Vàng đen và những cơn sóng ngầm mang tên buôn lậu

Vàng đen và những cơn sóng ngầm mang tên buôn lậu
Có lẽ, chuyện than lậu chưa bao giờ dịu nhiệt ở đất Mỏ, ngay cả những lúc các lực lượng cơ quan liên ngành tích cực thực hiện các kế hoạch triệt phá.

Chỉ tính riêng năm 2014 và đầu 2015, dư luận cả nước đang rất quan tâm đến công tác chống than lậu của các cơ quan liên ngành có liên quan. Dư luận không chỉ quan tâm đến than lậu mà ngay cả than chính ngạch cũng đang có rất nhiều câu hỏi nghi vấn cần làm rõ.

Con số và sự “vênh nhau” đáng ngại

Tài nguyên than đá tại đất Mỏ đã từng được coi như “thiên đường” bởi ở đó, việc khai thác và kiếm tiền từ than là nghề kiếm cơm của không ít người.

Cũng cần nhắc lại rằng, từ tháng 4/2008, cả Quảng Ninh sôi sục bước vào "chiến dịch" truy quét than lậu dưới tất cả các hình thức khai thác lẫn kinh doanh than trái phép. Từ cuộc “đương đầu” này của các cơ quan chức năng với công tác chống than lậu, nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nguồn tài nguyên năng lượng quý này được đặt ra.

Cuộc chiến chống than lậu được bắt đầu từ trong (nội bộ tập đoàn than khoáng sản) đến các cơ quan liên ngành từ ngoài chống vào; kết hợp cả việc “chống và xây”, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường gắn liền với giải pháp ổn định về an sinh xã hội.

Đã từng có một thời, công tác phòng chống thất thoát tài nguyên than đạt những hiệu quả rõ rệt khi nhiều đối tượng đã bị truy tố trước pháp luật vì liên quan đến việc khai thác và kinh doanh than trái phép, hàng triệu tấn than lậu được thu hồi. Kể từ đó, trật tự, kỷ cương pháp luật, vệ sinh môi trường bước đầu đã tái lập trở lại.

Tuy nhiên, tính kỷ cương, duy trì trật tự chưa được bao lâu, đất Mỏ lại “nóng” lên từ vài năm trở lại đây. Trong một báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, năm 2014, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 119 vụ, 121 đối tượng vi phạm về than, tịch thu 2.454 tấn than trị giá 1,359 tỉ đồng; phạt hành chính 488 triệu đồng, triệt phá trên 315 lượt cửa lò, điểm tái khai thác, đào bới than trái phép. Ngoài ra, còn phát hiện, xử lý vi phạm của 19 bến bãi, thuộc 19 doanh nghiệp ngoài ngành than ở các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả.

Tuy nhiên, cũng chính từ công tác triệt phá than lậu lại lộ ra nhiều dấu hỏi trong công tác quản lý tài nguyên. Mới đây nhất, hai vụ điển hình cho việc chống than lậu trong đầu năm 2015 bị phát hiện, công tác quản lý tài nguyên đã lộ khá nhiều bất cập.

Đầu tiên, tại vụ bắt 700 tấn than lậu trong ngày 4/3/2015, chính quyền TP. Hạ Long và tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam trả lời dư luận rất “vênh nhau”. Sau đó, việc hàng chục ngàn tấn than bị “chôn” một cách bí hiểm đến nay vẫn chưa có một câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chủ quản. Chính sự “tiền hậu bất nhất” này của các cơ quan chức năng càng khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, liệu có điều gì khuất tất trong công tác chống than lậu của các cơ quan liên ngành.

Đằng sau những vi phạm bị sờ gáy

Trong quá trình tìm hiểu và thực hiện loạt phóng sự nàỵ, không khó để chúng tôi nhận ra hoạt động của than thổ phỉ hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Cửa lò than lậu giờ đây được ngụy trang, che giấu ngay trong khuôn viên gia đình, thậm chí ngay trong nền nhà các đối tượng đang ở.

Xưa, "bưởng" than chỉ đào bới bằng tay, than đưa lên từng thúng một; giờ, nó đã được cơ giới hóa, hiện đại hóa không thua kém gì các lò than khai thác chính quy. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng khai thác than lậu đã bạo gan tới mức, dùng cả mìn để phá vỡ gương than trong lòng đất, cho dù đường lò rất nhỏ hẹp, ở lẫn trong khu dân cư.

