CẢNH GIÁC
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có những tác phẩm, nghiên cứu sâu về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển, nhắc lại sự việc không nhỏ vừa qua: Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện bỏ lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim hoạt hình Everest-Người tuyết bé nhỏ. Điều đáng trách, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, một thành viên trong hội đồng duyệt khi đó có phát ngôn gây bức xúc “có vài giây thôi, mọi người cứ làm quá lên”. Một người được xem là “gác cổng” kiểm duyệt sản phẩm độc hại, sai trái nhưng không ý thức hậu quả.
“Vị ấy nói có vài giây thôi. Vâng xin thưa rằng, chỉ có mấy giây đó mà họ khẳng định trắng trợn về vấn đề biển Đông. Mấy giây thôi cũng là mất nước. Đến người gác cổng còn như thế nữa là người dân”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL) có quyết định kỷ luật cho thôi Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà, kiểm điểm rút kinh nghiệm với các thành viên hội đồng. Lãnh đạo bộ chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trung ương thẩm định và duyệt phim truyện, tuy nhiên chưa có giải pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả bộ lọc từ những người gác cổng ấy.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa lên tiếng mạnh mẽ phản đối diễn viên Thành Long - người ủng hộ “đường lưỡi bò” phi pháp-sang Việt Nam làm đại sứ một chương trình. Từ góc độ nhà văn, nhà sáng tạo, Nguyễn Quang Thiều cảnh báo việc đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp vào tác phẩm văn học, điện ảnh là chủ trương, ý đồ không thể chối cãi của nhà cầm quyền Trung Quốc.
“Đó là chủ trương, chính sách của họ, còn các nước liên quan phải chống lại việc này một cách mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải kiểm duyệt, xem xét kỹ lưỡng khi cho phép các ấn phẩm, sản phẩm từ bên ngoài lưu hành tại lãnh thổ Việt Nam. Đó là biện pháp đầu tiên chúng ta có thể thực hiện trước chủ trương truyền bá sai trái về sự thật lịch sử, về chủ quyền lãnh thổ”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Với tinh thần này, nghệ sĩ Trần Lương vừa yêu cầu phía đối tác Trung Quốc “cắt đường lưỡi bò phi pháp” khỏi các tài liệu, hiện vật trong cuộc triển lãm nghệ thuật tại Nam Kinh.
VĂN NGHỆ SĨ VÀO CUỘC
Nâng cao cảnh giác, kiểm soát kỹ lưỡng các sản phẩm truyền bá vào Việt Nam theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều mới chỉ là bước đầu tiên. Ông cho rằng, điều quan trọng hơn là truyền bá sự thật lịch sử một cách mạnh mẽ cho toàn dân, trên trường quốc tế phải đấu tranh thẳng thắn và rõ ràng. Ông nói, chúng ta không tuyên truyền sai lịch sử, chúng ta tuyên truyền những gì chúng ta đang có đó là lãnh thổ, những quần đảo gắn bó máu thịt Hoàng Sa, Trường Sa, phải phân tích kỹ lưỡng về đường lưỡi bò phi pháp cho người dân hiểu.
“Thế hệ chúng tôi bám sát lịch sử, nắm rõ lịch sử nhưng lớp trẻ sau này dễ bị nhiều thứ khác cuốn đi. Chúng ta lên tiếng và công bố sự thật lịch sử để cho các thế hệ trẻ sau này có thể đứng ở bất cứ diễn đàn nào, bất cứ đâu trên thế giới không cần dựa vào ai mà chỉ cần dựa vào hiểu biết về lịch sử dân tộc đều có thể lên tiếng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng vấn đề quan trọng là giáo dục về ý thức chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trên biển đối với cán bộ, nhân dân chứ không tuyên truyền, không giới thiệu chung chung hoặc giới thiệu một cách mập mờ.
“Nếu chúng ta chỉ nói một cách mơ hồ, tôi cho rằng sản phẩm cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp có thể lọt vào lúc nào cũng được. Chúng ta phải nhớ rằng họ dùng mọi thủ đoạn, biện pháp và mọi điều kiện để tuyên truyền sai trái Biển Đông là cái ao của riêng họ. Đó là hành hành động xâm lược trắng trợn”, GS Ngọc nói.
Ông chỉ ra bất cập khi tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền lãnh thổ hiện nay: Chúng ta tuyên truyền rằng có chủ quyền, đủ bằng chứng, đủ cơ sở không thôi là chưa đủ. Phải giúp người dân hiểu “đường lưỡi bò” ấy là cái gì, có liên quan gì đến chủ quyền lãnh thổ.
“Chúng ta phải thay đổi cách giáo dục, để người ta có ý thức sâu sắc rằng Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền, là máu thịt của chúng ta, là núi xương biển máu chúng ta đổ ra để khẳng định và gìn giữ thì người dân mới nghe và thấm. Chỉ tới khi ấy họ mới thấy “đường lưỡi bò” là phi pháp, họ mới có ý thức cảnh giác”, GS Nguyễn Quang Ngọc phân tích.
vừa bị xử lý
Hỏi nhà văn Nguyễn Quang Thiều về vai trò của văn nghệ sĩ trong câu chuyện tăng “sức đề kháng” trước sản phẩm cài cắm yếu tố tuyên truyền sai lệch, ông nêu ý kiến, từ trước tới nay văn nghệ sĩ lên tiếng dường như đều tự phát. “Chúng ta chưa có lời kêu gọi chính thức nào. Văn nghệ sĩ có thể vận dụng tất cả sự sáng tạo nghệ thuật của họ để truyền bá, quảng bá sự thật lịch sử, nói rõ sự kiện lịch sử đang bị lấp liếm, xóa nhòa đi.
Chúng ta phải có chiến dịch hẳn hoi, bởi không ai bảo vệ lịch sử đúng nhất bằng chính chúng ta. Văn nghệ sĩ có tác động rất mạnh trong sáng tạo của họ bằng âm nhạc, hội họa, văn chương, nghệ thuật. Một bài thơ hay hoặc bất cứ bài viết nào đó một cách trung thực và chân thành nhất về tình yêu Tổ quốc có sức lan tỏa mạnh mẽ”, ông nói.
Văn nghệ sĩ có thể vận dụng tất cả sự sáng tạo nghệ thuật của họ để truyền bá, quảng bá sự thật lịch sử, nói rõ sự kiện lịch sử đang bị lấp liếm, xóa nhòa đi. Chúng ta phải có chiến dịch hẳn hoi, bởi không ai bảo vệ lịch sử đúng nhất bằng chính chúng ta.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều