Vật thể lạ

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn
TP - Thử nhặt từ vài cuốn sách dịch đã thấy nhiều vật thể lạ.

Trong cuốn Kẻ trộm sách (Cao Xuân Việt Khương dịch):

- Cậu có muốn hay không? (tr. 337)

- Tớ có một cái xe đạp ở đây, trong trường hợp cậu muốn có (tr. 337)

- Hãy ghi nhớ lại . Sau đó hãy viết ra cho anh ấy (tr. 339)

Vật thể lạ ảnh 1

Minh họa: Kim Duẩn

 Trong cuốn Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch):

- Cô để con bạch tuộc lại trong bếp vì hai mẹ con chẳng biết cách làm nó (tr. 37).

Xem ra người dịch bám sát ngôn ngữ gốc quá, tác giả viết thế nào mình dịch như thế. Câu tiếng Việt thành ra cũng thiếu tự nhiên. Những chữ Nó này có thể bỏ đi mà tiếng Việt vẫn trọn nghĩa. Tất nhiên bỏ đi thì cần thêm chút thao tác để mài giũa lại câu văn, gọn gàng hơn, hay hơn. Hoàn toàn có thể làm được.

Trường hợp khác, ngoảnh đi ngoảnh lại, các cây bút cứ theo nhau mà dùng một cấu trúc văn nước ngoài, bắt đầu bằng động từ to be:

Điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Là anh.

- Chào chị. Là tôi đây.

Không nói tôi đây, tôi đây mà. Là tôi đây, nghe mới ngộ mới khoái. Không nói, đó là anh, anh đấy. Là anh, nghe mới hay mới sướng. It’s me. It’s him. Dịch bám sát thì thế là đúng, thắc mắc gì. Người dịch sẽ nói vậy.

Nhưng không chỉ còn là bản dịch nữa, người Việt viết văn Việt hẳn hoi, vậy mà vẫn viết những đoạn đối thoại như thế này: – Anh vừa mới được điều đi công tác – Cần Thơ à? – Ừ, anh đi một tuần – một tuần đó anh.

Tôi có để ý, người viết những câu văn như vậy phần nhiều lại không thạo ngoại ngữ. Họ đọc những tác phẩm dịch chưa thoát, thấy những câu ngồ ngộ Tây Tây thì thích, rồi dùng, mà không biết gì về ngữ pháp của ngôn ngữ gốc, vì vậy không cân nhắc đối chiếu được với tiếng Việt.

Nhân nói cái chữ Là nhiều khi cứ cọc cạch bật ra khỏi một câu, không sao ráp nối vào dòng văn cho trôi chảy, ta thử nhặt ra dăm ba câu trong bản dịch cuốn Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch):

- Lời xác nhận về người mà anh là (tr. 229)

- Hình ảnh một người mà tôi đã thôi không còn là (tr. 240)

- Bác sĩ Havel không còn là người đàn ông từng là nữa (tr. 247)

- Là con người đúng như anh ta là (tr. 287)

Thêm một câu không có Là, nhưng đặt giới từ ở cuối, cũng rất Tây An Nam: Trong tâm trạng u ám ông đang ở vào (tr. 230).

Trong cuốn Kẻ ích kỷ lãng mạn (Phùng Hồng Minh dịch): Tuy nhiên ông quên mất hạng mục xã hội mà tôi thuộc về: những kẻ ký sinh trơ xương (trang 244). Và: Dám chỉ trích nơi chốn ta thuộc về (trang 253).

Trong cuốn Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch), chỉ trong một trang 39:

-Orhan mà tôi từng là.

- Trở lại với con người tôi từng là.

- Như thể chúng biến tôi thành con người mà tôi không bao giờ muốn là.

- Những nỗi hãi hùng của con người mà tôi từng nghĩ tôi đã là.

Còn ở cuốn Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… (Tiết Hùng Thái dịch): Thế giới chỉ đơn giản là cái mà nó là (trang 30). Ta là cái mà ta là (trang 135).

Không ai áp ai phải khuôn vào công thức. Cái cấu trúc câu này bây giờ dường như đã bắt đầu quen mắt quen tai, không loại trừ một lúc nào đấy sẽ được người ta dùng đại trà. Nhưng không hẳn nó sẽ làm giàu thêm cho tiếng Việt đang trên đường phát triển. Chỉ là thứ ngôn ngữ thời trang thời thượng, nạp vào mà chưa tiêu hóa kỹ. Và người viết văn có bản lĩnh có cá tính thì luôn biết từ chối sử dụng những ngôn ngữ thời trang, trừ khi muốn giễu nhại.

MỚI - NÓNG