Đó là thực trạng hiện nay ở một số trường nội trú vừa dạy học vừa làm công việc cai nghiện game cho học sinh.
“Con thích chứ không nghiện”
Tiếp xúc với chúng tôi trong trường nội trú IVS TPHCM, em Trần P.L (SN 1998, học lớp 11, ngụ quận Thủ Đức) cho biết cha mẹ đưa em vào đây học được hơn 4 tháng. Ban đầu em không đồng ý, cố tìm cách năn nỉ cha mẹ đưa về để được học ở trường bên ngoài. Em bảo em không nghiện game nên không cần phải vào trường này học.
Em Nguyễn T.Đ (SN 2003, học lớp 6, ngụ quận Gò Vấp) thường xuyên trốn học để đi chơi game, bị gia đình gửi vào trường để em tiếp tục học hành và cai nghiện. Em bảo chơi game từ năm học lớp 4, ban đầu chỉ chơi những game trên điện thoại nhưng sau này cùng các bạn khác trong lớp thành lập nhóm game online. Em cũng bảo không nghiện game mà chỉ thích. Vào đây không được tiếp xúc máy tính, điện thoại để chơi game thì trong người khó chịu lắm.
“Những em vào trường để cai nghiện game phần lớn là gia đình đã “bó tay”. Nhiều em vào đây trong trạng thái trầm cảm, thu mình không tiếp xúc với ai. Cũng có những em quậy phá, chống đối đòi về nhà vì cho rằng bản thân mình không phải nghiện game”, anh Nguyễn Văn Hiệp, trưởng ban quản lý học nội trú trường nói.
Việc đưa con đến trường cai nghiện là lựa chọn cuối cùng của nhiều bậc cha mẹ khi ở nhà đã hết cách. Có nhiều em vào trường trong trạng thái lơ ngơ, trầm cảm.
“Gia đình đưa đến các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần đã điều trị nhưng vẫn không hết. Nhiều em vào đây đã uống thuốc điều trị trầm cảm hơn 2 năm, nhưng vấn đề nghiện game không phải điều trị bằng thuốc. Đối với những em này cần rất nhiều thời gian”, ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao, phụ trách quản lý trường nội trú IVS TPHCM nói.
Thế nhưng khi các em vào được một thời gian, vì thương con, nghe những lời hứa từ con cái sẽ không chơi game nữa, nhiều bậc cha mẹ không kìm lòng được đã rước con về. Một hai ngày đầu đứa con còn thực hiện lời hứa. Vài hôm sau thì “ngựa quen đường cũ”, chơi game quên về nhà.
Em N.T.L (SN 1999, học lớp 10, quê ở Đắk Lắk) được gia đình đưa đến trường cai nghiện game. Theo nội quy của trường, các em không được mang theo điện thoại nhưng gia đình lén để điện thoại trong giỏ đồ. Ở được một ngày, em L. gọi điện về nhà năn nỉ, bảo gia đình rằng ở đây toàn các bạn nghiện. Hứa sẽ về nhà học hành đàng hoàng không chơi game nữa. Nghe con năn nỉ, ngày hôm sau cha mẹ bay từ Đắk Lắk về TPHCM xin rút hồ sơ đưa con về.
Mặc dù các thầy cô trong trường giải thích muốn con bỏ game thì cần phải tốn thời gian dài, chịu khó để em L. rèn luyện. Trường cũng gặp nhiều trường hợp như thế, và nhiều phụ huynh đón về rồi lại đưa vào. Về nhà được một tuần thì gia đình gọi điện đến trường, xin cho em L. vào lại vì tiếp tục bỏ nhà đi chơi game.
Ông Đặng Lê Anh nói thương con không đúng chỗ sẽ không hiệu quả trong việc cai nghiện game. Vì thời gian để các cháu bỏ dần sự lệ thuộc vào game phải rất lâu, ngoài phương pháp của nhà trường thì còn cần tới nỗ lực của trẻ cũng như hợp tác từ gia đình.
