Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội: Chuyển đổi số vì sự hài lòng của người dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ đem lại sự hài lòng cho người dân mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành.

8h sáng, lượng người đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại một số chi nhánhVPĐKĐĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội rất đông. Theo ghi nhận, người dân đều được hướng dẫn cụ thể nên việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ khá thuận lợi. Đây là kết quả của việc hằng năm, VPĐKĐĐ Hà Nội đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC). Kế hoạch này được triển khai đến 100% cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại hệ thống, triển khai cụ thể các nội dung về chương trình CCHC của Sở TN&MT ban hành.

Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội: Chuyển đổi số vì sự hài lòng của người dân  ảnh 1

Việc chuyển đổi số đã giúp giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính khi người dân đến giao dịch tại Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Hà Nội

Văn phòng cũng đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, thực thi công vụ của cán bộ, viên chức, người lao động. Phổ biến các quy định, chế tài xử lý vi phạm đối với người đứng đầu và các viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ… Cùng với đó, Văn phòng thường xuyên thông tin, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thực hiện tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua trang thông tin điện tử của Sở TN&MT đối với những TTHC liên quan đến Văn phòng.

Xác định ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC không chỉ đem lại sự hài lòng cho người dân mà còn góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Bộ TN&MT, Sở TN&MT, VPĐKĐĐ Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Văn phòng đã báo cáo Sở TN&MT về việc rà soát TTHC tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đề xuất tích hợp 21 TTHC.

Trong đó, Văn phòng đề xuất TTHC-19 “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)” tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia lĩnh vực tài nguyên và môi trường chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Văn phòng đã tham mưu Tổng cục Quản lý đất đai quy trình TTHC, tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện TTHC đối với việc Giao dịch bảo đảm và Đăng ký biến động thay đổi thông tin của chủ sử dụng đất (do thay đổi Hộ khẩu thường trú và Căn cước công dân).

Từ tháng 03/2023 đến nay, Văn phòng đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia đối với hồ sơ “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)” bước đầu tiếp cận và hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC. Văn phòng đã triển khai ứng dụng CNTT liên thông các dịch vụ công trực tuyến và cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố, Chính phủ để xác minh định danh của công dân, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính lĩnh vực đất đai thay thế cho việc nộp bản giấy chứng minh nhân dân - hộ khẩu như trước đây. Khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu công dân nộp kèm theo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu.

Theo lãnh đạo VPĐKĐĐ Hà Nội, thời gian tới, Văn phòng sẽ tập trung nhiều biện pháp cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai của thành phố, nâng cao chỉ số hài lòng để góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội. Văn phòng sẽ tiếp tục rà soát và tự kiểm tra tại các phòng, chi nhánh văn phòng trong công tác tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị, cần bố trí các hình thức tiếp nhận giúp người dân, tổ chức dễ dàng khai thác thông tin, có thông báo kịp thời kết quả xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị bảo đảm đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, viên chức người lao động gây khó khăn cho người dân, tổ chức…

“Văn phòng sẽ xây dựng phong cách giao tiếp và làm việc đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác theo hướng hiện đại thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa, không để xảy ra tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn”, đại diện lãnh đạo VPĐKĐĐ Hà Nội cho biết.

MỚI - NÓNG