Kỳ 1: Ngược thời gian
Kể từ khi khai mỏ đến nay đã 15 năm, mọi hoạt động kinh tế dân sinh trong vùng gần như đình trệ. Các địa phương trong vùng mỏ tụt hậu về mọi mặt. Sự đổi đời của cư dân vùng mỏ chưa thấy đâu, nhưng sự thấp thỏm lo âu lại hiện hữu từng ngày, từng giờ. Câu hỏi về số phận của mỏ sắt Thạch Khê vẫn để ngỏ.
Thiếu những dữ liệu khoa học quan trọng
Sau khi phát hiện mỏ sắt Thạch Khê, các chuyên gia Liên Xô cùng Việt Nam đã tiến hành khoan 43.000m thăm dò địa chất, qua đó xác định mỏ có trữ lượng 544 triệu tấn, hàm lương sắt (Fe) cao (61,39%), nhưng hàm lượng kẽm (Ze) quá cao (xấp xỉ 0,07%). Mỏ có chiều dài thân quặng 3,5km, chiều ngang 700m. Mong mỏ cách mép nước biển 300m, cách sông Rào Cái trên 2 km. Vỉa quặng ở độ sâu -8m đến -750m so với mặt nước biển.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Tại sao chưa tiến hành khoan thăm dò địa chất về nước ngầm theo khuyến cáo nhiều lần của các chuyên gia nước ngoài mà đã lập dự án tiền khả thi và dự án khả thi? Chưa thiết kế kỹ thuật và chưa xác định rõ việc khai thác, chế biến, thị trường tiêu thụ đã triển khai bóc đất tầng phủ?
Những năm sau đó, Viện khai thác mỏ GIPRURUD của thành phố Santptrsbure (Nga) và đối tác Ucraina phố hợp lập dự án xây dựng nhà máy luyện cán thép có công suất 1,5 đến 2 triệu tấn năm, sử dụng quặng của mỏ sắt Thạch Khê nhưng bất thành vì sự biến động ở Liên Xô (cũ). Tiếp đến là các công ty của Đức, Mỹ, Nhật, Úc…vào khảo sát. Trong đó, công ty của Đức khoan thăm dò 3.000m, lấy quặng về nước để đánh giá, phân tích, phát hiện trong quặng có hàm lượng kẽm (Ze) = 0,07%. Họ cho rằng hàm lượng kẽm như trên không tương thích cho các lò cao ở châu Âu (0,01%) nên họ dừng lại.
Dự án đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 tại khu mỏ |
Đầu năm 2001, Tổng Công ty thép Việt Nam chủ động phối hợp cùng các chuyên gia và đối tác Nga hợp đồng lập báo cáo tiền khả thi dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Phía Nga đề nghị Việt Nam cung cấp hoặc cùng phối hợp khoan thăm dò nước ngầm và thăm dò địa chất để có số liệu cụ thể, nhưng cho đến khi dự án khả thi được phê duyệt, vẫn sử dụng số liệu của các đối tác Nga và Đức (vốn chỉ phục vụ cho việc đánh giá trữ lượng và chất lượng quặng), chưa có số liệu khoan thăm dò nước ngầm và địa chất trong khu vực mỏ.
Nguy cơ về một thảm hoạ môi trường
Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê được thành lập và xây dựng Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 30%, vốn vay 70%, được phân thành 2 giai đoạn. Công nghệ khai thác lộ thiên, vận tải trực tiếp và đổ thải ngoài mong mỏ (đất liền và lấn biển). Công suất khai thác 7 năm (giai đoạn 1) là 5 triệu tấn/năm, độ sâu -145m; giai đoạn 2 từ năm thứ 8 trở đi là 10 triệu tấn/năm, độ sâu -550m.
Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm. Tổng diện tích sử dụng đất là 4.812 ha, bao gồm đất liền và lấn biển. Công ty TIC đã ký hợp đồng thuê đất 552 ha. Có 24 xã của 4 huyện, thành phố (nay còn 22 xã sau sáp nhập) ảnh hưởng với hơn 37.000 hộ, gần 135.000 nhân khẩu, lao động trong độ tuổi hơn 82.000 người. Trong đó, bị ảnh hưởng trực tiếp 6 xã (nay sáp nhập còn 5 xã) với gần 7.000 hộ, hơn 27.000 khẩu, trong độ tuổi lao động gần 16.000 người.
Bãi thải đất tầng phủ cao 50-60m bị xói mòn, trôi chảy xuống lấp ruộng đồng của người dân |
Đến tháng 8/2011 (thời điểm có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng dự án), Công ty đã bóc đất tầng phủ được 12,7 triệu m3, ở độ sâu -34m và thu về 3.000 tấn quặng sắt phát lộ ở độ sâu -8m và -22m. Cùng với việc bóc đất tầng phủ, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác mỏ cũng được triển khai, như: bồi thường và bàn giao đất cho Công ty TIC 532ha ở khu vực bãi thải, 73 ha xây dựng các khu tái định cư, hoàn thành kiểm đếm, áp giá 304 ha. Đã chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng 132 tỷ đồng; quy hoạch, thi công 19 khu tái định cư và các nghĩa trang, đường giao thông. Theo báo cáo của Công ty TIC, tổng chi phí đã đầu tư là hơn 1.983 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng, tái định cư và đào tạo nghề hơn 429 tỷ đồng.
Kể từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng các hoạt động mỏ sắt Thạch Khê (8/2011) cho đến nay, dự án gần như bị “đóng băng”, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ mà người dân vùng mỏ phải gánh chịu. Nỗi khổ của người dân không dừng lại ở việc tụt hậu về kinh tế, mà còn là chất lượng cuộc sống, bởi ô nhiễm môi trường đến từ những núi cát nhân tạo lộ thiên.
“Việc dừng hay tiếp tục khai thác mỏ cần có quyết định sớm và kịp thời trên cơ sở khoa học. Không thể để một vùng quê vốn đã nghèo khó, nay phải chịu sự thiệt thòi và tụt hậu hàng thập kỷ về mọi mặt do không được quy hoạch, không được đầu tư phát triển” - ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói.
Nhân dân và nhiều cán bộ cơ sở đều có chung quan điểm: Mặc dù quy mô của dự án chưa đến mức trình Quốc hội quyết định, nhưng những yếu tố tác động về môi trường không thể xem thường. Vỉa mỏ chỉ cách mép nước biển 300m, cách trung tâm thành phố 5,5 km, cách sông Rào Cái hơn 2 km. Khai thác quặng ở độ sâu -550m, kéo dài hơn 5 thập kỷ trong điều kiện khí hậu trái đất biến đổi thất thường, lũ lụt, sóng thần... liệu có đảm bảo an toàn?
Trận lũ lụt năm 1989 đã cuốn trôi hơn 10 km tuyến đê Hữu Phủ đi qua 5 xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Lạc, Tượng Sơn nằm ở phía Tây khu mỏ là một minh chứng không thể xem thường. Mỏ khai thác đến độ sâu -550m, đất đổ thành những ngọn núi cao gần 100m thì sa mạc hóa là điều đã trông thấy, không chỉ dừng lại ở các xã trong khu mỏ mà sẽ ảnh hưởng đến 3 huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Thành phố Hà Tĩnh.
(Còn nữa)