Khi cơ quan công an vào cuộc và thực hiện kế hoạch số 536/KH-CAT-PC46, triển khai từ 1/8/2014, chỉ sau hơn 2 tháng, đã kiểm tra hơn 40 doanh nghiệp ngoài ngành than có hoạt động tập kết, tiêu thụ than trên 20 bến thủy nội địa và 23 kho bãi trên địa bàn 6 địa phương gồm: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả, phát hiện 19 bến bãi/19 doanh nghiệp có vi phạm.

Qua kiểm tra, ngành công an cũng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ra quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi diện tích đất sử dụng trái mục đích, xử phạt vi phạm hành chính, giải tỏa số than tồn không nằm trong quy hoạch cảng bến.

Sau bến bãi, các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn tỉnh cũng là những vấn đề hết sức nhức nhối. Bên cạnh đó, công tác cấp phép các dự án giao đất, giao rừng tại các địa phương có nhiều khoáng sản thực hiện một cách bừa bãi càng làm cho các đối tượng khai thác than trái phép có kẽ hở để thực hiện khai thác bất chính.

Theo đó, trong công tác phòng chống than lậu, vẫn thiếu những biện pháp xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi các dự án sử dụng sai mục đích hoặc lợi dụng để khai thác, kinh doanh than trái phép. Bởi gần đây, có khá nhiều đối tượng lợi dụng vào việc giao đất rừng nhưng thực chất là để ngụy trang khai thác than trái phép.

Vàng đen và những cơn sóng ngầm mang tên buôn lậu ảnh 1

Hiện trường khai thác than trái phép tại khu vực đồi Khe Cam thuộc thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công bị phát hiện ngày 27/01/2015. Ảnh do cơ quan chức năng cung cấp.

Đến khi Cơ quan điều tra phát hiện, các bên bắt đầu đổ lỗi cho nhau và cho rằng, đó là than lậu không kiểm soát được. Trước đây, khi Cơ quan điều tra đã phát hiện, công ty cổ phần than Núi Béo, công ty cổ phần than Đèo Nai, công ty Hà Lầm và công ty TNHH MTV Than Hạ Long, công ty cổ phần Than Vàng Danh giao khai thác vượt công suất so với giấy phép được cấp.

Không biết, có phải được sự hậu thuẫn từ bên trong hay không nhưng các công ty này đã khai thác “ngoài” ranh giới được cấp phép, “vô tình” xâm phạm khu vực cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản. Điển hình là vụ khai thác than trái phép xảy ra tại khu vực đồi Khe Cam thuộc thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công bị phát hiện ngày 27/01/2015.

Đây là một vụ khai thác than trái phép có quy mô lớn, mang tính chất nghiêm trọng, chủ lò đã đầu tư mua sắm 2 máy phát điện công suất lớn, lắp đặt hệ thống đường ray trong đường lò, máng rót để vận chuyển than, sử dụng vật liệu nổ... và thuê nhiều người từ các địa phương khác đến làm thuê.

Tại thời điểm bị phát hiện, có khoảng 20 đối tượng làm thuê đang khai thác than trái phép, công an đã bắt giữ được 15 đối tượng, thu tại hiện trường trên 40 tấn than, 2 chiếc xe ô tô tải không biển kiểm soát, 170 thỏi thuốc nổ công nghiệp cùng nhiều các phương tiện, dụng cụ dùng để khai thác than trái phép.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, nhân viên giám định, thủ kho, quản lý cân than, theo dõi vận chuyển than... để lấy than bán ra ngoài diễn ra phổ biến.


Hai tháng đầu năm 2015 thu giữ gần bằng cả năm 2014

Riêng 2 tháng đầu năm 2015, thực hiện đợt cao điểm, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, triệt phá 29 điểm khai thác, kinh doanh than trái phép và bắt 17 trường hợp vận chuyển than trái phép, thu 2.620 tấn than các loại cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác dùng để khai thác, vận chuyển than trái phép. Đó là chưa kể đến hai vụ than vẫn đang nằm trong vòng nghi vấn của dư luận lên đến hàng chục ngàn tấn than (80.000 tấn trong vụ “chôn” than vẫn chưa có câu trả lời).

Theo Theo nguoiduatin.vn
MỚI - NÓNG