn Ái Quốc đã bộc bạch nỗi nhục mất nước bằng bài thơ.
Tang bồng nghĩa dặm chí nam nhi Tai mắt cùng nhau chẳng khác chi. Sương tuyết chạy qua cầu thệ thủy, Gió mưa ngồi rủ điếm tà huy. Ô hay! Tạo cũng cay chua lắm, Không lẽ mình xưa tội vạ gì! Nước có ta, thì ta có nước, Nước non ước hẹn cứ đi đi.
Cửa biển Lạch Trường khi nước triều lên |
Ngược thêm chút thời gian, giữa năm 1924, Đinh Chương Dương bố trí đưa một số thanh niên yêu nước, tiến bộ của Thanh Hoá sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia tổ chức Tâm tâm xã. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Trung Quốc hoạt động đã tập hợp một số thanh niên tiến bộ trong tổ chức Tâm tâm xã để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Đinh Chương Dương gia nhập tổ chức mới (1927), nhận nhiệm vụ đưa đón thanh niên học sinh trong nước sang Quảng Châu và từ Quảng Châu về nước. Trong hồi ký Tháng Tám cờ bay của Vũ Đình Huỳnh, nguyên thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có vài chi tiết thấp thoáng.
Cụ Lang Thanh (cụ Đinh Chương Dương vốn lắm tài, thạo cả việc chữa bệnh thuốc thang) nên có tên là ông Lang Thanh. Trước đó cụ chuyên đi dạy học nên có cái tên ông Đồ Lung. Người dong dỏng cao, đi cà nhắc, gương mặt dài với đường nét phân minh, nhưng khắc khổ, đôi mắt sáng mà cái nhìn lại hiền.
Buổi diễn ra sự kiện quần chúng mít tinh ở Bắc bộ phủ. Cụ Lang Thanh tức vị lão thành Đinh Chương Dương đã chống gậy tập tễnh đến. Thoáng thấy cụ, Hồ Chí Minh đã lật đật chạy xuống. Một hình ảnh cảm động nhiều người tận mắt chứng kiến.
Chùa Vích |
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Đinh Chương Dương là đại biểu Quốc hội khoá I trong số 70 đại biểu không qua bầu cử. Sau năm 1954, vì già yếu, cụ về an dưỡng tại Hà Đông và mất năm 1972.
Không chỉ hoạt động cách mạng nhiệt huyết, sôi nổi, Đinh Chương Dương còn giác ngộ cho vợ và các con của mình tham gia hoạt động cách mạng. Cụ bà Đinh Chương Dương cũng hội tụ đầy đủ phẩm chất của một bực nữ lưu!
Lịch sử Đảng Cộng sản Thanh Hóa có ghi bà Nguyễn Thị Muội sinh ra ở làng thôn Y Bích, xã Hải Lộc. Rồi bà thành vợ của nhà cách mạng Đinh Chương Dương, theo chồng và các con tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp. Một mình bà sớm khuya tảo tần, cấy lúa, trồng khoai, mò cua, bắt tép, bán muối lấy tiền; không chỉ nuôi bố mẹ chồng, nuôi con khôn lớn, tham gia hoạt động cách mạng, mà còn che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cộng sản, như: Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Xung Phong... Những lần chồng, con bị giam cầm ở nhà lao Thanh Hóa, bà cơm đùm cơm nắm tiếp tế, chuyển tài liệu, giữ mối liên hệ giữa chồng con với tổ chức ở bên ngoài.
Tổng đốc Thanh Hóa, tri huyện Hậu Lộc nhiều lần cho lính về khám xét nhà, bắt, tra khảo, tịch thu tài sản nhà bà. Ở địa phương, bọn quan lại luôn rình mò, theo dõi, o ép, đe dọa, nhưng tất cả đều không lay chuyển được ý chí của bà.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà tiếp tục vận động 5 cháu nội, ngoại lên đường kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...
Viết đến đây phải mở thêm cái ngoặc. Như thế, người vợ hiền của chí sĩ Đinh Chương Dương có nhiều con cháu, nội ngoại. Nhưng về hỏi khắp Đa Lộc lẫn Hải Lộc, không ai biết con cháu cụ Đinh Chương Dương hiện giờ ở đâu?
Sau đó, tôi có nhờ ông Nguyên Hồng, GĐ Sở Văn hóa Thanh Hóa và mấy vị bên ngành Sử của tỉnh dò tìm hộ. Nhưng một thời gian sau vẫn chưa có hồi âm, kết quả.
