Vàng trắng 'khoắng' rừng Tây Nguyên: Ai hưởng lợi ?

Nhiều con đường bị cày nát khi các DN vào vùng dự án trồng cao su
Nhiều con đường bị cày nát khi các DN vào vùng dự án trồng cao su
TP - Chưa bao giờ Tây Nguyên lại có một lượng rừng lớn cùng lúc bị khai hoang thành đất trống như năm 2007 đến nay. Mỗi năm có vài chục ngàn ha rừng bị khai hoang chuyển sang đất nông nghiệp; hàng trăm ngàn mét khối gỗ được khai thác. Ai hưởng lợi từ chính sách này khi mục tiêu giải quyết việc làm cho đồng bào tại chỗ, phát triển hạ tầng vùng dự án đến nay chưa triển khai được…

> Nhiều bất ổn

Nhiều con đường bị cày nát khi các DN vào vùng dự án trồng cao su
Nhiều con đường bị cày nát khi các DN vào vùng dự án trồng cao su.
 

Chỉ định thầu hàng trăm ngàn mét khối gỗ

Từ năm 2007-2008, tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su, trong số hơn 73.000 ha giao cho các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, có 14.900 ha đất đã tạm giao cho thuê. Năm 2008 trong số gần 6.400 ha rừng nghèo bị khai hoang, tổng khối lượng gỗ, củi tận thu, tận dụng được là 37.786 m3 gỗ và hơn 22.680 ster củi.

Việc khai thác gỗ, củi trong năm này thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khai hoang đến đâu tận thu gỗ củi đến đó và chủ rừng bán đấu giá gỗ. Tổng số tiền qua bán đấu giá gỗ là 48,378 tỷ đồng, bình quân mỗi khối gỗ bán hơn 1,28 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai đã cho một số DN trúng đấu giá được nợ tiền mua gỗ, đến nay nhiều doanh nghiệp chây ỳ không trả hơn 9 tỷ đồng.

Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai có văn bản cho các doanh nghiệp mua gỗ nợ tiền, song khi không đòi nợ được lại yêu cầu các ban quản lý rừng phòng hộ, những chủ nợ bất đắc dĩ đi đòi và khởi kiện hầu toà, mong thu lại gần chục tỷ đồng này.

Năm 2010 và 2011, tỉnh Gia Lai không bán đấu giá lượng gỗ được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang trồng cao su nữa mà bán trực tiếp cho chủ dự án, những người được cấp rừng nghèo chuyển sang đất trồng cao su.

Năm 2010, trong số 11.877 ha rừng chuyển đổi, khối lượng gỗ củi thu được theo thiết kế là 280.288m3 bao gồm gỗ lớn 141.503 m3, gỗ nhỏ: 118.071m3. Tất cả số gỗ, củi này được bán chỉ định cho các doanh nghiệp nhận đất khai hoang trồng cao su. Tính bình quân mỗi khối gỗ chỉ được bán với giá 313.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Năm 2011, Gia Lai chuyển đổi 8.119 ha rừng nghèo sang trồng cao su cho các doanh nghiệp, khối lượng gỗ theo thiết kế là 190.321m3 và 29.700 ster củi. Giá bán gỗ bình quân chỉ có 390.000đồng/m3, trong số này không ít gỗ chủng loại cao từ nhóm 1 đến nhóm 5, giá thị trường lên đến hàng chục triệu đồng mỗi mét khối.

Đem câu hỏi “Vì sao kiểm lâm bắt vài chục khối gỗ thì buộc phải bán đấu giá còn tỉnh bán hàng chục, hàng trăm ngàn mét khối gỗ lại chỉ định thầu?”.

Ông Nguyễn Tấn Đức-Phó Giám đốc Sở Tài Chính Gia Lai cho rằng: Do áp lực phải chuyển nhanh rừng cho doanh nghiệp trồng cao su kịp tiến độ. Nếu bán đấu giá sẽ có nhiều người vào tranh mua, khai thác gỗ không kịp, doanh nghiệp sẽ trễ thời vụ. Còn việc giá gỗ quá thấp so với thị trường, vị lãnh đạo này cho rằng, đã tham khảo các chủ rừng và tăng giá trong đấu giá qua các thời kỳ.

Bán gỗ rừng chuyển đổi sang trồng cao su như thế này nhưng hàng trăm ngàn mét khối không qua đấu giá
Bán gỗ rừng chuyển đổi sang trồng cao su như thế này nhưng hàng trăm ngàn mét khối không qua đấu giá.

