Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời

TP - Tôi với ông Trịnh Tiến tha thẩn hồi lâu trong Trịnh Gia Thế Miếu (TGTM).  Lại được một ông bạn cỡ chuyên gia kiến trúc đi cùng nên cũng vỡ vạc ít nhiều cái độc và lạ ở TGTM mặc dầu tôi đã ghé vài lần.

Độc lạ đây chưa hẳn là bốn chữ trên bức hoành Định Quốc Nguyên Huân (Công lao lớn định quốc) của vua nhà Minh ban tặng chúa Trịnh Tùng. Cũng chưa phải là  bức cuốn thư hoàn toàn chạm nổi ít đâu có Sóc Lĩnh Chung Linh (Linh thiêng miền Sóc Sơn, Hùng Lĩnh nơi địa danh phát tích chúa Trịnh ở xứ Thanh).

Lạ lùng và hiếm gặp là biểu tượng kim tiền tại kiến trúc của TGTM. Kim tiền, đồng tiền vàng, trần trụi đúng nghĩa của nó, vốn là thứ kỵ húy lại được tôn vinh thăng hoa trong kiến trúc của TGTM?

Biểu tượng kim tiền xuất hiện ở nhiều mảng trang trí như kẻ hiên ván gió, xà giằng cột… Độc đáo hơn, biểu tượng đồng tiền vàng còn ẩn dưới chữ đề trên các bức hoành phi. Chúng tôi đều tâm đắc nhận xét của ông bạn rằng, ắt hẳn những trang trí này mang tư tưởng tầng lớp tư sản mà tiêu biểu là cụ Trịnh Đình Kính, ông hoàng thủy tinh Đông Dương đã rất coi trọng hoạt động kinh doanh và xem biểu tượng kim tiền hàm chứa sự may mắn, là cái phúc lộc của gia đình cũng như quốc gia? Đây là đề tài khá mới và có lẽ lần đầu phát lộ và được thể hiện trong kiến trúc? Chưa hết, những xâu tiền thắt bằng dây lụa được chạm trên ván gió gian giữa, nối với xâu tiền luôn là chữ Phúc được chạm tròn. Phải chăng đây là tư duy mới về kinh tế của những doanh nhân buổi đầu hội nhập với thế giới bên ngoài?

Là công trình ra đời trong bối cảnh Nhật - Pháp giành giật xứ Đông Dương vì vậy sự xuất hiện kiến trúc có quy mô lớn như TGTM, được trang trí cầu kỳ cách tân, kiến trúc độc đáo chứng tỏ sức mạnh kinh tế của một bộ phận tư sản có máu mặt xứ Đông Dương thuở ấy mà đại diện là nhà tư sản Trịnh Đình Kính? Ròng rã trọn năm trời xây TGTM với các hiệp thợ tài năng nhất của xứ Đoài như Sơn Đồng, Chàng Sơn, chủ nhân TGTM đã gửi gắm bao nhiêu thông điệp hồn cốt để gặp gỡ cái ý tưởng cùng thẩm mỹ với hậu thế nhất trí coi đây là di tích cần phải tu bổ giữ gìn.

Vậy nên cũng xuýt xoa tiếc nuối theo những lời than như rên của ông Tiến rằng hơn 60 năm TGTM gần như vô chủ thiếu vắng đi sự trông coi chăm sóc tu bổ nào là diện tích TGTM bị lấn chiếm, đồ thờ phụng bị mất mát thất lạc đi rất nhiều. Như bộ cửa võng chạm trổ kỳ khu năm kia kẻ gian tháo mất…

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 1 Ông Trịnh Tiến và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Quen biết ông Tiến đã lâu nhưng lần nào gặp cũng thấy là lạ?  Con cháu hậu duệ ông hoàng thủy tinh Đông Dương đau đáu xót tiếc, day dứt di sản tiền nhân để lại bị bỏ bê xâm hại thì đã đành, nhưng hơn thế, cái đau ấy như nhân lên nhiều lần với một nhà văn hóa? Ông như nhân chứng của Hà Nội một thời. Cái thời đại quân ta từ chiến khu kéo về Thủ đô tiếp quản.  Mãi sau này có một cuộc triển lãm ảnh ghi lại  những ngày nổi sôi tưng bừng ấy. Triển lãm ảnh khá độc đáo là 36 phố phường Hà thành mỗi phố, mỗi phường có một cổng chào mà lạ không có cổng chào nào giống cổng chào nào. Cổng chào như một thứ Khải Hoàn Môn được dựng lên để chào mừng đại quân. 5 tay máy Hà Nội khi ấy đã góp những tấm hình đen trắng về các loại cổng chào. Người coi triển lãm ảnh đã làm quen với một tay máy trẻ có cái tên Trịnh Tiến có nhiều tấm hình rất bắt mắt. Tận bây giờ nhiếp ảnh gia Trịnh Tiến người còn sót lại trong những tay máy năm ấy vẫn tự hào mình là người còn giữ lại được nhiều hình nhất về cổng chào Hà Nội thời điểm những ngày tháng Mười năm 1954!

