Tranh cãi về Bolero đẩy văn hóa tranh luận xuống hố sâu

Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: TL
Ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: TL
Sau phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương về dòng nhạc Bolero, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ theo dòng nhạc này đã lên tiếng phản pháo. Những ý kiến thẳng thắn về dòng nhạc Bolero luôn gây nên tranh cãi nảy lửa, thế nhưng điều khiến người ta lo ngại hơn cả là văn hóa tranh luận của những nghệ sĩ với nhau. Không còn là sự bày tỏ quan điểm, họ sẵn sàng đưa ra những miệt thị và công kích cá nhân để dành phần thắng cho mình.

Tùng Dương đã nói đúng?

Không khó hiểu khi quan điểm nhằm thẳng vào dòng nhạc Bolero của ca sĩ Tùng Dương khiến đa số công chúng "nhảy dựng" lên vì dòng nhạc này vẫn đang được ví như "hơi thở" mỗi ngày của họ. Nhưng nếu đọc kỹ câu trả lời của ca sĩ Tùng Dương sẽ thấy, ngụ ý sâu xa của anh không nhằm công kích Bolero. Khi được hỏi nêu quan điểm về nhạc Bolero đang bùng nổ ở thị trường âm nhạc, ca sĩ Tùng Dương đã nêu quan điểm rất rõ ràng: "Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi. Chúng ta đồng ý rằng, Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ. Thực tế âm nhạc cho thấy, nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ. Cái đó chúng ta phải công nhận". Cùng với đó, anh vẫn công nhận sức sống của nó với công chúng là có thật: "Dòng nhạc có giá trị về mặt hoài cảm, từng là trào lưu được mọi người yêu mến thì mình cũng nên dành sự trân trọng cho nó vì sức sống của nó quá lâu bền". Bản thân anh cũng thừa nhận mình không hát được Bolero và dòng nhạc mà anh đang theo đuổi sẽ khó được đón nhận hơn rất nhiều so với sự du dương, dễ nghe, dễ vào tai của Bolero.

Thế nhưng, vẫn có nghệ sĩ thách thức Tùng Dương "hát thử một bài Bolero đàng hoàng xem, nhiều khi ai đó sẽ cúi đầu bái phục. Có điều làm không nổi, cho nên cái cơ hội rập đầu đó coi bộ phải để kiếp sau. Khổ thật, cứ vậy hoài, không sợ mọi người nói ganh tỵ sao?".

Gay gắt hơn cả là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Nam ca sĩ gần đây chuyên hát Bolero đã đưa ra những phản pháo như thể Tùng Dương đang nhằm vào chính anh rằng: "Dương cố ý lên tiếng chê bai vì mình làm không được và lo sợ miếng cơm của mình bị lung lay". Có vẻ như thấy sự chỉ trích đó là chưa đủ, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục đưa ra những lời cay nghiệt không chỉ nhằm vào ca sĩ "Con cò" mà còn với nhiều nghệ sĩ khác: "Em đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm. Tôi biết, không chỉ một mình em đâu. Cả một "chùm" lận. Nhưng cuối cùng thì cái "chùm" đó đã làm được gì? Không làm được gì hết. Đó là lời khẳng định chính xác nhất. Tôi đã nghe về sự phân biệt đẳng cấp của em và các vị kia dành cho tôi lâu lắm rồi. Nhưng tôi không thèm lên tiếng. Mà tôi để cho cuộc đời và những chiếc vé được bán sạch, những lời mời với những con số chót vót và những đêm diễn kín chỗ ngồi trả lời quý vị. Sao lại hớ hênh tự vả vào mặt mình chan chát vậy. Người xưa nói chả sai, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Ca sĩ hát Bolero và khán giả Bolero cả nước sẽ "thịt" bạn".