Nhiều mục tiêu chưa đạt

Trồng mới hàng trăm ngàn ha cao su ở Tây Nguyên đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng giao một lượng lớn tài nguyên đất của quốc gia thành tài sản của các doanh nghiệp. Mỗi ha đất trồng cao su ở Gia Lai có giá chuyển nhượng từ 60 triệu đến vài trăm triệu đồng, song khi giao cho doanh nghiệp các sở ngành không thu đồng nào.

Một số chủ trương của tỉnh gắn liền việc phát triển dự án cao su của các doanh nghiệp như phải tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ vào làm công nhân, xây dựng hạ tầng vùng dự án… cho đến nay, qua khảo sát của chúng tôi, nhiều nơi không đạt được.

Ông Phan Văn Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blưh - Chư Pưh, nơi có đến 7 doanh nghiệp được giao đất trồng cao su, cho biết đến nay các DN mới chỉ tuyển được 5 người vào làm công nhân, số còn lại đều là hợp đồng thời vụ. Nguyên nhân là người dân chưa mặn mà với công việc này chứ chẳng phải DN không thông báo tuyển lao động.

Trong khi nhiều địa phương không thu tiền khi chuyển hàng ngàn ha rừng cho doanh nghiệp trồng cao su thì ở Kon Tum, tỉnh thống nhất thu tiền mỗi ha rừng giao doanh nghiệp. Trước đây mỗi ha thu 12 triệu đồng, đến nay HĐND tỉnh biểu quyết thu 16 triệu đồng/ha.

 

Tại xã Ia Puch huyện Chư Prông, Công ty Cao su Quang Đức đã trồng 3.500 ha có gần 900 công nhân, song số đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vận động trở thành công nhân chỉ được hơn 50 người. Lý do đồng bào không muốn vào làm công nhân trồng cao su.

Ông Rơmah Bếp - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Puch cho biết, bà con còn nặng nề tập tục lạc hậu. Đồng bào không quen sống tập thể, người này so bì người kia, ngại đi làm xa… Về phía doanh nghiệp, dù phải đối phó với chủ trương của tỉnh trong tuyển dụng đồng bào tại chỗ tạo công ăn việc làm, song việc nhận họ vào làm công nhân, phần lớn doanh nghiệp ghi tên trên giấy, thực tế họ thuê lao động tự do bên ngoài để đảm bảo tiến độ và chất lượng sản xuất.

Những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp trồng cao su hạ tầng giao thông bị xuống cấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông - Nguyễn Anh Dũng cho biết, nhiều tuyến đường mới được xây dựng, tải trọng đường cho phép chỉ 10 tấn song các doanh nghiệp khai thác vận chuyển gỗ, phân bón cho xe có tải trọng 30-40 tấn ùn ùn đi lại ngày đêm.

Nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện kể cả một số tỉnh lộ trên địa bàn bị xe cày nát đường mùa mưa này không đi lại được. Trong khi đó DN vẫn không đóng góp đồng nào để địa phương sửa chữa.

Các dự án triển khai trong những năm 2010-2011 đều có đánh giá tác động môi trường, song trên tổng thể nhiều dự án liền vùng nhau như ở các xã Ia Mơr, Ia Púch, Ia Blưh… (Gia Lai) bằng mắt thường, người dân có thể thấy những khu rừng ngút ngàn tầm mắt, giờ đã không còn.

Mỗi lần mưa to là nước tràn ngập khắp nơi, tràn ngập bất thường. Những lo ngại về tác động của nó đến môi trường sống xung quanh không phải lo âu thiếu cơ sở.

Sau gần 5 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mục tiêu tăng thêm 90-100 ngàn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên đến năm 2010 đã không đạt. Chỉ một số doanh nghiệp được giao rừng, chuyển rừng sang trồng cao su là có được nguồn tài nguyên hời bởi không phải bỏ tiền ra mua đất.

Việc chuyển hàng trăm ngàn ha rừng sang trồng cao su về tương lai sẽ tạo ra một vùng chuyên canh rộng lớn, tận dụng được nguồn tài nguyên đất, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở những vùng sâu vùng xa Tây Nguyên. Đặc biệt nếu làm tốt công tác giãn dân, phân bố lại dân cư sẽ là cơ hội cho các tỉnh xây dựng thành những vùng nông thôn mới điển hình trong tương lai.

Cùng với phát triển hàng trăm ngàn ha cao su các cấp chính quyền ở Tây Nguyên sẽ giải quyết việc làm cho gần trăm ngàn lao động, đồng thời với đó là hạ tầng xã hội: Nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ búa, đường, điện… Nếu không có chế tài ngay từ bây giờ ràng buộc các doanh nghiệp, thì vì lợi nhuận, chắc chắn tương lai vùng dự án cao su sẽ tạo gánh nặng cho xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG