Về cõi âm ôm theo nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu

Ông Trịnh Tiến và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Trịnh Tiến và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TPO - Sáng mồng 7 tháng Giêng, lấn bấn bao thứ của buổi khai mạc Triển lãm cá nhân Người thổi sáo, nhà văn Nguyễn Quang Thiều Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng kịp ngỏ cho tôi cái tin buồn. Ông Trịnh Tiến, con trai ông hoàng thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính vừa mất!

Nhà tư sản dân tộc Trịnh Đình Kính sinh năm 1886 quê làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai.

 Năm mười tuổi, cậu bé Kính rời đất Thanh Oai lên Hà Nội kiếm sống gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ. Có một ông chủ người Hoa đã sớm  thấy được sự khéo léo, thông minh và trung thực của cậu bé. Ông đã nhận cậu làm con nuôi và truyền nghề cho.

Dần dà, qua người bố nuôi, anh thợ Trịnh Đình Kính nắm trong tay những ngón nghề trong đó có bí quyết làm thủy tinh thời đó. Từ đắp lò nấu, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi và bí quyết pha màu.  Sản phẩm công ty mang tên Thanh Đức của ông Trịnh Đình Kính khá nổi tiếng.

Đại chiến thế giới lần thứ I nổ ra, con đường chuyên chở sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt. Nhờ cơ ấy, sản phẩm thủy tinh của người Việt đã lập tức chiếm vị trí trang trọng trong nhà Gô-đa ở Hà Nội. Nhà Gô-đa lúc đó được coi là siêu thị đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp quản lý.  Gô-đa hợp đồng nhận hàng của Thanh Đức bởi sản phẩm không thua kém hàng Pháp quốc, không bị rạn vỡ trong môi trường nhiệt độ khác nhau. Sản phảm Thanh Đức  được dán tem Gô- đa và bày bán khắp thị trường Đông Dương.

Ngoài việc sáng chế thủy tinh màu cao cấp, ông Kính còn là người đầu tiên ở xứ Đông Dương đã chế ra máy vẽ hoa văn trên thủy tinh và công nghệ gọt thủy tinh. Và ông  được Vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh. 16 lần, Thanh Đức được tặng Huy chương Vàng Hội chợ Đông Dương. Báo chí Pháp gọi ông Kính là ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Cuốn Vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương (xuất bản năm 1943) viết nhiều về ông hoàng cùng nhiều mặt hàng thủy tinh.

Cách mạng tháng Tám, nhà tư sản Trịnh Đình Kính ngỏ lòng ngay sự hằng tâm hằng sản với cách mạng. Ông ủng hộ hai vạn đồng Đông Dương và hàng tấn gạo gạo cứu đói. Hăng hái tham gia Tuần lễ vàng. Ông bê một hộp đồ trang sức vài kí lô với hơn trăm cây vàng lá để ủng hộ Cách mạng. Ngôi nhà của ông ở 65 Hàng Bồ Hà Nội đã trở thành nơi ăn ở cho nhiều đại biểu Quốc hội khóa I khi ấy.  Năm 1947, Pháp bắt ông giam nhiều ngày trong Hỏa Lò vì tội ủng hộ Việt Minh.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Trịnh Đình Kính giàu có đã về Đôn Thư dựng lên ngôi nhà thờ các chúa Trịnh  với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn có tên là Trịnh Gia Thế Miếu ( TGTM) Ngôi thế miếu nguy nga nhưng duyên dáng nằm giữa làng Đôn Thư nay thuộc xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội.

Về cõi âm ôm theo nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu ảnh 1 Ông hoàng thủy tinh Đông Dương và ngôi Trịnh Gia Thế Miếu

Sau này, giới kiến trúc và sử học đã đồng thuận coi TGTM ( được Hà Nội xếp hạng di tích) là loại hình kiến trúc ít gặp ở nước ta. Ngôi TGTM bề thế nổi trội ở làng Đôn Thư sau 1954 đã trở thành nơi công quyền, Trụ sở làm việc chính của Ủy Ban Hành chính huyện Thanh Oai sau thỏa thuận giữa những nhà chức việc với nhà tư sản Trịnh Đình Kính.  Thỏa thuận rằng, huyện mượn tạm ít năm, sau khi xây xong Trụ sở huyện sẽ trả. Nhưng rồi việc xây Trụ sở huyện đã hoàn tất nhưng việc trả lại không diễn ra. Đã thế huyện lại giao TGTM cho xã Kim Thư tiếp tục dùng làm Trụ sở UB xã!

