Vào nơi bí mật nhất kỳ thi, 3 vòng bảo vệ, 14 ngày không có mặt trời

Nụ cười của cán bộ sao in đề thi sau khi được “thả” ra ngoài Ảnh: Như Ý
Nụ cười của cán bộ sao in đề thi sau khi được “thả” ra ngoài Ảnh: Như Ý
TP - Cách kỳ thi chừng chục ngày, một lực lượng cán bộ sẽ bị cách ly trong khu vực kín, được bảo vệ nhiều vòng, biệt lập với thế giới bên ngoài để in sao đề thi. Hơn 10 giờ sáng ngày 27/6, thí sinh kết thúc bài thi tổ hợp KHXH, cánh cửa ngăn cách khu vực tối mật này mới bật mở, những cán bộ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vỡ òa hạnh phúc sau nhiều ngày không thấy ánh mặt trời... 

Ba vòng bảo vệ  nghiêm ngặt

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi có đề gốc, sát kỳ thi sẽ được chuyển đến các địa phương. Khu vực sao lưu đề thi sẽ được chia làm nhiều vòng, bảo vệ nghiêm ngặt và đặc biệt bí mật. Những người không có phận sự, không được tiết lộ khu vực nào sẽ được trưng dụng để sao lưu đề thi.

Với kinh nghiệm lâu năm trong việc in sao đề thi, năm nay Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đảm nhận việc in đề cho 72.000 thí sinh của Hà Nội, 9.000 thí sinh của Lạng Sơn. Với số thí sinh này, lượng đề in sao tại Bách Khoa chiếm 10% của cả nước.

PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho  rằng, đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm in sao đề thi nên việc in sao đề cho Hà Nội là một phần trách nhiệm. Bởi in sao đề là công việc căng thẳng, phải làm cẩn trọng, nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả rất lớn. Do đó, những người in sao và cả Ban Giám hiệu đều “căng mình” theo dõi cho đến hết kỳ thi, nếu không có sự cố gì mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Phải đợi đến hơn 10 giờ sáng ngày 27/6, khi thí sinh đã kết thúc bài thi tổ hợp KHXH thì lãnh đạo trường này mới tiến về khu vực in sao đề thi để mở cánh cửa cách ly. Khu vực in sao được đảm bảo an toàn, bí mật với 3 vòng bảo vệ.

Nơi in sao đề thi là khu vực đủ lớn để cán bộ thực thi nhiệm vụ làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt khép kín tại chỗ. Vòng ngoài gồm lực lượng bảo vệ, công an và nhân viên y tế túc trực. Lực lượng an ninh có nhiệm vụ bảo vệ trật tự, ngăn ngừa người không phận sự không đến gần khu vực sao in đề thi. Nhân viên y tế túc trực 24/24 nhằm hỗ trợ cán bộ vòng trong nếu gặp sự cố về sức khỏe.

Hoàn thành nhiệm vụ vòng ngoài, anh Bùi Trung Sỹ, nhân viên phòng an ninh nở nụ cười thật tươi. Anh nói: “Công việc khá căng thẳng vì thời gian kéo dài. Có lần anh còn bị sốt cao, được bác sỹ túc trực cho hạ sốt và vẫn kiên định bám trụ”.

Cánh cửa khu vực trong cùng, nơi 26 cán bộ, thanh tra thực hiện việc in sao đề thi bật mở, tất cả mọi người vỡ òa vì vui sướng. Biết ngày giờ được ra ngoài nên tất cả tư trang, vật dụng cá nhân được chuẩn bị gọn ghẽ, sẵn sàng. Trước mắt PV là một khu vực rộng lớn ngổn ngang vật dụng đủ thứ: máy in sao, chăn đệm, rác thải sinh hoạt; đề lỗi được cắt nhỏ lưu trữ, thùng đựng đề thi, băng dính, dây cột đề thi…

Lo nhất có người ốm

GS.TS Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội cho biết, ngày 14/6 có tới 86 người được huy động để phục vụ công tác in sao, đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực. Sau khi mở đề thi gốc, công việc của những người này là in sao, kiểm duyệt đề, đóng gói cho đến khi đủ lượng đề cần thiết. Những ngày đầu, công việc rất căng thẳng. “Chúng tôi ví, ở đây là một trung đội, được chia theo nhóm nhỏ để xử lý công việc theo dây chuyền. Trong quá trình làm luôn phải căng mình kiểm tra các tình huống như đề in lỗi, in mờ…phải hủy”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, điều ông lo nhất, là trong suốt quá trình in sao đề là có người bị ốm. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như phát sinh nhiều vấn đề phức tạp kéo theo nếu chẳng may người này nhập viện.

Vào nơi bí mật nhất kỳ thi, 3 vòng bảo vệ, 14 ngày không có mặt trời ảnh 1 Rác cũng lưu trữ đến khi thí sinh thi xong. Ảnh: Như Ý
Nói về tâm tư, có cán bộ cho rằng, vì nhiệm vụ được giao nên không nề hà. Thực sự, công việc căng thẳng và khi bị “nhốt” họ phải thực hiện nhiều không: Không liên lạc về nhà, không nhìn thấy ánh mặt trời, không điện thoại…

Ngày làm việc, tối đến, họ trải chăn đệm ra sàn ngủ. Riêng cán bộ nữ, được quây riêng một khu khá kín đáo để nghỉ ngơi. Toàn bộ rác sinh hoạt, giấy thừa đều được lưu lại cho đến hết kỳ thi. Thứ duy nhất được chuyển ra ngoài chính là bát đũa sau khi dùng, tuy nhiên cũng phải được lực lượng an  ninh, thanh tra ở vòng 2 kiểm tra xong mới được đưa ra ngoài.

Người đã tham gia in sao đề, dù người thân ở ngoài có chuyện gì cũng chịu. Như năm nay, khi vào có người bố mẹ bị ốm, trong quá trình làm, lãnh đạo cũng phải cử người nhắn thông tin từ vòng 3 vào vòng 2 rằng: “bố mẹ đã khỏe để họ yên tâm làm việc”.

Ấy vậy nhưng, điều lạ lùng trong khu vực ngổn ngang ấy lại có cả bình hoa tươi. GS Phong cho biết, trong khi nam giới cắm cúi làm thì cán bộ nữ gửi yêu cầu ra ngoài nhờ mua một ít hoa. Họ cắm rất tỉ mẩn để giải khuây và nhờ đó căn phòng như “mềm” lại sau những giờ phút căng thẳng như dây đàn.

4 giờ chiều 22/6, in sao xong đề thi và giao về các điểm thi an toàn. Hết việc nhưng vẫn bị “nhốt”, chừng đó con người đành nghĩ ra nhiều “trò” để giải khuây như đánh cầu lông, tập golf, sáng tác bài hát… Kết quả, cả nhóm đã sáng tác được bài “Đề ca Bách khoa” để củng cố tinh thần cho nhau.

Khi được hỏi, rời khu vực này điều đầu tiên, anh chị sẽ làm gì, ông Phong hóm hỉnh: “Việc đầu tiên là đi tìm điện thoại để xem có bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi để trả lời nếu không nhiều người nghĩ mình mất tích”.

“Việc đầu tiên là đi tìm điện thoại để xem có bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi để trả lời nếu không nhiều người nghĩ mình mất tích”.
 GS.TS Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội nói khi được rời khu vực cách ly

MỚI - NÓNG