Không phải cứ cầm micro là có văn hóa

Khoan nói chuyện ai đúng, ai sai ở quan điểm của Tùng Dương, những phản pháo của các nghệ sĩ đã bộc lộ sự thiếu văn minh trong văn hóa tranh luận. Thay vì đưa ra những quan điểm về học thuật, cuộc tranh cãi đã "biến tướng" sang màu sắc công kích cá nhân. Trong khi nếu đọc kỹ sẽ thấy, điều "thụt lùi" mà Tùng Dương nhắc đến thực ra là nói đến nền âm nhạc chứ không phải "người nghe bị thụt lùi". Nếu Bolero đã làm nên dấu ấn của thời đại trước mà bao nhiêu năm sau, giới sáng tác không làm được điều gì để thu hút được công chúng nghe sản phẩm văn hóa mang dấu ấn thời đại của mình thì đó chính là sự thụt lùi.

Bản thân MC Phan Anh cũng đồng tình với Tùng Dương rằng "già trẻ lớn bé mà đều đắm đuối với bất kể cái gì thì đó đúng là một sự thụt lùi (trong sự sáng tạo). Cuộc sống là đa dạng, kể cả âm nhạc cũng vậy, nếu không có sự đa dạng của các dòng khác nhau, không có sự tìm tòi thì phát triển sao được?". Thế nhưng, trước "làn sóng" lên án ngược lại, hiểu sai ý nhưng Tùng Dương vẫn giữ sự im lặng và không trả lời thêm bất cứ cuộc phỏng vấn nào của báo chí. Trên trang cá nhân của anh, những khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho Tùng Dương về bài báo cũng như con đường kén khán giả mà anh đang đi. 

Nghệ sĩ tóc Andre cho biết, anh chơi với cả Tùng Dương và Đàm Vĩnh Hưng nên hiểu rất rõ tính cách của hai nghệ sĩ này. Anh cho biết: "Đàm Vĩnh Hưng là người sở hữu một câu chuyện âm nhạc mang tính phổ thông. Hưng lớn lên từ nghề tạo mẫu tóc, cái thần thái mà Hưng có là giá trị sức mạnh của số đông, vì thế Hưng rất vất vả trong việc lao động nghệ thuật. Tôi tôn trọng Hưng vì anh phải trả một cái giá không hề rẻ để đánh đổi lấy thương hiệu cho chính mình. Còn Tùng Dương, người nghệ sĩ luôn ẩn chứa khát vọng nghệ thuật, luôn mong muốn âm nhạc Việt được hòa với thế giới. Nhưng thử hỏi, trong một thị trường âm nhạc tạp nham như thế này thì có được bao nhiêu người dám nghĩ, dám làm mà được công nhận? Nghệ sĩ họ rất đồng bóng, đấy là bản chất của họ. Họ sẵn sàng vội vàng lên án để giành điểm và cái “tôi” cho mình. Tiếp xúc với nhiều người làm nghệ thuật, tôi nhận ra một điều, không phải cứ cầm micro là đều có văn hóa đâu".

Trước Tùng Dương, nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng thể hiện quan điểm thất vọng về việc nhiều ca sĩ đắm đuối với Bolero mà không chịu tìm kiếm những sáng tạo mới. Anh cho rằng, đó là sự “chộp giật” của thị trường âm nhạc và lười sáng tạo của các nghệ sĩ. "Xã hội kém văn minh, việc "đào bới" giá trị xưa cũ chỉ để bán rẻ và hủy hoại chứ không phải để gìn giữ và phát triển. Dòng nhạc sến có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tác, lười biếng “chộp giật” của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”... Anh cũng cho rằng, việc những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ nhưng lại đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì không còn là bình thường. Nhưng thay vì đổ lỗi cho khán giả, nhạc sĩ Quốc Trung dành sự phê phán mạnh mẽ cho giới nghệ sĩ: Những ca sĩ tìm đến dòng nhạc xưa có thể được đón nhận một cách nhanh chóng và dễ dàng nhưng lại không tìm được chỗ đứng một cách lâu bền và tạo nên được những công chúng riêng trung thành cho mình. Điều đó biến họ trở thành một người thợ hay cao hơn chút là một nhân vật giải trí hạng xoàng... Muốn có khán giả cho bất cứ dòng nhạc nào, nhất là những dòng nhạc mới, những sáng tạo mới cần có thời gian để xây dựng công chúng. Tiếc rằng, ít có người đủ kiên nhẫn, bản lĩnh để làm được việc đó.

Theo Theo Gia đình xã hội
MỚI - NÓNG