> Kiều Bích Hương, vợ Đông của chồng Tây
Lặng lẽ là so sánh với SBC là săn bắt chuột, còn một tác phẩm mới của Hồ Anh Thái dù lặng đến đâu cũng sẽ có người tìm đọc.
Bối cảnh của Dấu về gió xóa nghe qua có vẻ hào nhoáng: Một hòn đảo như ở tận cùng thế giới, trên đó tồn tại một quốc gia non trẻ, nhà tù bí mật nhốt những danh nhân thế giới bị mất tích.
Cả mạch truyện chính nghe cũng hào nhoáng: Một cuộc tranh chấp quyền lực chính trị. Đọc kỹ thì Dấu về gió xóa có âm hưởng thiền, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo.
Nếu SBC là săn bắt chuột mô tả một cuộc người đi săn chuột hùng hồn như một cuộc chiến tranh trên chiến trường, có cả chết chóc và đổ máu thì Dấu về gió xóa mô tả cuộc chiến nghị trường, ngoại giao và cả đức tin tôn giáo.
Hồ Anh Thái đang chuộng đề tài chính trị. Sách của anh ngày càng nhiều ẩn ý.
Kiểu nhân vật quyền lực vốn xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
Các “ông cốp” - quan chức trong các tác phẩm trước, đến Dấu về gió xóa được nâng cấp thành một ông Vua và một chàng Hoàng tử, hay là cách tác giả gọi Tổng thống của Đảo Xanh - địa danh tưởng tượng trong truyện và con trai ông ta. Cũng đúng lúc, vì để các “ông cốp” xuất hiện từ cuốn này sang cuốn khác mãi cũng chán.
Đảo Xanh có nhiều chủng tộc người sinh sống, hòa cùng cộng đồng thổ dân. Một cộng đồng phức tạp bao giờ cũng tồn tại những mâu thuẫn chìm nổi.
Đó chính là bối cảnh mà Hồ Anh Thái đặt ngòi bút, một khoảng đất cho nhà văn tung hoành.
Trong bối cảnh quốc tế hóa như vậy, nhà văn vẫn nêu cao tinh thần dân tộc bằng việc để nhân vật chính là một người Việt Nam - Anh - viết hoa mà không phải là tên riêng.
Đã thế còn là một người Việt được trọng vọng. Anh có học hàm giáo sư, là thầy của Hoàng tử, được Vua nể và có tình thâm giao với vị giáo sĩ được kính trọng hàng đầu đảo quốc.
Trong văn Hồ Anh Thái, cá tính của nhân vật phải nhường chỗ cho tư tưởng mà nhà văn muốn họ truyền tải. Nhân vật của ông thường không gây ấn tượng về tính cách, mà là về hành động và biến cố.
Và nếu như ngoài đời hành động của con người thể hiện tính cách, thì trong văn Hồ Anh Thái lại không.
Tất cả nhân vật đều gánh vai trò đại diện cho một thứ gì đó lớn lao hơn là chỉ một con người. Giáo sĩ và cuộc đấu tranh chống lại dục vọng, chẳng hạn, dù đó chỉ là một câu chuyện do Anh - giáo sư tưởng tượng ra.
Hoặc nhân vật Chàng, sau một tai nạn thì cơ thể vĩnh viễn thẳng đứng, không gập người lại được, trở thành Người Đứng. Tìm họ ở đâu trong cuộc đời này? Khó lắm. Nhưng trong thế giới tư tưởng của Hồ Anh Thái thì nhiều.
Nhà văn cũng nhắc đến thiền, không nhiều, nhưng những câu văn như “Mandala là vũ trụ ngay trong lòng người, vũ trụ lòng người có khi hàm chứa toàn bộ sinh diệt sắc không mà chính con người cũng không ý thức được. Người ta tiêu phí thời gian loay hoay ra bên ngoài để khám phá những điều sẵn có ngay trong lòng mình”, chứng tỏ ông có vẻ đã “ngộ”.
Khác hẳn phương Tây năng động luôn thích mở rộng, phương Đông huyền bí lại thích đi sâu.
Như cái mandala (một biểu tượng của Phật giáo) của ông giáo sĩ trong tiểu thuyết này, bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu công sức mới tạo hình được, chỉ một cơn gió là có thể không còn trên đời. Gió xóa.
“Vũ trụ có sinh có diệt. Vũ trụ có mà không”. Đó là thiền. Có lẽ đây là đoạn để lại nhiều dư âm nhất.
Với Dấu về gió xóa, người đọc nhận ra ở tiểu thuyết Hồ Anh Thái, từng tình tiết đơn lẻ nhiều khi còn hấp dẫn hơn nội dung tổng thể. Cách viết của ông vẫn thế. Những câu thoại không có ngoặc kép.
Cách kể trơn tuột và trôi chảy như thể tác giả ngồi ngay cạnh người đọc và kể chuyện. Có những câu rất nhiều từ điệp, nhưng “văn Hồ Anh Thái không bỏ được một chữ”, như lời một biên tập viên NXB Hội Nhà văn. “Văn chỉn chu như người”, lời biên tập viên một tờ báo lớn.
Hồ Anh Thái, hai năm ra hai tiểu thuyết. Cuốn mới nhất chưa phải xuất sắc nhất nhưng thể hiện tính quốc tế rõ nhất. Với “đường lối” toàn cầu hóa này, phải chăng ông đang tìm kiếm độc giả bên ngoài biên giới Việt Nam?
“Đi đến tận cùng của dân tộc thì sẽ gặp nhân loại”, Nguyễn Minh Châu nói thế về một đất nước. Còn về tâm tưởng của mỗi người, tôi nghĩ “đi đến tận cùng của chính mình thì sẽ gặp thế giới”. Có lẽ, mấy năm nay, trong thời gian ở nước ngoài (làm đại sứ ở Iran), Hồ Anh Thái đang đi trên con đường này chăng? |
Hồ Anh Thái vừa nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2012 vì tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột. Các tác phẩm đoạt giải khác: Buổi câu hờ hững (thơ - Nguyễn Bình Phương); Dĩ vãng phía trước (tư liệu văn học của Ngô Thảo- giải lý luận phê bình); bản dịch Lolita của Dương Tường. Nhà thơ Phùng Cung nhận giải thành tựu về thơ với tập Xem đêm |