Nhà tư sản, ông hoàng thủy tinh Đông Dương sau cải tạo gia sản đã sạch bách, đời sống cả nhà cùng quẫn, ở quê nhà lại có cơ mất nốt ngôi thờ tự tiên tổ đã mạnh dạn đâm đơn đi khắp các nơi kêu cứu.

Kêu thì cứ kêu, chẳng có một hồi âm! Trước khi nhắm mắt về với tiên tổ, cụ Kính dặn các con phải kiên trì đòi bằng được TGTM.

Cũng phải mở thêm cái ngoặc. Ông Trịnh Tiến như nhân chứng của Hà Nội một thời. Cái thời đại quân ta từ chiến khu kéo về Thủ đô tiếp quản.  Mãi sau này có một cuộc triển lãm ảnh ghi lại  những ngày nổi sôi tưng bừng ấy. Triển lãm ảnh khá độc đáo là 36 phố phường Hà thành mỗi phố, mỗi phường có một cổng chào mà lạ không có cổng chào nào giống cái cổng chào nào. Cổng chào như một thứ Khải Hoàn Môn được dựng lên để chào mừng đại quân. 5 tay máy Hà Nội khi ấy trong đó có Trịnh Tiến đã góp những tấm hình đen trắng về các loại cổng chào Hà Nội thời điểm những ngày tháng Mười năm 1954!

Lại cũng là người kém may mắn.  Cạy cục xin vào một đoàn làm phim nhưng chỉ được giữ chân sai vặt. Tham gia phụ quay phim "Vợ chồng A Phủ", đang quay thì hết phim, Tiến phải đi lấy bản nối phim cho đoàn. Đi bằng ngựa nhưng vớ phải con ngựa bất kham, hất người cưỡi xuống và đá vào mắt. Tiến đã mất 2 năm trời chữa chạy nhưng con mắt đó hiện nay cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Đứt mộng quay phim. Trịnh Tiến tiếp tục cái đam mê chụp ảnh. Ông chuyên chụp ảnh cho khách vãn Hồ Hoàn Kiếm để kiếm sống những năm đầu 60.

Ai rủ đi chụp ảnh, Tiến cũng đi. Cánh bạn hữu nhiều người làm văn sử đã rủ rê chéo kéo Tiến. Nhà sử học Dương Trung Quốc là bạn hữu và Trịnh Tiến là cộng tác viên ruột mảng ảnh của Xưa& Nay. Tích cóp mãi nhờ vậy mà hiện ông  đang sở hữu một kho tư liệu ảnh vô giá.

Bấn bíu tất tả mưu sinh cùng chia lòng chia trí niềm đam mê về ảnh, nhưng ở tuổi 80, sức lực đã chẳng còn mấy nả, ông Trịnh Tiến vẫn không nguôi niềm đau đáu mấy chục năm nay đòi lại TGTM!     Hàng gánh đơn là cách nói của ông Tiến chỉ cái công sức kiên trì, nhẫn nhịn hằng bao năm của các thành viên họ Trịnh, hậu duệ cụ Kính kêu lên các cấp.

Những xấp đơn từ do họ Trịnh ở Đôn Thư ủy quyền cho ông đứng đơn vẫn phải nhọc nhằn lần gửi đi.

Cái lần cách đây không lâu, ông Trịnh Tiến ốm nặng. Bên giường một con bệnh trọng, tôi cố trấn tĩnh trước những nhịp thở nặng nhọc của ông Tiến.  Ngậm ngùi bởi mấy lần bắt gặp chứng kiến những nét hân hoan khi dạo ấy ông liên tiếp ngỏ cho tôi cái tin mừng! Rằng  ông Trịnh Hưng, Chủ tịch tộc Trịnh Việt Nam và nhà sử học kiêm ĐBQH Dương Trung Quốc đã đứng đơn gửi ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội việc trả lại TGTM. May mắn thay đã có hồi âm. Ông Bí thư Thành ủy đã chỉ thị cho UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở văn hóa giải quyết vấn đề này. Sau đó Sở văn hóa đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng của huyện như Văn hóa thông tin, Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường UB xã Kim Thư và đại diện dòng họ Trịnh phối hợp với Sở văn hóa để giải quyết. Lại ấn định thời gian thực hiện là từ ngày 25-6-2019 đến ngày 5-7-2019.