“Có nhiều cha mẹ đưa con vào trường nhưng vẫn không nói hết vấn đề của con mình khiến công việc lên phác đồ, hỗ trợ các cháu bỏ game cũng gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để giáo viên tìm hiểu từ các cháu”, ông Anh nói.
Nguy cơ tái nghiện rất cao
Là một học sinh nghiện game nhiều năm, T. P.L (ngụ KP.3, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM) hiện được gia đình đưa vào trung tâm. Bố em cho biết L. chơi game từ lúc nào gia đình cũng không rõ, chỉ đến lớp 8 thấy em “cày” game rất dữ thì nhà mới phát hoảng. “Nó nghiện game từ lớp 8 đến lớp 11. Càng về sau càng chơi nhiều hơn. Riêng lớp 8 phải học đến hai năm. Năm lớp 10 là thời điểm nó chơi dữ nhất. Chơi suốt cả ngày đêm, bỏ ăn bỏ uống, học hành sa sút, sức khỏe đi xuống, người gầy rộc đi”, người bố kể.
Thấy con ngày càng lún sâu, tháng 6 vừa qua, bố mẹ P.L đưa em vào trung tâm. Bốn tháng sinh hoạt trong môi trường mới, cách ly với những địa điểm “đại chiến” như trước, được rèn luyện bằng các phương pháp giáo dục phối kết hợp vừa học văn hóa vừa rèn luyện thân thể, P.L đã phần nào thuyên giảm thói quen chơi game bất kể ngày đêm như xưa.
“Hiện giờ nó đã cũng có đôi chút chuyển biến. Sức khỏe cũng khá dần, cân nặng tăng lên. Tuy vậy, trong những lần được trung tâm cho về nhà nghỉ ngơi, nó cũng cố kiếm cớ để đi chơi game, lúc thì giả vờ qua thăm bạn, khi thì kêu đi đâu đó để tranh thủ chơi 1 – 2 tiếng. Cũng không biết quá trình để nó bỏ hẳn thói quen chơi game còn bao lâu. Tôi muốn nó phải từ bỏ hoàn toàn”, bố P.L bày tỏ.
Ông Đặng Lê Anh cho rằng để các em học sinh thoát khỏi lệ thuộc, cai được game thì cần nhiều thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Thế nhưng cha mẹ các em lại nôn nóng, một phần vì thương con, một phần vì nghe lời con hứa nên nóng vội đưa con rời khỏi trường. Trong khi chương trình dạy và cai nghiện cho các cháu chưa hoàn thành. Nhiều trường hợp ở trường gần một năm, gia đình đưa về chưa đầy một tháng đã đưa trở lại. Bởi nghiện game phải được điều trị từ bên trong chứ không thể cấm. Cần phải tạo dần thói quen cũng như một môi trường tốt để các em tham gia các hoạt động khác.
Kiểm soát cũng khó khăn
Bất chấp “lệnh giới nghiêm” của chính quyền TPHCM đối với giờ giấc hoạt động của các tiệm internet công cộng không quá 22 giờ, nhiều nơi vẫn ngó lơ hoạt động xuyên ngày đêm phục vụ dân cày game.
Qua trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin quận 3 cho biết, địa phương lập đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp vi phạm như mở cửa quá giờ quy định, số máy đang hoạt động không đúng như kê khai trong giấy phép kinh doanh…
“Khi hoạt động quá giờ, các chủ tiệm tắt đèn, khóa cửa, che rèm nên không thể nhìn thấy bên trong đang làm gì. Có tiệm chỉ cho người quen vào chơi nên khó thâm nhập lấy bằng chứng. Nhiều lúc xác định được tiệm internet đó hoạt động quá giờ nhưng khi yêu cầu chủ tiệm mở cửa thì họ đã tắt toàn bộ máy, di chuyển người chơi đi nơi khác nên rất khó trong công tác xử lý”, ông Nguyễn Văn Dưỡng nêu thực trạng.