Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu: Con cả đành phải giả cha

TP - Lặng trong vẻ u tịch của Trịnh gia Thế Miếu, tôi chợt nhớ đến một người. Đó là cuối năm 1989, dịp dự Lễ kỷ niệm 30 năm Cục địch vận Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, trong số những người được vinh dự tặng thưởng Huân chương chiến công, tôi có dịp may được tiếp cận với Hannah Hà Nội danh tiếng!
Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu: Con cả đành phải giả cha ảnh 1 Trịnh Thị Ngọ với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (từ phải sang)

Được ngồi tiếp chuyện người phụ nữ Hà thành đã quá tuổi 60 nhưng cung cách và giọng nói vẫn toát lên cái chất cao sang.

Mới chỉ thoáng nghe qua vài mẩu như thứ lý lịch trích ngang, cái câu con dòng cháu giống tự dưng ập về.

Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1933 con gái lớn của “ông hoàng” thủy tinh Đông Dương. Lúc nhỏ học ở trưởng tiểu học Hàng Cót. Năm 1943, đậu bằng Certifficat. Mảnh mai xinh đẹp. Những ngày Cách mạng Tháng Tám nữ sinh Trịnh Thị Ngọ tham gia cứu thương, phân phát gạo nhà mình cho những người nghèo đói.

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu: Con cả đành phải giả cha ảnh 2 Trịnh Thị Ngọ - Thu Hương - Hannah Hanoi. Ảnh tư liệu gia đình

“Không hiểu sao, bố tôi là một ông chủ sản xuất kinh doanh thủy tinh có tiếng ở Đông Dương, nhưng tôi và cậu Tiến em trai lại rất mê được đi xem phim Mỹ. Như phim Cuốn theo chiều gió chị em tôi coi tới 5 lần. Những bộ phim màu sử dụng tiếng Anh hồi đó là đam mê lớn nhất.

Thay vì phải xem phụ đề qua bản dịch, chị Ngọ quyết theo học tiếng Anh với bà Hà Văn Vượng từng tu nghiệp ở Cambridge. Cô giáo Vượng chỉ dạy tiếng Anh cho những ai biết tiếng Pháp. Học phí mỗi tháng là 25 đồng tiền Đông Dương. Đó là cái giá vô cùng ngất ngưởng thời ấy. Chị Ngọ theo học mấy năm trời để làm chủ thứ tiếng của giới tài tử điện ảnh. Đó cũng là lý do trong khi hầu hết thế hệ thanh niên lúc đó học ngoại ngữ là tiếng Pháp thì chị lại theo học cả tiếng Anh.

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu: Con cả đành phải giả cha ảnh 3Đơn của bà Trịnh Thị Ngọ gửi Cố vấn Phạm Văn Đồng

Sau hòa bình năm 1954, Trịnh Thị Ngọ vào làm cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc ban đầu là đọc bản tin tiếng Anh cho chương trình đối ngoại dưới sự hướng dẫn của một số chuyên gia Úc, trong đó có nhà báo nổi tiếng Winfred Burchett.

Đám cưới đình đám ở Hà Nội lúc ấy cô dâu Trịnh Thị Ngọ sánh vai với chú rể Nguyễn Văn Dạng, một Việt kiều, chuyên gia về  thiết bị Y tế. Ông Dạng là con một bà đỡ ở Mỹ Tho cháu gọi vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là cô ruột. Lứa cùng về nước là bạn bè thân thích với chú rể có Phạm Kỳ Nam (sau này là đạo diễn điện ảnh), Trần Thịnh (con rể Thẩm Hoàng Tín).

Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ như là kết quả của sự hợp tác khôn ngoan giữa Cục địch vận Bộ Quốc phòng và Đài Tiếng nói Việt Nam? 

Công việc chính là Trịnh Thị Ngọ đọc những bản tin được biên tập bởi phòng chính trị, phòng địch vận bên quân đội. Tin ấy được rút tỉa, được biên tập từ nguồn báo nước ngoài, như tờ Stars and Stripes (Sao và Vạch) của quân đội Mỹ. Đó là những thông tin ngắn gọn, là những mẩu chuyện sinh động về tình hình trên chiến trường có lính Mỹ can dự ở miền Nam Việt Nam. Là con số thương vong, diễn biến các trận đánh. Và không thể thiếu lời chúc sinh nhật một người lính nào đó muộn màng bởi anh ta đã chết. Đó là điều ám ảnh với nhiều binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam khi đó.