Và bây giờ đã cạn đã quá lẩu lâu cái thời hạn gần 1 năm ấy. Mọi sự vẫn tuyệt vô âm tín! Thấy có điều chi đó khủng khiếp lẫn vô vọng khi cuối buổi thăm, ông Tiến phều phào nhắc một người cháu tin cẩn rằng thế đã tiếp tục gửi đơn cho ông Tân Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chưa?

Cũng nói thêm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Nhóm Nhân Sĩ Hà Đông là chỗ quen biết lâu nay với ông Trịnh Tiến. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng có những trang viết rất bắt mắt về người con trai ông hoàng thủy tinh Đông Dương Trịnh Tiến này. Và trước đó, do độc quyền được mảng tư liệu mà Thiều viết rất kỹ và khá thành công về người chị ruột của ông Tiến.

Đó là Hannah Hà Nội Trịnh Thị Ngọ. Hannah là cái tên lính Mỹ dùng để gọi người con gái ông hoàng thủy tinh Đông Dương. Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Đừng nghe con mẹ phù thủy Hannah. Đó là nguyên văn câu trên tờ Sao và Vạch khuyến cáo lính Mỹ ở chiến trường VN như thế! Con mẹ phù thủy ấy chính là phát thanh viên  Đài TNVN Trịnh Thị Ngọ,  biệt hiệu là Thu Hương. Hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ gọi là Hanal có giọng nói chuẩn xác ngọt ngào được binh sĩ Mỹ rất ưa thích! Nguyễn Quang Thiều cũng từng có những trang viết về ông Tiến về hai chị em những ngày thất thểu tờ đơn đòi lại TGTM.

Về cõi âm ôm theo nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu ảnh 2 Hai chị em Trịnh Thị Ngọ Hanah Hanoi và Trịnh Tiến.

Cuối năm 1989, dịp dự Lễ kỷ niệm 30 năm Cục địch vận Quân đội nhân dân VN tổ chức tại Hà Nội, trong số những người được vinh dự tặng thưởng Huân chương chiến công, tôi có dịp may được tiếp cận với Hannah Hà Nội danh tiếng!

Dù không được khỏe nhưng lần ấy ra Hà Nội (sau 1976 bà Ngọ và gia đình vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh) bà Ngọ cũng phải gánh một việc trọng.

Đó là việc đòi lại nhà Trịnh gia Thế Miếu. Các cụ mình có câu con cả giả cha. Ấy là con trai là đàn ông. Nhưng bà Ngọ là con gái cả cụ Trịnh Đình Kính. Người thân bà đã từng hàng gánh đơn kêu cứu, lẽ nào mình là chị cả, con gái cả?

Tôi nhớ, mãi đến cuối năm 1992. Việc đòi Trịnh gia thế miếu  của Hannah Hà Nội cũng chả đi đến đâu. Mặc dù bà Ngọ đã nhiều lần gửi đơn thư đến các vị lãnh đạo, các nhà chức việc và các cơ quan công quyền.

Cũng trích ra một đoạn lá đơn của bà Ngọ gửi Cố vấn Phạm Văn Đồng.

…Cháu kính xin Bác gia ơn can thiệp để con cháu họ Trịnh được nhận lại ngôi nhà Trịnh Gia Thế Miếu do chính bố cháu bỏ công sức xây dựng để thờ cúng Tổ tiên. Hiện tại ngôi nhà đã hư hỏng nhiều nếu không được trông nom gìn giữ thì rất lãng phí…

Rồi người con gái cả Trịnh Thị Ngọ của nhà tư sản dân tộc, ông hoàng thủy tinh Đông Dương cũng đã về cõi ôm theo nỗi niềm mong ngóng hậu duệ cụ Trịnh Đình Kính sẽ trở lại là chủ nhân ngôi thế miếu tâm linh của dòng họ Trịnh!

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.