Sống để yêu thương
10 thí sinh là những gương mặt nổi bật nhất trong số 112 ứng viên đến từ 40 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi hồ sơ tham gia. Họ là những đại diện cho các dạng khuyết tật khác nhau, bao gồm khuyết tật vận động từ nhẹ tới nặng, xương thủy tinh, khiếm thính và khiếm thị. Trên sân khấu, những thí sinh phải mang chân giả, hay phải ngồi xe lăn, đôi chân liệt vẫn mang tới những bài múa Sen, múa Khơ-me uyển chuyển; cất cao tiếng hát yêu thương... khiến không ít khán giả bất ngờ.
Những nữ thanh niên khuyết tật trong cuộc thi còn sưởi ấm, làm đầy thêm nghị lực, tình yêu cuộc sống cho những khán giả là người bình thường.
Không chỉ vậy, những nữ thanh niên khuyết tật trong cuộc thi còn sưởi ấm, làm đầy thêm nghị lực, tình yêu cuộc sống cho những khán giả là người bình thường. Thí sinh Hoàng Thị Thi (SN 1987, Hà Nội) bị bệnh viêm tủy chia sẻ về hạnh phúc từ chính câu chuyện của bản thân. Thi kể, khi đang học lớp 10, thức giấc sau cơn đau dữ dội ở lưng và sau đó hai chân bị liệt.
Khi đó, hạnh phúc với cô là hằng ngày được đạp xe đến trường, được chạy nhảy trên chính đôi chân của mình. Giờ đây, Thi cho rằng: “Tạo ra hạnh phúc là cách trân trọng những gì mình đang có. Hạnh phúc của tôi là những người cùng hoàn cảnh như tôi có nghị lực vượt qua được sự khuyết tật về thể xác, để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.
Thí sinh Trương Thị Hoài Hạnh (SN 1988) mang tới câu chuyện cảm động về ước mơ có được phép màu cứu sống người dì bị ung thư, mới mất được 50 ngày. Dù đôi mắt không còn nhìn thấy, nhưng Hạnh vẫn không ngừng khát khao được yêu thương và đùm bọc những mảnh đời kém may mắn khác. Sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Huế và vào làm ở một tổng đài tư vấn, Hạnh quyết định học tiếp văn bằng 2 ngành Giáo dục đặc biệt tại ĐH Sư phạm TPHCM.
Chia sẻ quyết định này, cô cho biết: “Em được lớn lên trong sự thương yêu của cha mẹ, lớn lên nhận được quá nhiều sự giúp đỡ. Tham gia nhiều chương trình với người khuyết tật, thấy nhiều trẻ khuyết tật thiệt thòi, bất hạnh nên em muốn học ngành này để giúp đỡ thay đổi cảnh đời cho trẻ em từ sớm”.
Khát vọng tỏa sáng
Trong những vầng trăng khuyết, nhiều người ngay từ nhỏ đã gắn liền với sự khiếm khuyết của cơ thể, nhưng vẫn thấy bản thân may mắn hơn và mong muốn được giúp đỡ những người khuyết tật khác. Trương Thị Thương (SN 1990, Quảng Nam) được chẩn đoán là nạn nhân chất độc da cam, có thân hình chỉ 20kg, mắc bệnh xương thủy tinh. Nhiều lần chân tay gãy nhưng nhà nghèo, cha mẹ không biết nên Thương phải lẳng lặng vượt qua những cơn đau.
“Biết mình luôn khát khao đến trường, từ nhỏ, mẹ hàng ngày vác lên vai rồi vượt dốc, suối đến trường. Có lần mưa bão, hai mẹ con bị cây gãy rơi vào, cả hai tay em đều gãy”, Thương kể. Sức khỏe mong manh, thậm chí ngồi phải buộc cả người vào ghế, nhưng Thương vẫn tốt nghiệp phổ thông với 11 năm đạt thành tích giỏi.
Tiếp đó, cô còn thi đỗ vào Khoa Công nghệ Thông tin của trường ĐH Đà Nẵng khiến mọi người càng khâm phục hơn. Đặc biệt, đôi tay không biết bao lần đã gãy, nhiều khúc không liền được của Thương vẫn khéo léo tạo được những bức tranh thêu. Những bức tranh bán được không chỉ cho cô thêm chút thu nhập mà cả niềm vui.
Nguyễn Phương Linh (SN 1993, Hà Nội) khuyết tật vận động, phải làm quen với chiếc xe lăn từ bé nhưng luôn cảm thấy may mắn hơn so với những người khuyết tật khác, nhất là người điếc. Linh bảo: “Người điếc rất thiệt thòi. Ngay từ trong giáo dục họ đã phải học trường chuyên biệt và ít khi học hết phổ thông, hiểu biết về xã hội, pháp luật rất hạn chế. Dạng tật của các bạn ảnh hưởng tới cuộc sống và xin việc làm, nhưng hiện tại chưa được quan tâm nhiều”.
Dù khuyết tật vận động, Linh lại tự nguyện tham gia Chi hội Điếc Hà Nội, theo học ngôn ngữ điếc. Cô tranh thủ tham gia sinh hoạt và giúp các bạn một số vấn đề liên quan đến luật pháp và từ ngữ xã hội.
Với mong muốn giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, Linh tiếp tục theo học Khoa Công tác xã hội của ĐH Công đoàn để tích lũy kiến thức, kỹ năng. Trong đêm chung kết, Linh đã chọn thi tài năng là hát bằng ngôn ngữ ký hiệu tay.
Khi chia sẻ ước mơ, cô cho hay: “Mong muốn một ngày không xa, đường lối thuận tiện để xe lăn của người khuyết tật có thể lên xuống được, các nơi có chữ nổi…và toàn xã hội chung tay giúp đỡ để người khuyết tật có thể làm được điều bản thân mong muốn”.
Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1992, Nghệ An) – thí sinh đạt giải Hoa khôi của cuộc thi, là cô gái năng động và giàu tình cảm. Ngay từ năm lớp 3, Hoa đã bắt đầu viết bài gửi các báo. Đến lớp 7 thường xuyên viết bài cho các báo và được giải cuộc thi “Nét bút tri ân” do Bộ GD&ĐT và VTV6 phối hợp tổ chức.
Suốt những năm là sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM, cô vừa tham gia CLB báo chí sinh viên vừa tham gia nhiều hoạt động, dự án phát triển năng lực cho thanh niên khuyết tật và những chương trình hướng nghiệp cho người khuyết tật... Theo Hoa, nếu người khuyết tật được tạo điều kiện thì họ sẽ làm tốt những công việc có tính chuyên sâu hơn thay vì làm những công việc lao động đơn giản như hiện tại.
Mất đi một phần cơ thể trong tai nạn, nhưng Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1986, Đồng Tháp) vẫn vươn lên tỏa sáng giữa đời thường. Từng là cô gái lành lặn, tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán, ĐH Đồng Tháp, chị Tâm được nhận công tác tại vùng khó khăn của tỉnh. Trong lần đi vận động học sinh đến trường, cô gặp tai nạn và bị mất đi một chân. Hiện, chị Tâm vẫn công tác trong ngành giáo dục và học tiếp cao học để nâng cao trình độ, kiến thức và phương pháp dạy.