Vật cứu mạng cần thủ khi bị trôi dạt 32 tiếng kinh hoàng trên biển

TPO - “Trong đêm tối, tôi không nhìn thấy bất kỳ thứ gì, kể cả ánh đèn từ phía thành phố nên không thể xác định được phương hướng. Đến sáng ngày thứ 2, tôi dần mất ý thức và thả trôi vô định”, anh Hùng nhớ lại.

Chiều 15/10, cần thủ Đặng Huy Hùng (31 tuổi, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã hồi phục sức khỏe, nói chuyện với mọi người sau 32 giờ trôi dạt trên biển.

Anh Hùng hiện đã hồi phục sức khỏe. Thực hiện: Thanh Hiền.

Tối 13/10, anh Hùng đến khu vực bờ kè đá dưới chân cầu Thuận Phước để câu cá, lúc đó có thêm vài người cùng câu nữa nhưng được một lúc họ rời đi. Khoảng 21h, lưỡi câu của anh bị mắc vào đá, anh lội xuống gỡ thì trượt chân bị kéo ra xa. Lúc rơi xuống chiếc balo trên lưng bị tuột ra nên anh bơi tới lấy nhưng không thể bơi vào trở lại bờ.

“Khu vực đó nước sâu gần 2 m, sóng khá lớn, xung quanh cũng không có ai nghe tiếng kêu cứu. Tôi dần bị đẩy ra xa bờ hơn. Lúc đầu còn sức, tôi cố gắng chòi đạp để mong vào lại bờ nhưng bất lực”, anh Hùng kể.

Bị sóng kéo ra mỗi lúc một xa khiến anh không thấy gì xung quanh, kể cả ánh đèn từ phía thành phố nên không biết nên bơi theo hướng nào cả. Trong khi sức càng lúc càng kiệt dần. Thứ anh có thể bám víu vào lúc ấy chính là chiếc ba lô mà hầu như thợ câu cá nào cũng mang theo bên mình khi đi câu. Trong vật bất ly thân này có những chiếc hộp nhựa dùng đựng lưỡi câu, mồi câu… làm cho chiếc ba lô nổi lên. Quờ quạng giữa biển đêm, anh còn may mắn vớ được một cục xốp nên đã nhét vào trong áo. Vậy là có phao xốp và phao balo cùng anh chống chọi giữa biển đêm.

Vật cứu mạng cần thủ khi bị trôi dạt 32 tiếng kinh hoàng trên biển ảnh 1

"Tôi đã quắp tay, ôm chiếc ba lô như thế này trước ngực để chống chọi trên biển suốt mấy chục tiếng đồng hồ", anh Hùng nói. Ảnh" Thanh Hiền.

“Trong đêm đầu tiên tôi vẫn tỉnh táo và quyết tìm cách vào bờ dù xung quanh tối đen như mực, đến sáng hôm sau sức cùng lực kiệt, ý thức cũng mất dần, tôi hành động theo bản năng là quắp tay ôm chiếc ba lô cứng ngắc trước ngực và nằm sấp trên mặt biển, mặc cho sóng đẩy đi đâu thì đi”, anh nhớ lại.

Cứ thế, hai đêm một ngày, 32 tiếng đồng hồ, chiếc ba lô đồ nghề và cục xốp nhỏ đã “cõng” anh trên biển. May thay, thời tiết hai hôm ấy không khắc nghiệt, có mưa nên anh cầm cự được. Mãi cho đến gần 5h sáng hôm sau, anh trôi dạt vào bãi biển Nguyễn Tất Thành giao với đường Tôn Thất Đạm (quận Thanh Khê), cách nơi gặp nạn khoảng 4 km và được người dân phát hiện.

Nhưng anh Hùng cũng sém chết lần hai. Bởi toàn thân tím ngắt, cứng đơ, lạnh toát, bùn rác bám đầy nên người dân tưởng anh đã tắt thở liền đắp chiếu, tìm cách gọi người nhà đến…nhận thi thể!. May thay, ngón tay út của anh cử động nên người dân mới biết anh còn sống, vội tiến hành sơ cứu, gọi xe cứu thương chuyển vào bệnh viện.

Trải qua 32 giờ kinh hoàng trên biển, anh Hùng nói đây là lần gặp nạn đầu tiên của anh, dù biết bơi nhưng biển đêm và sóng lớn khiến anh bất lực. Người nhà cho hay trong đêm 13/10 không gọi cho anh được đã ra khu vực anh câu cá tìm và chỉ thấy có xe máy nên đã trình báo công an. Các lực lượng chức năng và bạn bè, người thân đã đi dọc bờ kè, dùng xuồng chạy ra khu vực biển cửa sông Hàn tìm kiếm nhưng vẫn không thấy anh.

“Tôi không nghĩ chiếc ba lô lại là vị cứu tinh của mình. Đây là vật dụng mà cần thủ nào cũng mang theo và đeo khi ngồi câu cá. Nếu không có chiếc ba lô, chắc chắn tôi sẽ không cầm cự được mà sống sót kỳ diệu như vậy”, anh Hùng không giấu được cảm xúc. Anh cũng thấm thía bài học phải trang bị đồ bảo hộ, cứu sinh, thức ăn nước uống khi tham gia hoạt động ở những khu vực nguy hiểm.

Vật cứu mạng cần thủ khi bị trôi dạt 32 tiếng kinh hoàng trên biển ảnh 2

Anh Hùng đã bình phục, có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bác sĩ Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay anh Hùng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, hạ đường huyết, rối loạn điện giải… Sau khi điều trị, sức khỏe anh đã hồi phục và có thể sớm xuất viện.

Bác sĩ Bình chia sẻ thêm đây là trường hợp sống sót kỳ diệu trên biển thứ hai mà bệnh viện tiếp nhận. Trước đó là anh Hoàng Minh Nhơn (26 tuổi, ngụ huyện Thăng Bình, Quảng Nam) trôi dạt 38 tiếng trên vùng biển Hoàng Sa khiến cơ thể đa chấn thương, sốc nhiệt, suy hô hấp, kiệt sức, toàn thân. Theo bác sĩ, khi trôi dạt trên biển dù khát đến mấy cũng không được uống nước biển, do nước biển có nồng độ muối cao, càng uống natri càng tăng có thể gây tử vong. Đồng thời cũng tránh hoạt động mạnh để đỡ mất sức.

Tin liên quan