Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu

Ngoại thất Trịnh Gia thế miếu
Ngoại thất Trịnh Gia thế miếu
TP - Vào đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Trịnh Đình Kính giàu có đã về Đôn Thư dựng lên ngôi nhà thờ các chúa Trịnh với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn có tên là Trịnh Gia Thế Miếu

Kỳ I: Trong hoang lạnh  

Cuốn Vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương (xuất bản năm 1943) chép các chuyện về những nhà tư sản danh tiếng Việt Nam đầu thế kỷ XX như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính… Và giờ, ông Trịnh Tiến, cháu mười đời Chúa Trịnh Căn đưa tôi về làng Đôn Thư đất Thanh Oai của xứ Đoài.

Ông Tiến năm nay tuổi 83. Ông là con trai của cụ Trịnh Đình Kính sinh năm 1886 quê ngay tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai. Thân sinh ra cụ Kính là Trịnh Đình Thành - một yếu nhân của nghĩa quân Cần Vương. Thua trận Bãi Sậy, ông Trịnh Đình Thành đã ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông Cái tự vẫn để giữ bí mật.

Năm mười tuổi, cậu bé Kính rời đất Thanh Oai lên Hà Nội kiếm sống. Nhưng ngay đó, mẹ lâm bệnh mất. Em gái bị mẹ mìn bắt và mang đi mất tích. Và từ đây cậu bắt đầu cuộc đời làm thuê khổ cực. Hằng ngày cậu bé lên mười, gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ. Một trong những ông chủ người Hoa đã sớm nhận thấy ý chí của cậu bé Trịnh Đình Kính và đem lòng riêng quí. Rồi ông nhận cậu bé vào làm tài chạp (người giúp việc). Sau này thấy được sự khéo léo, thông minh và trung thực của cậu, ông đã nhận cậu làm con nuôi và truyền nghề cho.

Ký ức của ông Tiến về người cha Trịnh Đình Kính nếu chép phải là một cuốn sách dày. Nhưng tóm tắt, dần dà anh thợ Trịnh Đình Kính nắm trong tay tất cả những ngón nghề làm thủy tinh thời đó như đắp lò nấu, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi thủy tinh và bí quyết pha màu.

Năm 1914, ông Kính trở thành chủ của một xưởng sản xuất thủy tinh mang tên Thanh Đức. Lúc này, sản phẩm của Thanh Đức nghèo nàn thường nằm ngoài tầm mắt những người giàu có ở Việt Nam và những người Pháp ở Đông Dương. Đồ thủy tinh Pháp chiếm lĩnh thị trường. Nhưng Đại chiến I nổ ra, con đường chuyên chở sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt.

Chẳng bao lâu, sản phẩm thủy tinh của người Việt bước vào chiếm vị trí trang trọng trong nhà Gô-đa ở Hà Nội. Nhà Gô-đa lúc đó được coi là siêu thị đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp quản lý. Gô-đa hợp đồng nhận hàng của Thanh Đức bởi sản phẩm không thua kém hàng Pháp quốc, không bị rạn vỡ trong môi trường nhiệt độ khác nhau, dán tem Gô-đa và bày bán trên thị trường Đông Dương. Mỗi cái ly uống cà phê do xưởng Thanh Đức sản xuất lúc đó bán ở ngoài giá tám xu, nhưng Gô-đa nhập cho ông với giá hai hào.

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 1 Ông hoàng thủy tinh Đông Dương và các con
Thành công đó thúc đẩy ông Kính chế tạo thành công thủy tinh màu cao cấp. Thị trường thuộc địa Pháp tới tấp đặt hàng Thanh Đức với những mặt hàng ngày một phong phú và phức tạp hơn như bóng đèn lớn đường kính tới 45cm, rồi những sản phẩm thủy tinh màu trắng sứ, sản phẩm thủy tinh có khắc hoa văn.

Ông Kính là người đầu tiên ở xứ Đông Dương nằm dưới sự cai trị của người Pháp đã chế ra máy vẽ hoa văn trên thủy tinh. Tiếp đó ông thành công trong một công nghệ mới: công nghệ gọt thủy tinh. Và ông  được Vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh vì những sản phẩm khiến người Việt mở mày mở mặt! 16 lần, Thanh Đức được tặng huy chương vàng Hội chợ Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám thành công, nhà tư sản Trịnh Đình Kính đã hằng tâm hằng sản với cách mạng. Hai vạn đồng Đông Dương và gạo về cứu đói những người dân quê Thanh Oai. Ông cũng là một trong những người giàu ở Hà Nội hăng hái tham gia Tuần lễ vàng. Ông bê một hộp đồ trang sức vài kí lô với hơn trăm cây vàng lá để ủng hộ Cách mạng.