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 2 Bốn cổng chào Trịnh Tiến chụp ngày 10/10/1954 tại khu vực 36 phố phường.
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 3
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 4
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 5

Từng cùng bà chị Hanna Hanoi Trịnh Thị Ngọ đam mê điện ảnh thuở thơ dại, Trịnh Tiến nuôi mộng làm nhà quay phim sau này. Cạy cục xin vào một đoàn làm phim nhưng chỉ được giữ chân sai vặt. Tham gia phụ quay phim “Vợ chồng A Phủ”, đang quay thì hết phim, Tiến phải đi lấy bản nối phim cho đoàn. Đi bằng ngựa nhưng vớ phải con ngựa bất kham, hất người cưỡi xuống và đá vào mắt. Tiến mất 2 năm trời chữa chạy nhưng con mắt đó hiện nay cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Đứt mộng quay phim. Trịnh Tiến tiếp tục cái đam mê chụp ảnh. Lớp cao niên hẳn nhận ra những tay máy chuyên chụp ảnh cho khách vãn hồ Hoàn Kiếm để kiếm sống những năm đầu 60 có Tiến trong ấy.

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh Gia Thế Miếu: Niềm vui nỗi buồn cuối đời ảnh 6 Hai chị em ( bà Ngọ và ông Tiến). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ai rủ đi chụp ảnh, Tiến cũng đi. Cánh bạn hữu nhiều người làm văn sử đã rủ rê chèo kéo Tiến. Nhà sử học Dương Trung Quốc là bạn hữu và Trịnh Tiến là cộng tác viên ruột mảng ảnh của Xưa& Nay.  Tích cóp mãi nhờ vậy mà hiện ông  đang sở hữu một kho tư liệu ảnh vô giá. Đến nhà Trịnh Tiến, căn hộ của nhà tư sản Trịnh Đình Kính thênh thang ngày nào nay chật chội tù túng còn mỗi mấy chục mét vuông. Khắp nơi,  đâu đâu cũng ảnh. Tủ lớn, tủ nhỏ vẫn không xuể. Ông nghĩ ra một nơi chứa ảnh: gầm giường. Ngổn ngang những valy lớn, valy nhỏ.  Nghe có vẻ lộn xộn nhưng nói có sách mách có ảnh. Ông chia ra theo từng chủ đề. Chẳng hạn lịch sử từ các quảng trường xưa đến các quảng trường nay, từ các ngã tư đường phố xưa đến các ngã tư đường phố nay; người Hà Nội xưa và nay; phong cảnh, y phục, xe cộ qua từng thời kỳ của Hà Nội và đất nước.

Bấn bíu tất tả mưu sinh cùng chia lòng chia trí niềm đam mê về ảnh, nhưng ở tuổi 83 sức lực đã trục trặc nhiều, ông Trịnh Tiến vẫn không nguôi niềm đau đáu mấy chục năm nay đòi lại TGTM! Những xấp đơn từ họ Trịnh ở Đôn Thư ủy quyền cho ông đứng đơn vẫn phải nhọc nhằn lần gửi đi.

Lần về Đôn Thư, về TGTM này, ông Tiến hé cho cái tin, một dạo ông cùng ông Trịnh Hưng Chủ tịch tộc Trịnh Việt Nam và nhà sử học kiêm ĐBQH Dương Trung Quốc đã đứng đơn gửi ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội. May mắn đã có hồi âm. Ông Bí thư Thành ủy đã chỉ thị cho UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở văn hóa giải quyết vấn đề này. Sau đó Sở văn hóa đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng của huyện như Văn hóa thông tin, Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường UB xã Kim Thư và đại diện dòng họ Trịnh phối hợp với Sở văn hóa để giải quyết. Lại ấn định thời gian thực hiện là từ ngày 25/6/2019 đến ngày 5/7/2019.

Tôi nhắc ông Tiến thời điểm này đã là hết tháng 9 rồi? Ông Tiến thở dài, tôi biết nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin ở cách giải quyết của ông Bí thư Thành ủy!

MỚI - NÓNG