Vẫn thoải mái nghe điện thoại gần cây xăng

Vẫn thoải mái nghe điện thoại gần cây xăng
TP - Từ ngày 5-8, hành vi nghe điện thoại tại cây xăng có thể bị xử phạt từ 2 đến 5 triệu đồng theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành. Nhiều nhà khoa học đồng tình với quy định trên dù có ý kiến cho rằng, chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc nghe điện thoại có thể gây cháy nổ.

> Chưa có bằng chứng khoa học điện thoại khiến cây xăng nổ

Nguy cơ cháy nổ

Theo TS Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc sử dụng các thiết bị điện tử, sóng điện tử, trong đó có điện thoại di động có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ ở khu vực cây xăng.

TS Tùy cho hay, chỉ cần 5% hơi xăng trong không khí là có thể tạo ra hỗn hợp bắt lửa, cháy. Tại khu vực bán xăng, ngoài các trạm xăng, vòi bơm xăng còn có bể chứa xăng, dầu, khí hóa lỏng nên mật độ chất gây cháy cao, khi gặp tia lửa điện có thể gây cháy nổ.

TS Lê Cảnh Hòa, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật Nhiên liệu Bôi trơn,Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nói quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các tổ chức, tập đoàn dầu lửa thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ.

PGS.TS Đoàn Nhân Lộ, Viện Điện tử Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nói: Chưa có cơ sở để khẳng định nghe điện thoại gần cây xăng có thể gây cháy nổ. Điều kiện để phát sinh tia lửa điện phải có điện trường và điện thế đủ mạnh thì mới phóng lửa từ điểm tích điện này sang điểm tích điện khác.

Pin của điện thoại có hiệu điện thế chỉ là vài volt, cao nhất chỉ khoảng 12V, gần như không có khả năng phóng tia lửa điện.

Khách hàng vẫn thờ ơ

Cuối tháng 11-2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa cháy do nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của anh trong khi đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên.

Trước khi nghe điện thoại, nạn nhân đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên. Khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người.

Hai ngày sau khi Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, tại hầu hết các cây xăng ở Hà Nội đều thấy dán biển báo không dùng điện thoại di động.

Ở nhiều cây xăng, biển báo còn được dán ở nhiều vị trí. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều người nghe điện thoại ở nơi đổ xăng.

Anh Nguyễn Hữu Vinh, nhân viên bán hàng ở cửa hàng xăng dầu 232 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: “Có người đang nói chuyện qua điện thoại thì tạt vào đổ xăng. Cũng có người đang chờ đổ xăng thì nghe điện thoại hoặc gọi cho người khác. Mỗi ngày qua, chúng tôi đều phải nhắc nhở cả chục người như thế”.

Đang đổ xăng ở một cây xăng trên đường Nguyễn Tuân, PV chứng kiến chị Nguyễn Thu Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) thản nhiên nghe điện thoại. Nhân viên bán hàng nhắc nhở hai lần, chị mới dừng lại.

Chị Hạnh nói có biết quy định nhưng “Giống như thói quen vậy, có điện thoại là nghe thôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.