Ngôi nhà của ông ở 65 Hàng Bồ, Hà Nội đã trở thành nơi ăn ở cho nhiều đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1947, Pháp bắt ông giam nhiều ngày trong Hỏa Lò vì tội ủng hộ Việt Minh. Sau ngày Hòa Bình lập lại, xưởng thủy tinh Thanh Đức tiếp tục sản xuất đồ dùng thủy tinh cho các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Sau hòa bình một thời gian, xưởng thủy tinh Thanh Đức thành tài sản của Nhà nước.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà tư sản Trịnh Đình Kính giàu có đã về Đôn Thư dựng lên ngôi nhà thờ các chúa Trịnh với tư cách là hậu duệ thứ chín của Chúa Trịnh Căn có tên là Trịnh Gia Thế Miếu (TGTM). Ngôi thế miếu nguy nga nhưng duyên dáng nằm giữa làng Đôn Thư nay thuộc xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội. Là một làng quê cổ gần 2.000 tuổi, Từ xa xưa, Đôn Thư đã có hơn 30 người đỗ đạt, làm quan trong các triều đại. Thời Nguyễn, làng được tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ Mỹ tục khả phong.

Sau này, giới kiến trúc và sử học đã đồng thuận coi TGTM (được Hà Nội xếp hạng di tích) là loại hình kiến trúc ít gặp ở nước ta. TGTM vừa gần gũi với kiến trúc Miếu đường lại mang những đặc trưng kiến trúc của các gia tộc danh giá. TGTM hội đủ nghệ thuật điêu khắc tinh xảo với những đề tài gần gũi với điêu khắc dân gian đầu thế kỷ XX ở vùng đồng bằng Bắc bộ lại chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Cung đình Huế.

Ngôi TGTM bề thế nổi trội ở làng Đôn Thư sau 1954 đã trở thành nơi Trụ sở làm việc chính của Ủy Ban Hành chính huyện Thanh Oai sau thỏa thuận giữa những nhà chức việc với nhà tư sản Trịnh Đình Kính. Thỏa thuận rằng, huyện mượn tạm ít năm, sau khi xây xong Trụ sở huyện sẽ trả. Nhưng rồi, việc xây Trụ sở huyện đã hoàn tất nhưng việc trả lại không diễn ra. Đã thế huyện lại giao TGTM cho xã Kim Thư tiếp tục dùng làm Trụ sở ủy ban xã!

Trước khi nhắm mắt về với tiên tổ, cụ dặn các con phải kiên trì đòi bằng được TGTM. Cái thời những việc cần làm ngay tòa báo mà người viết bài này tòng sự cũng nhận được đơn với nội dung đòi lại TGTM của ông Trịnh Tiến con trai cụ Kính, người đang đứng cùng chúng tôi trong TGTM đây! Tòa báo khi đó cũng chỉ biết cái việc kính chuyển đến UBND tỉnh Hà Tây xứ Đoài xem xét giải quyết mà thôi.

Hàng gánh đơn là cách nói của ông Tiến chỉ cái công sức kiên trì, nhẫn nhịn hằng bao năm của các thành viên họ Trịnh hậu duệ cụ Kính kêu lên các cấp. Đùng cái, tất cả bỗng thở phào nhẹ nhõm bởi ngày 12/12/1989, UBND xã Kim Thư do ông Chủ tịch Nguyễn Công Bạ đã mời đại diện gia đình đến UB để nhận quyết định trao trả ngôi TGTM linh thiêng! Khỏi nói niềm vui của ông Tiến và những người thân. Nhưng cũng chỉ 5 ngày sau khi nhận quyết định, có quyết định khác của UBND huyện Thanh Oai là cưỡng chế thu hồi lại TGTM! Kèm một quyết định khác của huyện nữa là cách chức ông Chủ tịch Nguyễn Công Bạ, cho nghỉ hưu với lý do tùy tiện trả nhà cho tư sản!?  

Nhà tư sản, ông hoàng thủy tinh Đông Dương sau cải tạo gia sản sạch bách, đời sống cả nhà cùng quẫn, ở quê nhà lại có cơ mất nốt ngôi thờ tự tiên tổ đã mạnh dạn đâm đơn đi khắp các nơi kêu cứu. Kêu thì cứ kêu, chẳng có một hồi âm!

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 2
 
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 3
 
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 4

Cụ Trịnh Đình Kính trong sách Vua chúa và các ông hoàng Đông Dương

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 5
 
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 6
 
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 7
 
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu ảnh 8

Nội thất Trịnh gia thế miếu.

MỚI - NÓNG