Trịnh Thị Ngọ, những dấu nặng ở cái tên khó phát âm với những người nói tiếng Anh. Người ta đề nghị chị nên chọn một cái tên dễ đọc. Thu Hương là cái tên được chị chọn. Tên một cô bạn gái rất thân (con gái cụ Phạm Quỳnh). Chị Ngọ đã chọn tên cô ấy cho cả con gái của mình.

Câu mở đầu cho mỗi bản tin Mỹ vận là: This is Thu Hương addressing American GI in VietNam (Đây là Thu Hương đang nói chuyện với lính Mỹ ở Việt Nam).

Những buổi phát thanh Mỹ vận ấy đều đặn phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Mục đó được đặt tên Những người đã chết nhưng không phải vì danh dự của nước Mỹ. Thông điệp mà phát thanh viên chính Trịnh Thị Ngọ cùng với những người làm chương trình là nhằm tác động vào tinh thần của lính Mỹ, cố gắng truyền đạt đến lính Mỹ: Các anh đang chiến đấu bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!

Doanh nhân Hà thành và nỗi buồn Trịnh gia thế miếu: Con cả đành phải giả cha ảnh 4  Vợ chồng Trịnh Thị Ngọ

Hannah là tên lính Mỹ dùng để gọi người con gái họ Trịnh này. Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Đừng nghe con mẹ phù thủy Hannah. Đó là nguyên văn câu trên tờ Sao và Vạch khuyến cáo lính Mỹ ở chiến trường Việt Nam như thế! Con mẹ phù thủy ấy chỉ là một phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam biệt hiệu là Thu Hương, binh sĩ Mỹ gọi là Hannah là phát thanh viên tiếng Anh có giọng nói chuẩn xác ngọt ngào được binh sĩ Mỹ rất ưa thích!

Sau năm 1975, gia đình bà Trịnh Thị Ngọ chuyển vào miền Nam sinh sống. Khó tin được nhưng là sự thật bởi hàng trăm nhà báo và lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sau này qua ngả du lịch đã tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà ở đường Võ Văn Tần. Chả để làm gì. Nhưng tất cả đều tò mò muốn gặp, muốn nghe mụ phù thủy từng có giọng nói ám ảnh ấy nay giữa đời thường thì cái giọng nói nó thế nào? Trái ngược với những “danh xưng” này khác từ lính Mỹ, bà Trịnh Thị Ngọ về hưu sống một cuộc sống bình lặng bên người chồng đau yếu bệnh tật. Chính bà cũng không được khỏe.

Dù không được khỏe nhưng lần này ra Hà Nội bà Ngọ cũng phải gánh một việc trọng.

Đó là việc đòi lại nhà Trịnh gia Thế Miếu. Các cụ mình có câu con cả giả cha. Ấy là con trai là đàn ông, nhưng bà Ngọ là con gái cả cụ Trịnh Đình Kính. Người thân bà đã từng hàng gánh đơn kêu cứu, lẽ nào mình là chị cả, con gái cả lại mặc kệ, ngồi yên?

Như đoạn đầu (kỳ I) bài viết, có lẽ do cái uy nào đó của bà chị cả Trịnh Thị Ngọ hay mối quan hệ này khác (nếu có?) ngôi Trịnh gia Thế Miếu đã được trả lại dù chỉ vỏn vẹn có 5 ngày?

Cũng trích ra một đoạn lá đơn của bà Ngọ gửi Cố vấn Phạm Văn Đồng.

…Cháu kính xin bác gia ơn can thiệp để con cháu họ Trịnh được nhận lại ngôi nhà Trịnh Gia Thế Miếu do chính bố cháu bỏ công sức xây dựng để thờ cúng Tổ tiên. Hiện tại ngôi nhà đã hư hỏng nhiều nếu không được trông nom gìn giữ thì́t lãng phí

Rồi người con gái cả Trịnh Thị Ngọ của nhà tư sản dân tộc, ông hoàng thủy tinh Đông Dương cũng đã về cõi âm theo nỗi niềm mong ngóng hậu duệ cụ Trịnh Đình Kính sẽ trở lại là chủ nhân ngôi thế miếu tâm linh của dòng họ Trịnh!

(Còn nữa)               

Tôi nhớ, mãi đến cuối năm 1992. Việc đòi Trịnh gia thế Miếu của Hannah Hà Nội cũng chả đi đến đâu. Mặc dù bà Ngọ đã nhiều lần gửi đơn thư đến các vị lãnh đạo, các nhà chức việc và các cơ quan công quyền.

MỚI - NÓNG