Năm 1942, các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc vượt ngục từ nhà lao Đắc Tô về Thanh Hóa hoạt động đã tìm đến nhà cụ Đinh Chương Dương ở gần một tháng. Ở lâu sợ lộ vì nhà đang bị địch theo dõi ráo riết. Đinh Chương Phượng - con trai nhà cách mạng Đinh Chương Dương đã bố trí đưa các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc về nhà mẹ Tơm.
Cũng cần nói thêm, nhà cách mạng Đinh Chương Dương còn là một nhà văn hóa tầm cỡ. Yêu thơ văn, thuộc nhiều thơ cổ điển. Cụ đã sáng tác gần 100 bài thơ về đề tài cách mạng, quê hương đất nước, tố cáo tội ác thực dân phong kiến. Di cảo thơ văn của cụ hiện chắc còn tản mát. Đang rất cần công phu sưu tầm, chỉnh lý. Hiện dân vùng này vẫn tấm tắc về giai thoại cụ Đinh từng biểu diễn múa quyền trên chiếc… chiếu thả nổi trên mặt sông; chuyện Đồ Lung qua sông Lạch Trường bằng khinh công.
Có việc hi hữu là một môn phái của Việt võ đạo (Vovinam) đã tìm về quê Hải Lộc. Họ đã làm cái việc tôn vinh cụ Đinh Chương Dương - một trong những người khởi xướng và đề ra phong trào Tâm - Thân (luyện thân - điều tâm) là chủ thuyết chính của Vovinam phát triển sau này.
Tên cụ Đinh Chương Dương đã được đặt cho một trường cấp 3 ở Hậu Lộc, tên một đường phố ở phường Ba Đình - Tp Thanh Hóa và một con đường ở Củ Chi – TP Hồ Chí Minh.
***
Bâng khuâng cùng chút nuối tiếc về một cửa bể với sự có mặt của con người từ ba ngàn năm trước mà hậu thế chưa giải mã rốt ráo được bao lăm? Như dấu tích cây đèn đồng Lạch Trường, một hiện vật khảo cổ quý hiếm - vừa là đèn, vừa là tượng người đàn ông quỳ, do nhà khảo cổ Thụy Điển O. Janse phát hiện từ năm 1935 khi khai quật các ngôi mộ cổ ở vùng cửa sông này. Cây đèn có niên đại đầu công nguyên, một bảo vật quý cùng với trống đồng, tạo thêm bản sắc độc đáo cho văn hóa Đông Sơn. Năm 1380, Hồ Quý Ly đã từng sai đóng cọc nơi đây để đánh trả quân Chiêm Thành. Vua Lê Thánh Tông đã từng qua Lạch Trường, có áng thơ Linh Trường Hải Khẩu như một điềm triệu về một vùng đất địa linh.
Chưa tìm được chốn hương hỏa cụ Đinh thì chúng tôi ghé ngôi chùa làng. Chùa Vích là gọi nôm. Tên chữ là Bích Tiên tự tọa lạc sát dòng sông kênh De uốn khúc tại thôn Vích xã Hải Lộc – Hậu Lộc – Thanh Hóa. Chùa được xây từ đời nhà Trần (Trần Thái Tông) qua nhiều lần tu tạo mới được khang trang như bây giờ.
Độc đáo từ thuở dựng Bích Tiên tự, chùa được xây từ 928 chiếc tiểu sành cổ. Trong chùa hiện còn 27 pho tượng cổ, tạo tác mang nhiều nét dân gian, sống động; hai tấm bia đá thời Lê với những hoạ tiết, hoa văn sắc sảo; trước chùa có trụ đá đề bài thơ “Thiên đài trụ”, chuông đồng nặng một tấn. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý giá, như sắc phong, câu đối, đồ thờ cổ.
Những năm xa, nhà cách mạng Đinh Chương Dương ẩn ở ngôi chùa này hoạt động bí mật. Từ 1936 đến 1938, chùa Vích là nơi ở, che giấu các nhà hoạt động cách mạng, các cán bộ chủ chốt của Đảng về hoạt động bí mật như Lê Chủ, Bùi Đạt, Tố Hữu, Trịnh Hồng Quế…
Chùa Vích còn là nơi tổ chức hội nghị thành lập hội hiến, hội hỉ, hội lợp nhà, tổ chức quyên góp giúp đỡ cách mạng, là nơi in ấn cất giữ tài liệu quan trọng của cách mạng…
Chùa Vích được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2009 ghi nhận những giá trị về di tích Phật giáo về địa lý, lịch sử, văn hóa của vùng văn hóa Lạch Trường.